TPO – Nhiều khán giả bức xúc, thậm chí đòi tắt tivi mỗi lần nhân vật Nguyên do Trần Nghĩa thủ vai trong phim “Cha tôi người ở lại” xuất hiện.
Bộ phim Cha tôi người ở lại đã phát sóng tới tập 39, dự kiến kết thúc ở tập 45. Ở chặng cuối, diễn biến phim chủ yếu xoay quanh chuyện tình giữa An (Ngọc Huyền) và Nguyên (Trần Nghĩa).
Trên một số diễn đàn, khán giả để lại bình luận tiêu cực về tạo hình cũng như sắc thái biểu cảm của nhân vật Nguyên. Thậm chí một số người cực đoan tuyên bố cứ thấy phân đoạn của Nguyên là muốn tắt tivi vì giọng nói nhân vật thều thào, nét mặt ủ rũ, thiếu sức sống…
‘Tôi nghĩ mình đã làm tốt’
Chia sẻ với Tiền Phong, diễn viên Trần Nghĩa cho biết anh hoàn toàn hiểu cảm xúc và tôn trọng mọi ý kiến của khán giả. Tuy nhiên, Trần Nghĩa muốn “minh oan” cho Nguyên vì cho rằng nhân vật không xứng đáng nhận “gạch đá” hay những bình luận gay gắt.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Trần Nghĩa bị chê biểu cảm một màu, thiếu sức sống trong phim giờ vàng. |
Theo Trần Nghĩa, Nguyên là nhân vật gặp nhiều biến cố và chịu bất ổn tâm lý từ nhỏ. Cộng thêm việc Nguyên bị trầm cảm trong thời gian chăm sóc mẹ ruột ở nước ngoài khi bà là người áp đặt, tiêu cực.
“Đặt trong tình huống đó, liệu Nguyên có thể béo tốt hay luôn vui vẻ được không? Tôi không thể làm hài lòng tất cả khán giả nhưng đã cố gắng thể hiện tốt vai trò của mình với vai diễn cũng như yêu cầu của kịch bản, đạo diễn”, Trần Nghĩa nói.
Nam diễn viên minh chứng vấn đề tâm lý của Nguyên thể hiện rõ qua những phân đoạn có sự xuất hiện nhân vật An. “An chính là người mang Nguyên trở lại. Khi không có An, Nguyên chỉ luôn thể hiện một trạng thái. Đó là lý do khán giả thấy Nguyên ủ rũ, thiếu sức sống. Không hẳn chỉ là những bình luận tiêu cực, rất nhiều khán giả cảm nhận được bất ổn tâm lý của Nguyên. Tôi nghĩ đó là thành công nhỏ của mình”, Trần Nghĩa lý giải.
Trần Nghĩa hy vọng khán giả công tâm và khách quan, đánh giá bộ phim và diễn biến tâm lý nhân vật theo quá trình thay vì một vài trích đoạn trên mạng xã hội.
“Một số khán giả xem trích đoạn và đưa ra đánh giá chủ quan, so sánh với bản gốc mà không nhìn nhận giá trị mà bản Việt mang lại. Nguyên không phải nhân vật sinh ra để làm anh hùng. Cậu ấy sinh ra để chất vấn người xem về sự lựa chọn, về trách nhiệm và nỗi đau âm ỉ mang tính thế hệ. Nguyên không chọn phản kháng ồn ào. Cậu ấy chọn ở lại và đặt trong bối cảnh phim, đó không phải là trốn tránh, mà là một hành động đầy đau đớn nhưng cũng rất nhân văn. Ở lại để chịu trách nhiệm, ở lại để níu giữ điều gì đó còn sót lại của cha, của quê hương, của chính mình. Nguyên cũng là tiếng nói của những người trẻ có hoài bão, nhưng mắc kẹt giữa lý tưởng và thực tế. Khán giả sẽ thấy Nguyên sai hoặc đúng nhưng cậu ấy không quay lưng với nỗi đau. Việc Nguyên đối diện với thực tế đã rất can đảm rồi”, Trần Nghĩa chia sẻ.
‘Tôi không làm phim kiểu bắt chước’
Về việc khán giả phản đối chuyện tình cảm đôi lứa giữa An và Nguyên, Trần Nghĩa cho rằng những ai hiểu nội dung câu chuyện sẽ có cái nhìn khác.
“Trong tâm trí Nguyên, tình yêu không chỉ là cảm xúc, nó là một loại trách nhiệm. Một tiếng yêu trong bối cảnh ấy không đơn thuần là thổ lộ, mà là một lời hứa. Nguyên chưa thể mở lời khi chính mình còn chưa tìm được lối ra. Ai hiểu nội dung câu chuyện sẽ nhận ra An và Nguyên là thanh mai trúc mã từ nhỏ. Vì vậy, việc họ thành đôi là điều mà những khán giả yêu thích phim, yêu nhân vật đều mong mỏi”, nam diễn viên nhấn mạnh.
![]() |
Trần Nghĩa ủng hộ cái kết An và Nguyên thành đôi trong Cha tôi người ở lại. |
Ngoài ra, Trần Nghĩa nói anh không xem bản gốc trước khi đảm nhận vai Nguyên. Nam diễn viên quan điểm làm theo cảm nhận và hiểu biết của bản thân.
“Remake không có nghĩa là bắt chước. Nhân vật Nguyên là của tôi. Tôi có cách để truyền tải thông điệp và văn hóa riêng. Cũng là một cách tôi tự đặt ra mục tiêu, áp lực với chính mình. Giống như thời làm phim Nhà trọ Balanha, nhân vật của tôi cũng không giống bản gốc. Đó là quan điểm làm nghệ thuật của tôi”, nam diễn viên cho hay.



Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.