(PLO)- Theo Luật sư khi người thuê xe chở quá số người quy định thì cả chủ phương tiện và tài xế đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cho thuê xe tự lái nhưng khách chở quá số người quy định trên xe, thì người thuê hay người cho thuê phải chịu phạt là vấn đề được nhiều người quan tâm để xác định người nộp tiền phạt.
Đánh giá dưới góc độ pháp lý
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích: Trước hết, theo quy định tại khoản 2, điểm b và điểm d khoản 10 Điều 20 Nghị định số 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, người điều khiển ô tô chở vượt quá số người được phép có thể bị xử phạt từ 400.000 – 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá, với mức phạt tối đa không quá 75.000.000 đồng. Trường hợp số người chở vượt quá 50 – 100% số ghế ngồi cho phép, tài xế sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm. Nếu chở vượt quá 100% số ghế ngồi cho phép, người điều khiển xe sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.
Đồng thời, theo khoản 5 Điều 32 Nghị định số 168/2024, chủ phương tiện là cá nhân giao xe cho người khác (thông qua các hình thức cho thuê, cho mượn xe,…) điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, thì có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện, với tổng mức phạt tiền tối đa không quá 75.000.000 đồng. Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức thì có thể bị phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 2.400.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện, với tổng mức phạt tiền tối đa không quá 150.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 8 Điều 47 Nghị định 168/2024, đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý (hay còn gọi là “phạt nguội”), trước tiên cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện đến làm việc để giải quyết vụ việc vi phạm.

Theo Luật sư Mạch, nếu chủ phương tiện không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, thì bị xử phạt đối với hành vi vi phạm được phát hiện.
Ngược lại, nếu chủ phương tiện chứng minh được mình không thực hiện và hợp tác với cơ quan chức năng xác định người vi phạm, thì sẽ không phải nộp phạt nguội đối với hành vi vi phạm đó.
Như vậy, khi người thuê xe chở quá số người quy định thì cả chủ phương tiện và tài xế đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, người điều khiển xe bị xử phạt đối với hành vi chở vượt quá số người được phép, còn chủ phương tiện bị xử phạt về hành vi giao xe cho người khác điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, chủ phương tiện cũng có nguy cơ bị xử phạt nếu bị “phạt nguội” về hành vi chở quá số người quy định mà không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm đó.
Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM
Khuyến nghị của Luật sư
Theo Luật sư Võ Đan Mạch, để tránh những rủi ro pháp lý trong hoạt động cho thuê xe, chủ xe cần chủ động thực hiện đầy đủ các bước cần thiết, có biện pháp kiểm soát và ràng buộc chặt chẽ đối với người thuê xe, đồng thời trang bị các kiến thức cơ bản để bảo vệ quyền lợi của mình.
Cụ thể, lập hợp đồng thuê xe, trong đó ghi thông tin của người thuê, mục đích sử dụng xe, số lượng người được phép chở. Đặc biệt là quy định rõ người thuê phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi vi phạm an toàn giao thông trong thời gian thuê xe, phải trả lại tiền trong trường hợp chủ xe nộp phạt thay.
Đồng thời, yêu cầu người thuê cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, căn cước công dân, giấy phép lái xe hợp lệ. Chủ xe có thể tra cứu giấy phép lái xe trên trang thông tin của Cục Cảnh sát giao thông để xác minh thông tin của người thuê, các giấy tờ là thật hay giả mạo.
Bên cạnh đó, yêu cầu cọc tiền hoặc giữ lại tài sản bảo đảm khi bàn giao xe. Chủ xe có thể thỏa thuận trừ tiền phạt vào tiền cọc nếu chủ xe phải nộp phạt thay, cũng như nhằm đảm bảo rủi ro trong trường hợp bên thuê không đóng phạt.
Ngoài ra, người cho thuê nên lắp thiết bị giám sát hành trình, camera để chủ động theo dõi tình trạng sử dụng xe. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi xem phương tiện của mình có đang trong danh sách phương tiện bị phạt nguội hay không để kịp thời xử lý.
“Những biện pháp trên sẽ góp phần giúp chủ xe bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời là chứng cứ chứng minh nếu xảy ra vi phạm hoặc tranh chấp” – Luật sư đưa ra lời khuyên.

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.