Những không gian văn hóa đa dạng, đầy màu sắc thể hiện tình cảm yêu mến của nhân dân cả nước nói chung, người dân miền Nam nói riêng dành cho Bác.
Trong khi đó, Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cũng mang ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau đối với cống hiến to lớn của các Mẹ Việt Nam Anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự được mang tên Bác, đã tiên phong đưa nội dung xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh vào văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố, qua đó thể hiện rõ ràng, mạnh mẽ trách nhiệm và lòng tự hào của thành phố trong việc gìn giữ, lan tỏa học tập và bền bỉ làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Việc triển khai chương trình không chỉ là sự tri ân sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thấm đượm giá trị tư tưởng của Người trong mọi mặt đời sống.
Đến nay, hơn 4.580 mô hình đã được triển khai theo cách sáng tạo tại các địa phương, đơn vị, đặc biệt tại ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn, trường học, lực lượng vũ trang… Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân tham gia, học tập.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng của lòng tự hào và tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đối với Bác Hồ mà còn là động lực quan trọng để bồi đắp tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên và mọi tầng lớp nhân dân.
Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tại TPHCM
Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc, nhằm tôn vinh những người mẹ đã hy sinh chồng, con cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đây không chỉ là biểu tượng tri ân đối với các bà mẹ mà còn là lời nhắc nhở thế hệ sau về giá trị của độc lập, tự do, thống nhất và lòng yêu nước.

Hình tượng Mẹ Tổ quốc với tư thế đứng thẳng vươn cao, hai tay đang ôm lá cờ Tổ quốc, lá cờ trùm qua ngực mẹ và hai vạt buông thẳng xuống tạo nên một dáng đứng, một không khí tĩnh mịch mang tính chất mặc niệm.
Phía sau tượng mẹ là 2 nhóm tượng đá diễn tả khối đoàn kết quân dân. Phù điêu sau lưng mẹ tái hiện lịch sử đấu tranh, xây dựng của Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh từ buổi đầu khai hoang lập ấp, chống ngoại xâm.
Công trình là bản anh hùng ca, ca ngợi cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn, thương tiếc của nhân dân thành phố và nhân dân cả nước đối với các chiến sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng cùng đồng bào ta đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước.
Công trình là một điểm nhấn góp phần trong việc giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, giá trị của hòa bình, truyền thống cách mạng và thể hiện sự tri ân đối với thế hệ đi trước.
Ảnh: Tư liệu

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.