Sáng 2/5, Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cung rước bằng chuyên cơ của Không quân Ấn Độ đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), mở đầu chuỗi hoạt động của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2025 tại Việt Nam.
Việc tổ chức Vesak tại một trong những đô thị lớn, năng động nhất cả nước cho thấy môi trường tôn giáo tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện thuận lợi. Các nghi lễ Phật giáo truyền thống diễn ra trang nghiêm, công khai, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, những hoạt động văn hóa, học thuật, triển lãm quốc tế được tổ chức bài bản, đa dạng thể hiện sự cởi mở và tôn trọng của Nhà nước Việt Nam đối với các sinh hoạt tín ngưỡng.
![]() |
Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cung rước bằng chuyên cơ của Không quân Ấn Độ. (Ảnh: Đại sứ quán Ấn Độ) |
Với chủ đề “Hòa hợp và bao hàm vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, Vesak 2025 nhấn mạnh các giá trị cốt lõi gồm: nhân phẩm, hòa hợp và phát triển bền vững. Trong bối cảnh thế giới đang chịu nhiều tác động từ xung đột, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội, thông điệp từ bi và khoan dung của Phật giáo được Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ như một đóng góp thiết thực cho hòa bình và phát triển chung. Vesak 2025 không chỉ là ngày hội tôn giáo mà còn là không gian giao lưu nhân văn – nơi các dân tộc, tín ngưỡng và nền văn hóa gặp gỡ trong tinh thần tôn trọng, gắn bó và sẻ chia.
Việt Nam hiện là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và đã công bố tái ứng cử nhiệm kỳ 2026-2028. Việc này khẳng định cam kết lâu dài và nhất quán của Việt Nam trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên toàn cầu.
Với phương châm “Tôn trọng và hiểu biết – Đối thoại và hợp tác – Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người” khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã chủ động đóng góp nhiều sáng kiến, nhất là trong bảo vệ nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật…
Việt Nam cũng là quốc gia thành viên của hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về nhân quyền và đã nội luật hóa nhiều cam kết quốc tế thành chính sách cụ thể.
Khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy các giá trị nhân quyền toàn cầu, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng hội nhập, luôn bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực.
![]() |
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao. |
Tháng 7 tới, Việt Nam sẽ trình bày báo cáo quốc gia về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) trước Ủy ban chuyên trách của Liên hợp quốc. Đây không chỉ là nghĩa vụ quốc tế mà còn là cơ hội để khẳng định tính minh bạch, thực chất của chính sách phát triển lấy con người làm trung tâm ở Việt Nam.
Dự kiến đến tháng 10, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu bầu thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền. Trong hành trình hướng tới nhiệm kỳ tiếp theo, những hoạt động như Vesak 2025 là biểu hiện cụ thể cho trách nhiệm và vai trò ngày càng chủ động của Việt Nam trong thúc đẩy nhân quyền toàn cầu.
Không chỉ thực hiện quyền con người trong khuôn khổ pháp lý, Việt Nam còn thể hiện chúng qua thực tiễn sinh động – từ các hoạt động văn hóa, giáo dục cho đến đối thoại tôn giáo và hợp tác quốc tế.
Việc tổ chức thành công nhiều kỳ Vesak là minh chứng cho chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng cũng như thiện chí của Việt Nam trong thúc đẩy sự hiểu biết và hòa hợp giữa các cộng đồng, tôn giáo khác nhau.
Nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã cải thiện mạnh mẽ chính sách an sinh xã hội thông qua các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển vùng dân tộc thiểu số, bảo đảm bình đẳng giới, nâng cao mức thụ hưởng của người dân, thúc đẩy chuyển đổi số gắn với quyền tiếp cận thông tin và tri thức. Các chương trình bảo vệ nhóm yếu thế, nhất là người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ… đều ghi nhận những tiến bộ đáng kể.
Một trong những điểm sáng là việc bảo đảm quyền văn hóa cho cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua các chương trình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Cụ thể như các chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới giai đoạn; giảm nghèo bền vững…
Các chương trình đều đặt con người vào vị trí trung tâm, góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa tạo sinh kế bền vững vừa gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp…
![]() |
Gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. |
Từ sự kiện Vesak 2025, Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán về tôn trọng tự do tín ngưỡng, thúc đẩy đối thoại tôn giáo và chủ động đóng góp cho tiến trình phát triển nhân quyền toàn cầu.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.