Ngày 13-5, tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) – chặng đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lâu năm của Mỹ đối với Syria “nhằm tạo cơ hội để Syria vươn tới sự vĩ đại”, theo hãng tin Reuters.
Sang ngày 14-5 tại Riyadh diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa – cuộc gặp lịch sử giữa hai lãnh đạo Mỹ và Syria sau 25 năm.
Những diễn biến này thu hút sự chú ý từ giới quan sát và được cho là kết quả những nỗ lực và đường lối đối ngoại độc đáo, hiệu quả của Tổng thống al-Sharaa – vị lãnh đạo đất nước Syria bị tàn phá nặng nề sau 13 năm nội chiến.
Cách tiếp cận độc đáo của ông al-Sharaa với ông Trump
Kể từ khi trở thành người đứng đầu Syria sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ vào tháng 12-2024, Tổng thống al-Sharaa đã cho thấy cách tiếp cận cởi mở của mình trong vấn đề ngoại giao.
“Chính quyền trước đây đã chia rẽ xã hội, làm tăng nguy cơ trả thù. Ngày nay, pháp quyền là sự đảm bảo cho tất cả các tôn giáo. Hòa bình dân sự không còn là xa xỉ; đó là nghĩa vụ của tất cả người dân Syria” – ông al-Sharaa nói trên truyền hình Syria vào ngày 14-12-2024.

“Để đạt được điều này, chúng ta phải giao tiếp với thế giới. Sự cô lập chỉ sinh ra đau khổ. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với bất kỳ quốc gia nào tôn trọng độc lập của chúng tôi và hỗ trợ nỗ lực tái thiết của chúng tôi. Từ châu Âu đến Vùng Vịnh, từ Mỹ đến châu Á, Syria sẽ giang tay trong tình hữu nghị và hợp tác” – nhà lãnh đạo Syria nói thêm.
Trong diễn biến mới nhất nhằm hiện thực hóa mục tiêu đối ngoại, Tổng thống al-Sharaa được cho là đã đề xuất ký một thỏa thuận khoáng sản với Mỹ để thuyết phục Tổng thống Trump nới lỏng trừng phạt, tờ The Times đưa tin ngày 13-5.
Thỏa thuận này được cho là sẽ trao quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên của Syria cho các công ty Mỹ, tương tự thỏa thuận khoáng sản mà Mỹ ký với Ukraine gần đây.
Theo nguồn tin, ông al-Sharaa thậm chí đã đề cập khả năng xây dựng một tòa tháp Trump Tower ở thủ đô Damascus như một phần trong lời chào mời gửi đến tổng thống Mỹ thông qua các bên trung gian là Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nguồn tin an ninh tiết lộ với The Times rằng ông al-Sharaa có thể sẽ đề xuất bắt đầu đàm phán gia nhập Thỏa thuận Abraham – thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia Ả Rập và Israel. Điều này có khả năng giúp Syria liên kết chặt chẽ hơn với các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Ngoài ra, tổng thống Syria được cho là sẵn sàng thiết lập một khu phi quân sự hoặc cho phép Israel duy trì hiện diện an ninh tại khu vực tây nam Syria – nơi lực lượng Israel đã tạo ra một vùng đệm giáp với Cao nguyên Golan. Dưới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Mỹ đã công nhận chủ quyền của Israel đối với khu vực này vào năm 2019.
Cũng theo các nguồn tin của The Times, chính quyền ông al-Sharaa đã có chiến dịch vận động thông qua Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ để có cuộc gặp trực tiếp với ông Trump.
Liên Hợp Quốc ngày 13-5 hoan nghênh việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt Syria. “Việc nới lỏng trừng phạt với Syria nhằm hỗ trợ tái thiết đất nước, giúp người dân Syria phục hồi sau hơn một thập niên xung đột và thiếu đầu tư” – người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nói.
Hiệu quả từ đường lối cởi mở với Mỹ
Các tiếp cận độc đáo và cởi mở của ông al-Sharaa đã cho thấy hiệu quả khi Tổng thống Trump ngày 13-5 quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Syria.
“Tôi sẽ ra lệnh dừng mọi lệnh trừng phạt nhằm tạo cơ hội để Syria vươn tới sự vĩ đại. Đã đến lúc họ tỏa sáng. Chúng tôi sẽ dỡ bỏ tất cả. Chúc may mắn, Syria – hãy cho chúng tôi thấy điều gì đó thật đặc biệt” – ông Trump nói.
Việc dỡ bỏ trừng phạt thể hiện sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ. Washington tuyên bố Syria là quốc gia tài trợ cho khủng bố vào năm 1979, áp dụng thêm lệnh trừng phạt vào năm 2004 và áp đặt thêm lệnh trừng phạt sau khi cuộc nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011.
Các chuyên gia tin rằng Mỹ chấm dứt trừng phạt đối với Syria sẽ là một sự thúc đẩy to lớn cho một quốc gia đã bị tàn phá sau hơn một thập niên nội chiến. Với các lệnh trừng phạt trước đó từ chính quyền Mỹ, Syria luôn trong tình trạng thiếu hụt hàng hoá, từ nhiên liệu đến thuốc men, khiến các cơ quan nhân đạo ứng phó khó nhận được tài trợ và hoạt động đầy đủ.
Các công ty trên khắp thế giới phải vật lộn để xuất khẩu sang Syria, người Syria cũng phải vật lộn để nhập khẩu bất kỳ loại hàng hóa nào vì hầu như mọi giao dịch tài chính với quốc gia này đều bị cấm.
Ngay sau khi Mỹ dỡ trừng phạt, giá trị đồng tiền của Syria đã tăng 60% vào đêm 13-5.
Theo ông Mathieu Rouquette, Giám đốc quốc gia của tổ chức Mercy Corps tại Syria, việc Mỹ dỡ trừng phạt “đánh dấu một thời khắc có thể làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người Syria – những người đã phải chịu đựng hơn 13 năm khốn khó về kinh tế, xung đột và ly tán”.
Còn theo nhà kinh tế người Lebanon – ông Mounis Younes, việc nới lỏng trừng phạt mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng, vì sẽ cho thấy Syria không còn bị xem là “quốc gia bị ruồng bỏ”. “Nếu tình hình ổn định và có cải cách, chúng ta sẽ thấy người Syria đã rời đi sẽ quay về nước nếu họ có được những cơ hội như kỳ vọng” – ông Younes nhận định.
Chưa hết, trong cuộc gặp Tổng thống al-Sharaa tại Saudi Arabia ngày 14-5, Tổng thống Trump nói rằng Washington đang xem xét bình thường hóa quan hệ với Damascus, đồng thời kêu gọi Syria thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.

“Ông ấy là một nhà lãnh đạo thực thụ. Ông đã dẫn dắt một cuộc tiến công, ông ấy thật sự ấn tượng” – ông Trump nói về ông al-Sharaa sau cuộc gặp giữa hai người.
Về phía ông al-Sharaa, nhà lãnh đạo này hoan nghênh quyết định “dũng cảm” của Tổng thống Trump khi dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, kênh Al Jazeera đưa tin. Ông al-Sharaa nói rằng đây “là một quyết định lịch sử và dũng cảm, giúp giảm bớt đau khổ cho người dân, góp phần vào sự tái sinh của Syria và đặt nền tảng cho sự ổn định trong khu vực”.
“Dân tộc Syria thân yêu, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều gian nan. Nhưng từ hôm nay, chúng ta bắt đầu hành trình dựng xây thực chất – hành trình đưa Syria hồi sinh và bước vào kỷ nguyên mới” – ông al-Sharaa nói trên truyền hình nhà nước Syria sau cuộc gặp với ông Trump.
Tổng thống lâm thời Syria và những chuyến thăm
Kể từ khi lãnh đạo Syria, Tổng thống al-Sharaa đã thực hiện loạt chuyến thăm đến các nước trong khu vực như Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Bahrain,.. Nhà lãnh đạo này cũng tích cực tiếp các phái đoàn ngoại giao từ Nga, Ukraine, Trung Quốc,…
Tuần trước, Tổng thống al-Assad đã đến Pháp để gặp Tổng thống Emmanuel Macron, đánh dấu chuyến thăm chính thức đầu tiên của nhà lãnh đạo Syria tới châu Âu kể từ khi trở thành tổng thống lâm thời Syria, theo tờ Euro News.
Trong chuyến thăm, Tổng thống al-Sharaa đã kêu gọi tổng thống Pháp thúc giục Liên minh châu Âu (EU) không gia hạn lệnh trừng phạt đối với Syria. Theo ông al-Sharaa, các lệnh trừng phạt hiện tại là “một trở ngại” đối với quá trình phục hồi của Syria.
“Không có lý do gì để duy trì chúng” – ông al-Sharaa lập luận, lưu ý rằng các lệnh trừng phạt này được áp đặt lên chính quyền tiền nhiệm và chính phủ hiện tại không nên gánh chịu gánh nặng đó. Đáp lại, ông Macron đã đồng ý sẽ thúc giục EU.

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.