Chúng tôi như đang có mặt tại miền nam những ngày lịch sử
Cầm tờ phụ san đặc biệt vẫn còn thơm mùi mực mới trên tay, bà Hương nhanh chóng nhờ các kỹ thuật viên Báo Nhân Dân hướng dẫn quét mã QR để xem chi tiết hơn những thông tin “ẩn” trong ấn phẩm.
![]() |
Bà Trịnh Thu Hương chia sẻ cảm xúc khi tham quan triển lãm (Ảnh: SƠN BÁCH) |
Khi nhìn thấy hình ảnh xe tăng của ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, độc giả tới từ Hà Đông đã phải thốt lên ngỡ ngàng: “Tôi có cảm giác như đang được sống lại những giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc ngay giữa lòng Hà Nội”.
Bà Hương cũng cho biết thêm, bà sẽ mang tờ phụ san đặc biệt này về nhà, nhờ các cháu tiếp tục quét QR để cùng tìm hiểu thêm về Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Cùng chung sự hào hứng, ông Nguyễn Văn Tấn, nguyên cán bộ công an nay đã về hưu, một tay vừa bế cô cháu gái nhỏ, một tay cầm tờ phụ san đứng tạo dáng chụp ảnh. Dù nhà ở ngay phố Hàng Khay, nhưng hôm nay, ông mới tới được Triển lãm.
“Tôi dự định tới từ vài hôm trước, nhưng do quá đông nên hôm nay, hai ông cháu mới đưa nhau vào tham quan. Tôi đặc biệt ấn tượng với khu vực trình chiếu diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh tại khu vực lều dã chiến. Chỉ trong vòng hơn 5 phút, chúng tôi đã có thể nắm sơ bộ về toàn bộ diễn biến chính”, ông Tấn chia sẻ.
Riêng với tờ phụ san, ông Tấn cho rằng: Đây là cách thức truyền thông rất mới mẻ, giúp giới trẻ chú ý tìm hiểu và yêu hơn lịch sử nước nhà.
Cách quét mã QR tại phụ san 30/4
Bạn đọc có thể quét 4 mã QR để xem video động trên mặt phẳng tĩnh với công nghệ AR. 4 mã QR này tương ứng với 4 khoảnh khắc quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bao gồm hình ảnh xe tăng của quân đội ta húc đổ cổng Dinh Độc lập.
Để thực hiện trải nghiệm này độc giả cần cài đặt ứng dụng Tiktok trên thiết bị di động và thực hiện theo 2 bước sau:
– Bước 1: Quét mã QR để tải từng filter
– Bước 2: Quét vào hình ảnh tương ứng để trải nghiệm
“Cầm tờ ấn phẩm trên tay, thế hệ đã từng đi qua chiến tranh như chúng tôi cảm nhận rõ niềm xúc động. Hôm nay, nhìn hàng trăm bạn trẻ háo hức với các sản phẩm lịch sử, tôi càng thấy xúc động hơn”, cựu cán bộ công an chia sẻ và bổ sung thêm, ông như cảm nhận rõ một sợi dây kết nối vô hình giữa nhiều thế hệ đang hiện hữu tại khu vực trưng bày của Báo Nhân Dân hôm nay.
![]() |
Các em học sinh trưởng Tiểu học Tràng An thích thú cùng cô giáo chụp ảnh tại triển lãm (Ảnh: SƠN BÁCH) |
Cũng trong sáng nay, các em học sinh trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiếp tục được có dịp tham gia trải nghiệm tại Triển lãm tương tác. Sau khi tham quan, tìm hiểu, các em được chụp ảnh lưu niệm và nhận ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân.
Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Lan Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 2C cho biết: Nhiều ngày qua, rất nhiều lớp học của trường Tràng An đã tới Triển lãm trải nghiệm.
“Các con đều rất háo chờ đợi tới ngày được dự triển lãm. Đặc biệt, các con vừa được xem, nghe, nhìn và tìm hiểu thêm một phần lịch sử. Là một giáo viên, tôi cho rằng, cách làm mới lịch sử như những ấn phẩm kể trên đã góp phần khơi lên tình yêu và niềm hứng thú với lịch sử cho những mầm non tương lai của đất nước”, cô Hương cho biết.
Ký ức thế hệ trước đến góc nhìn của thế hệ Alpha
Trong dòng người lặng lẽ bước vào không gian Triển lãm tương tác giữa lòng Thủ đô, có một người đàn ông tóc bạc trắng, dáng ngồi trầm tĩnh trên xe lăn, bác Hoàng Gia Đạt, sinh năm 1942, nguyên là công nhân Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Cạnh bác là con gái bác, đang đẩy xe đưa cha mình qua từng gian trưng bày.
![]() |
Bác Hoàng Gia Đạt năm nay hơn 80 tuổi rất xúc động khi tham quan tại triển lãm (Ảnh: MINH PHƯƠNG) |
Bác Đạt cho biết: “Tôi là lứa công nhân đầu tiên của Nhà máy Cơ khí Hà Nội – nhà máy lớn nhất Đông Dương thời ấy. Năm 1972, khi chuẩn bị cho chiến dịch ‘Điện Biên Phủ trên không’, chúng tôi phải sơ tán phân xưởng về khu vực Trường Kiến trúc bây giờ. Ngày 12/5, máy bay Mỹ oanh tạc, phá tan cơ sở. Nhưng may mắn, máy móc còn nguyên. Tôi lúc đó thuộc tiểu đội tự vệ nên ở lại giữ máy móc, cho anh em rút trước.”
Giọng bác trầm xuống: “Đến ngày 19/5 – sinh nhật Bác Hồ – bom lại trút xuống. Hơn 5 người đồng nghiệp hy sinh. Rồi ngày 22/5, thêm một trận bom nữa. Tổng cộng ba lần oanh tạc, nhà máy mất hơn 10 người. Tôi đều ở lại, và may mắn đều thoát chết. Đó là những lần sinh tử kỳ diệu mà tôi không bao giờ quên.”
Giờ đây, ở tuổi hơn 80, bác Đạt không còn đứng được lâu. Mỗi bước đi đều cần chiếc xe lăn. “Nhưng khi thấy hình ảnh về triển lãm qua tivi, qua ảnh con gái tôi chụp, tôi nhất định phải đến. Dù mệt, vẫn muốn được tận mắt thấy.”
Tại khu vực tái hiện chiếc xe tăng 390, biểu tượng của thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975, bác Đạt nở nụ cười đầy cảm xúc: “Tôi từng vào Thành phố Hồ Chính Minh, chụp ảnh tại Dinh Độc Lập. Hôm nay, được nhìn hình ảnh Dinh độc lập, rồi chiếc xe tăng 390 dù chỉ là mô hình giữa triển lãm nhỏ này, cảm xúc như lại ùa về.”
![]() |
Nhóm học sinh trường Tiểu học Vinschool rất thích thú khi được chụp ảnh cùng Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh. (Ảnh: MINH PHƯƠNG) |
Đầu giờ chiều, khi nắng đã dịu, một nhóm học sinh trường Tiểu học Vinschool rộn ràng kéo đến khu vực triển lãm, tay trong tay cùng cha mẹ.
Chị Hoàng Thúy Khanh, phụ huynh của bạn nhỏ trong đoàn chia sẻ: “Tranh thủ các con được nghỉ buổi chiều, nhóm phụ huynh chúng tôi hẹn nhau đưa các con đi. Các con háo hức từ mấy hôm nay, xem tin trên tivi, nghe kể ở lớp, đều mong được đến tận nơi.”
![]() |
Chị Hoàng Thúy Khanh cùng con tìm hiểu, khám phá nhiều thông tin về trận đánh quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: MINH PHƯƠNG) |
Giữa không gian không quá rộng, công nghệ hiện đại đã giúp tái hiện sinh động những lát cắt lịch sử. “Bình thường lịch sử là những bài học khô khan với con tôi. Nhưng hôm nay, bé được xem phim tư liệu, ‘đi xuyên’ các trận địa qua QR, xem bản đồ 3D chiến dịch. Bé rất thích, hỏi liên tục về từng nhân vật, sự kiện,” chị Khanh cười chia sẻ.
Ở khu vực trình chiếu công nghệ 3D mapping về Chiến dịch Hồ Chí Minh, bé Hà Anh lớp 4A15 trường tiểu học Vinschool chăm chú theo dõi từng chuyển động.
Bé quay ra nói với mẹ: “Con thấy xúc động lắm mẹ ạ. Mọi người hồi xưa vất vả quá. Con không nghĩ để có ngày hôm nay lại phải chiến đấu nhiều như thế…”
Không cần không gian rộng lớn, không cần hiện vật cổ kính, triển lãm của Báo Nhân Dân đã cho thấy sức mạnh của cách kể chuyện mới: nơi lịch sử được kết nối liền mạch giữa người thật – việc thật – công nghệ thật – cảm xúc thật.
Triển lãm tương tác do Báo Nhân Dân tổ chức không chỉ là nơi tái hiện một thời khói lửa oai hùng, mà còn là nhịp cầu nối liền các thế hệ – từ những người từng đi qua chiến tranh đến lớp cháu con lớn lên trong thời bình.
Trong không gian nhỏ giữa lòng Hà Nội, lịch sử không còn là ký ức của riêng ai, mà là sợi dây vô hình gắn bó ông với cháu, cha mẹ với con cái, những người lính già từng vào sinh ra tử với thế hệ Alpha đang sống trong kỷ nguyên số.
Ở đó, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và bài học từ quá khứ được khơi dậy không bằng lời giảng dông dài, mà bằng chính sự chạm vào cảm xúc , để lịch sử không lùi xa, mà sống động trong từng ánh mắt, nụ cười và câu chuyện được tiếp nối qua từng thế hệ.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.