Giữ vững tốc độ tăng trưởng
Xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm 2025 duy trì đà tăng ổn định. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024.
Động lực tăng trưởng đến từ nhiều nhóm mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và nhuyễn thể. Trong đó, tôm ghi nhận mức phục hồi ấn tượng với 1,27 tỷ USD, tăng 30% nhờ giá phục hồi và nhu cầu gia tăng tại một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
So với cùng kỳ năm 2024, về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là điểm đến lớn nhất của thủy sản Việt Nam, đạt gần 710 triệu USD, tăng 56% – mức tăng cao nhất trong nhóm thị trường lớn. Nhật Bản đứng thứ hai với hơn 536 triệu USD, tăng 22% do sự ổn định trong nhu cầu và lợi thế từ các sản phẩm có giá trị gia tăng.
Cùng thời điểm, Mỹ nhập thủy sản của Việt Nam đạt 498 triệu USD, tăng 7% và đứng ở vị trí thứ ba. Các thị trường khác như EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 17% và 15%, với kim ngạch tương ứng 351,5 triệu USD và 264,1 triệu USD trong 4 tháng đầu năm.
Mỹ luôn là thị trường nhập khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 6 năm qua dao động từ 1,5 đến 2,1 tỷ USD/năm. Trong năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 1,8 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, trong đó tôm và cá tra là những mặt hàng chủ lực.
Để duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh tiềm ẩn rủi ro về thuế, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động điều chỉnh chiến lược, tranh thủ đẩy mạnh giao hàng, đồng thời tích cực tối ưu hóa sản xuất, mở rộng sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông…
Chủ động vượt “sóng lớn”
Đề cập đến việc chuyển hướng và đa dạng hóa các thị trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho biết, để mở rộng thị trường xuất khẩu, công ty đã có sự chuẩn bị từ xa, nên ngay trong năm nay có thể tiếp cận các thị trường mới như Canada, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc cũng là một thị trường đầy tiềm năng mà công ty đang theo dõi, sẵn sàng thâm nhập khi đủ điều kiện.
Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết, công ty đang có kế hoạch đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến tôm xuất khẩu mới ở Cà Mau để đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào thị trường Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản là thị trường lớn nhất của Công ty Minh Phú, sau đó lần lượt là các thị trường Australia, New Zealand, EU và Mỹ.

Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời kỳ tình hình thế giới có nhiều biến động và hàng xuất khẩu trong nước cần mở rộng thị trường tiềm năng, thì cánh cửa xuất khẩu thủy sản vào Nga, Brazil và EU đang được mở ra với rất nhiều thuận lợi.
Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) vừa thông báo dỡ bỏ lệnh đình chỉ nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam được áp dụng từ đầu năm 2024. Việc mở cửa thị trường chiến lược Brazil cho sản phẩm cá tra và có thể xuất khẩu trở lại sản phẩm cá rô phi sẽ mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Còn tại Nga, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã đạt gần 45 triệu USD trong năm 2024, tăng gấp 5 lần so với năm 2020, đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Riêng quý I/2025, xuất khẩu cá ngừ sang Nga đạt hơn 10 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024. Quý I/2025 cũng chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của tôm Việt Nam tại thị trường EU cùng với sự tăng trưởng ổn định về lượng, giá và phân khúc sản phẩm.
Những biến động thương mại toàn cầu đặt ra thách thức, song cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành thủy sản Việt Nam. Tận dụng tốt những cơ hội này là chìa khóa để ngành thủy sản chuyển mình, hiện thực hóa mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm 2025.
Trong quý I, xuất khẩu tôm vào EU đạt hơn 107 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó hầu hết các thị trường lớn đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số, như Đức và Pháp tăng gần 40%, Bỉ tăng gần 60%. EU không chỉ là một thị trường giàu tiềm năng, mà còn sở hữu hệ sinh thái tiêu dùng đa dạng, từ phổ thông đến cao cấp. Đây là những cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng thị trường.
Để ổn định tâm lý người dân và doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân cho biết, đơn vị đã đề nghị các Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh, thành phố nội đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản. Người dân, doanh nghiệp thủy sản cần tránh tâm lý lo sợ dẫn đến tình trạng thu hoạch ồ ạt thủy sản nuôi hoặc hạn chế sản xuất, xuống giống, làm ảnh hưởng kế hoạch sản xuất và mục tiêu tăng trưởng của ngành.
Mặc dù tôm và cá tra mang lại giá trị kinh tế cao, song việc tập trung quá mức vào hai đối tượng này khiến ngành thủy sản dễ bị tổn thương trước biến động thị trường và rủi ro dịch bệnh.
Cục trưởng Trần Đình Luân nhận định, để đạt mục tiêu tăng trưởng 4,35% trong năm 2025, ngành thủy sản cần nhanh chóng đa dạng hóa các đối tượng nuôi mới có tiềm năng cạnh tranh, như cá rô phi, lươn, nhuyễn thể, rong biển, bào ngư hay hải sâm. Đây là những loài vừa có giá trị kinh tế cao vừa phù hợp điều kiện tự nhiên tại nhiều vùng miền, giúp khai thác hiệu quả diện tích mặt nước và giảm áp lực lên nguồn lợi tự nhiên.
Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cá rô phi được xác định là đối tượng nuôi tiềm năng, bên cạnh tôm và cá tra. Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng cá rô phi đạt 400 nghìn tấn, trở thành loài cá nước ngọt xuất khẩu lớn thứ hai sau cá tra, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và giảm phụ thuộc vào một số mặt hàng chủ lực.

Thả 5 triệu con giống thuỷ sản xuống Vịnh Bắc bộ
Ngành thủy sản hướng đến mở rộng nuôi cá rô phi không chỉ trong ao mà còn tại các vùng hồ chứa. Ngay trong quý II, Cục Thủy sản và Kiểm ngư sẽ phối hợp các đơn vị liên quan để xây dựng các mô hình nuôi cải tiến, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, tăng tỷ lệ sống và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Để tạo động lực mới cho ngành thủy sản, một số giải pháp trọng tâm đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề ra như tập trung đầu tư vào công nghệ nuôi thâm canh, siêu thâm canh, tuần hoàn và tiết kiệm năng lượng để giúp nâng cao năng suất và chất lượng; đồng thời nhân rộng các mô hình nuôi hữu cơ, sinh thái. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng trị bệnh và sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm thủy sản cũng là hướng đi tiềm năng.
Hiện Cà Mau và Bến Tre là những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao và nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Theo UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh đang tăng tốc để hoàn thành Kế hoạch phát triển 4.000 ha (giai đoạn 2021-2025) nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao trong quý II, với sản lượng 144 nghìn tấn; đồng thời, vận động phát triển thêm ít nhất 100 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao trong năm 2025.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, địa phương có khoảng 280.000 ha nuôi tôm, chủ yếu là các mô hình tôm-rừng, tôm-lúa, thân thiện với môi trường. Tỉnh cũng tiên phong phát triển tôm sinh thái, tôm hữu cơ với hàng chục nghìn héc ta được các tổ chức quốc tế chứng nhận. Sản phẩm tôm sinh thái của Cà Mau đã có chỗ đứng tại nhiều thị trường lớn, mang lại giá trị gia tăng cao.
Những biến động thương mại toàn cầu đặt ra thách thức, song cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành thủy sản Việt Nam. Tận dụng tốt những cơ hội này là chìa khóa để ngành thủy sản chuyển mình, hiện thực hóa mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm 2025.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.