(PLO)- Bên cạnh việc thành lập Tổ công tác liên ngành liên quan đến chuyển đổi xanh, TP.HCM cũng đang khẩn trương nghiên cứu, triển khai thí điểm một số giải pháp chuyển đổi xanh trên địa bàn huyện Cần Giờ và Côn Đảo.
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được tại cuộc họp với lãnh đạo Tập đoàn Vingroup về nội dung “Đồng hành chuyển đổi xanh TP.HCM“.
Theo Văn phòng UBND TP.HCM, mới đây Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Tập đoàn Vingroup về nội dung “Đồng hành chuyển đổi xanh cùng TP.HCM”.
Sau khi nghe kiến nghị của lãnh đạo Tập đoàn Vingroup báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Sở Xây dựng và các đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được kết luận, chỉ đạo như sau:
TP.HCM xác định chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, là động lực quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững hơn.
Trên cơ sở Nghị quyết số 98 của Quốc hội, UBND TP.HCM đã phân công Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì xây dựng Đề án Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông phù hợp với quy mô TP.HCM mở rộng, với nhiều cơ chế, chính sách và lộ trình thực hiện cụ thể nhằm hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh. Dự kiến hoàn chỉnh trong quý IV-2025.

UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng phối hợp, cung cấp cho Tập đoàn Vingroup đầy đủ thông tin về cơ chế, chính sách và các giải pháp chuyển đổi xanh theo Đề án. Đồng thời, khuyến khích để Tập đoàn Vingroup tham gia thực hiện các giải pháp giao thông xanh theo đúng quy định pháp luật.
UBND TP.HCM đề nghị Tập đoàn Vingroup đồng hành cùng TP.HCM thực hiện hiệu quả các giải pháp chuyển đổi xanh, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu xây dựng TP xanh và thân thiện với môi trường.
TP.HCM cũng thành lập Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho Lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo các nội dung liên quan đến chuyển đổi xanh. Tổ công tác do Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM làm Tổ trưởng, thành viên gồm có Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Công Thương; mời các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia Tổ công tác.
UBND TP giao Viện Nghiên cứu phát triển TP phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu UBND TP.HCM thành lập Tổ công tác nêu trên theo quy định. Hoàn thành trong tháng 5-2025.
UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Công thương làm việc cụ thể với UBND huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh để giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến thủ tục lắp đặt trạm sạc cho phương tiện giao thông điện trên địa bàn.
Viện Nghiên cứu phát triển TP chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất dự án đủ điều kiện tham gia Đề án nghiên cứu sự hình thành và thúc đẩy giao dịch tín chỉ carbon tại TP.HCM. Hoàn thành trong Quý 4 – 2025.
Bên cạnh đó là phối hợp với Trường Đại học VinUni và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tham mưu UBND TP triển khai thí điểm một số giải pháp chuyển đổi xanh trên địa bàn huyện Cần Giờ và Côn Đảo.
Đặc biệt, phân công Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường theo dõi triển khai các nội dung tại thông báo này.
Thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, khí metan của Chính phủ và nghị quyết 98, Sở Xây dựng đã xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông theo hai giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1, xây dựng lộ trình chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh để áp dụng kể từ năm 2025. Mục tiêu là đến năm 2030, 100% xe buýt của TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh. Đáng chú ý, TP có chính sách cho vay vốn đối với các đơn vị vận tải chỉ trả lãi suất theo mức cố định là 3%/năm trong vòng 7 năm. Đây được xem là hỗ trợ tốt nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực xe buýt tại TP.HCM.
Giai đoạn 2, Sở Xây dựng xây dựng Đề án và tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành chính sách giảm khí thải các phương tiện giao thông đường bộ còn lại. Thời điểm này cũng có thêm chính sách thu mua, đổi xe cũ sang xe mới sử dụng điện, năng lượng xanh để giảm ô nhiễm môi trường.
Đề án cũng sẽ nghiên cứu giải pháp phân vùng, ưu tiên cho xe năng lượng xanh, hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các khu vực như trung tâm TP.HCM, huyện Cần Giờ, huyện Côn Đảo…
Đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành chuyên đề giai đoạn 1 đề án và đã báo cáo UBND TP.

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.