"Tổng Bí thư Tô Lâm: ‘Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn’ – Sứ mệnh đưa Việt Nam bứt phá thành quốc gia thịnh vượng!" #ChúngTaPhảiDámNghĩLớnHànhĐộngLớn
TPO – Trước thềm kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi toàn Đảng, toàn dân đồng lòng thực hiện các cải cách lớn, đột phá để hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam vươn lên, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

TPO – “Nhìn về tương lai, chúng ta xác định rõ: Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn. Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt các nghị quyết của Bộ Chính trị.

Sáng 18/5, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Đổi mới, cải cách là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có thể nói là những thành tựu vĩ đại.

“Chúng ta có quyền tự hào, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: phía trước còn nhiều thách thức gay gắt, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, không được ngủ quên bên vòng nguyệt quế, không được chậm trễ, càng phải không ngừng đổi mới, cải cách, phát huy mọi nguồn lực và động lực trong xã hội, trong nhân dân, triển khai một cách sâu sắc, toàn diện, quyết liệt, quyết tâm đạt được mục tiêu lớn đã đề ra”, Tổng Bí thư nói, đồng thời cho biết, những đổi mới, cải cách đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn' ảnh 1

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Ý.

Theo Tổng Bí thư, những đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá: Nghị quyết 57 của Bộ chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.

“Đến thời điểm hiện nay có thể gọi 4 nghị quyết trên là “Bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh. Vì vậy, tôi kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy chung tay, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn' ảnh 2

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Ý.

Theo Tổng Bí thư, bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp, với cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các cú sốc địa chính trị, biến đổi khí hậu và dịch bệnh mới tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những thách thức nội tại và bên ngoài đang đan xen, tạo sức ép lớn, buộc chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm và mô hình phát triển. Chúng ta cần một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ, với những đột phá mới về thể chế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và tổ chức bộ máy. Tổng Bí thư nhấn mạnh, chỉ có cải cách quyết liệt, bền bỉ và hiệu quả mới giúp đất nước ta vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới.

“Nhìn về tương lai, chúng ta xác định rõ: Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ. Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất”, Tổng Bí thư nêu, đồng thời khẳng định, 4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian vừa qua là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Dành thời gian nêu về các nội dung cốt lõi của 4 nghị quyết, Tổng Bí thư khẳng định, 4 nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, nhưng liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện.

Cả 4 nghị quyết đều thống nhất mục tiêu: xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột tăng trưởng mới. Nghị quyết 59 mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế chủ động, tích cực. Nghị quyết 66 yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Nghị quyết 68 thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực trung tâm cho nền kinh tế.

“Sự liên kết này không chỉ mang tính định hướng chung mà còn thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn. Nếu thể chế không minh bạch (Nghị quyết 66), thì kinh tế tư nhân khó phát triển (Nghị quyết 68), khoa học công nghệ thiếu môi trường sáng tạo (Nghị quyết 57) và hội nhập quốc tế thiếu hiệu quả (Nghị quyết 59). Ngược lại, nếu đổi mới sáng tạo không đột phá, kinh tế tư nhân sẽ yếu, hội nhập quốc tế sẽ bị hạn chế. Nếu hội nhập không chủ động, bản thân thể chế và các động lực trong nước cũng khó cải cách toàn diện”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn' ảnh 3Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn' ảnh 4Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn' ảnh 5

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Ý.

Theo Tổng Bí thư, điểm đột phá chung của cả bốn nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.

Nếu không bắt kịp nhịp độ cải cách, không tạo đột phá, sẽ lỡ mất cơ hội vàng

Trong phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu 4 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025 – 2030). Theo đó, phải hoàn thiện thể chế pháp luật hiện đại, đồng bộ, thúc đẩy phát triển. Mục tiêu là xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập sâu rộng.

Bên cạnh đó, phải đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo Tổng Bí thư, cần triển khai quyết liệt các chương trình quốc gia về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, lan tỏa tới doanh nghiệp và địa phương; xây dựng hạ tầng dữ liệu và nền tảng số cho chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đây là nền tảng kỹ thuật quyết định bứt phá năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với đó, cần tăng tốc hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động, hiệu quả, đồng thời, phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực chất, trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, 2025 là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới, trong khi mục tiêu trở thành quốc gia phát triển chỉ còn hai thập niên phía trước. Nếu không bắt kịp nhịp độ cải cách, không tạo đột phá ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ lỡ mất cơ hội vàng và tụt lại trong cuộc đua toàn cầu. Vì vậy, cần triển khai các nhiệm vụ một cách nhanh chóng, bài bản, thực chất, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá.

Nêu cụ thể 8 cấp bách trong năm 2025, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể. Đồng thời, lập bộ chỉ số theo dõi, đánh giá định kỳ.

Thứ hai, cần khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết 66. Ưu tiên sửa đổi các quy định liên quan đến quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; nghiên cứu ban hành Luật Phát triển kinh tế tư nhân.

Tổng Bí thư lưu ý, cần khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phê duyệt, triển khai các chương trình quốc gia… Tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA và đặc biệt là đàm phán hiệu quả FTA với Hoa Kỳ…

Tổng Bí thư cũng yêu cầu, cần thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, số hóa dịch vụ công, hỗ trợ vốn, công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng đề án phát triển tập đoàn tư nhân lớn…

Bộ Chính Trị, Ban Bí thư đã làm việc ngày đêm tập trung giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi

Tổng Bí thư nhấn mạnh, hơn bao giờ bao giờ hết, hiện nay, Ban chấp hành Trung ương là một khối đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, chuẩn bị thật tốt để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.

Theo Tổng Bí thư, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục đồng lòng, chung sức, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Vì “biết đồng sức, biết đồng lòng/ việc gì khó, làm cũng xong”

“Kể từ Hội nghị Trung ương X khóa XIII (9/2024) đến nay, Bộ Chính Trị, Ban Bí thư đã làm việc ngày đêm tập trung giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo không gian phát triển mới cho đất nước. Triển khai quyết liệt nội dung Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức của bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”; xây dựng chính quyền địa phương hai cấp; sắp xếp lại đơn vị hành chính để “cất cánh”…”, Tổng Bí thư nêu, và khẳng định: “Những công việc nêu trên không chỉ được cán bộ, đảng viên nghiêm túc triển khai mà điều quan trọng hơn là hầu hết nhân dân trong cả nước theo dõi, đồng tình, ủng hộ, coi đây thực sự là cuộc cách mạng của đất nước trong thời kỳ mới“.

Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn' ảnh 6Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn' ảnh 7Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn' ảnh 8

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Như Ý.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước.

Lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Các chương trình hành động phải được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực và kết quả công tác. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất để xây dựng những nghị quyết mới theo phương châm “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” như Bác Hồ từng dạy.

Trường Phong


Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.

Gửi phản hồi

[analytify-views]
💥 Không tìm thấy hàm Analytify!

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc