Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2025 (Vietnam – Asia DX Summit 2025), tại phiên tọa đàm “Chuyển đổi số, Chuyển đổi công nghệ – đột phá vươn mình” diễn ra sáng ngày 27/5, với vai trò điều phối, ông Nguyễn Nhật Quang, thành viên Hội đồng sáng lập VINASA, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA nêu vấn đề “Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, vậy tại sao doanh nghiệp lại cần nhà nước hỗ trợ thì mới dùng?”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI cho biết, tất cả các nước, bao gồm cả những nước phát triển, đều có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thậm chí, một số nước còn có đạo luật liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sở dĩ nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp là bởi bản thân doanh nghiệp vừa và nhỏ, mức độ sẵn sàng, mức độ hiểu biết và nguồn lực cũng hạn chế. Song ở một góc nhìn khác, việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số là một hỗ trợ khôn ngoan, thực chất là một sự đầu tư của nhà nước.
“Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số là giúp họ lớn lên. Khi đó, nhà nước sẽ thu được nhiều thuế hơn. Đồng thời, việc quản lý dòng tiền, doanh thu của doanh nghiệp cũng tốt hơn và vì thế mà thu thuế tốt hơn”, ông Đậu Anh Tuấn phân tích.
Trao đổi tại hội thảo “Gỡ nút thắt, tạo động lực để làm chủ công nghệ và phát triển đột phá” diễn ra chiều ngày 27/5, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, chỉ rõ: Trong kinh tế, bên cầu không kém phần quan trọng bên cung. Hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh là cần tạo động lực đặc biệt cho phía cầu để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ số.
“Chúng ta thường tập trung vào bên cung, tức là hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, công nghệ, nguồn lực, lao động kỹ năng cao, thậm chí thu hút nhân tài. Nhưng bên cầu, là thị trường, nơi doanh nghiệp và người tiêu dùng tương tác, thì lại chưa được chú trọng đúng mức”, ông Võ Trí Thành chia sẻ.

Đề cập đến cách tạo áp lực và động lực từ phía cầu để thúc đẩy sự phát triển của bên cung, chuyên gia Võ Trí Thành nêu ra 4 nhóm giải pháp chính sách cần lưu ý.
Đó là, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng và minh bạch nhất có thể; có chính sách để bổ sung, tạo thêm thị trường, “cầu” cho các doanh nghiệp, trong đó có việc là đặt hàng, mua sắm chính phủ; chính sách kết nối cung và cầu, hỗ trợ startup cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa sản phẩm ra thị trường thông qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp; xây dựng các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó các trường đại học đóng vai trò quan trọng, là những đại học khởi nghiệp để tạo ra những giá trị thực đóng góp vào tăng trưởng, phát triển đất nước.

Từ thực tiễn hơn 8 năm tham gia phát triển công nghệ camera AI của Bkav, ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Bkav AI kể, khi triển khai AI cho các doanh nghiệp, Bkav AI phát hiện ra thực tế có sự đắn đo trong việc triển khai, do AI là công nghệ mới và các đơn vị chưa đánh giá ngay được hiệu quả để tự tin triển khai. Đây là một rào cản với việc ứng dụng AI vào thực tiễn.
Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông Đoàn Mạnh Hà thông tin, Ở Singapore, chính phủ hỗ trợ tới 70% cho những doanh nghiệp triển khai các hệ thống AI; hay ở Nhật Bản, chính phủ và doanh nghiệp sẽ đầu tư cho việc triển khai hệ thống AI với tỷ lệ 50 – 50.
“Với Việt Nam, chúng tôi khuyến nghị cần có chính sách kích cầu, nghĩa là khi doanh nghiệp, tổ chức triển khai một hệ thống AI thì chính phủ đứng ra đầu tư, hỗ trợ kinh phí một phần. Khi có sự hỗ trợ, kích cầu từ nhà nước, doanh nghiệp sẽ tự tin hơn trong triển khai ứng dụng AI”, ông Đoàn Mạnh Hà đề xuất.
Cũng theo đại diện Bkav AI, một điểm nghẽn lớn với các doanh nghiệp triển khai dự án camera AI là hiện nay nhiều nguồn dữ liệu rất khó tiếp cận. Từ thực tế này, Bkav AI kiến nghị nhà nước có chính sách “Mở dữ liệu”, theo đó những tập dữ liệu không nhạy cảm, không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hoặc quyền riêng tư cá nhân có thể được công khai hoàn toàn để doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng trong phát triển AI.
Bên cạnh đó, đại diện Bkav AI còn nêu ra một số đề xuất khác như: Nhà nước nghiên cứu và ban hành Bộ tiêu chuẩn đánh giá các hệ thống AI phù hợp với quy định pháp luật, chuẩn mực văn hóa và lợi ích quốc gia; chú trọng đào tạo và chuyển đổi nguồn nhân lực CNTT sang lĩnh vực AI; đưa AI thành một chỉ tiêu đánh giá trong bộ chỉ số chuyển đổi số quốc gia; thành lập Hội đồng phê duyệt sử dụng nguồn lực từ Trung tâm tính toán hiệu năng cao; có chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp phát triển AI; hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam tham gia các hiệp hội AI quốc tế.

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.