(PLO)- Họa sĩ người Pháp gốc Việt đã kể câu chuyện cảm động về số phận người Việt xa xứ trong các giai đoạn đầy biến động của thế kỷ 20 qua truyện tranh.
Ngày 11-5, Tọa đàm Truyện tranh: Khi văn hóa – lịch sử “kết duyên” cùng hội họa đã diễn ra tại Hà Nội, do Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp cùng Viện Pháp tổ chức.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động phát triển truyện tranh tại Việt Nam, đồng thời đánh dấu sự ra mắt hai tác phẩm truyện tranh lịch sử: Kí ức kiều bào: Lính thợ – Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến II và Kí ức kiều bào: Chân đăng – Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới.
Tọa đàm có sự tham gia của họa sĩ người Pháp gốc Việt Clément Baloup, là tác giả của hai tập truyện tranh; nhà nghiên cứu văn học Lê Nguyên Long cùng dịch giả Phùng Hồng Minh trong vai trò điều phối.

Tại buổi giao lưu, độc giả được thưởng các bức tranh nguyên gốc từ tác phẩm và lắng nghe những chia sẻ sâu sắc về quá trình sáng tác, ý nghĩa văn hóa – lịch sử cùng sức mạnh truyền tải của truyện tranh tư liệu.
Hai tập sách là những lát cắt chân thực, cảm động về số phận người Việt xa xứ trong các giai đoạn đầy biến động của thế kỷ 20.
Tập Lính thợ kể về khoảng 20.000 người Việt bị trưng tập sang Pháp làm lao động trong Chiến tranh thế giới thứ hai, với tên gọi ONS (lực lượng lính thợ).
Từ các công xưởng, nhà máy đến đồng ruộng, họ sống và làm việc trong cảnh tha hương, bị mắc kẹt giữa chiến tranh, mang theo thân phận mờ nhạt cả ở “chính quốc” lẫn quê nhà.
Trong khi đó, tập Chân đăng đưa người đọc về thời kỳ gần một thế kỷ trước, khi hàng nghìn lao động Việt rời Hải Phòng theo hợp đồng sang các thuộc địa xa xôi ở châu Đại Dương.
Họa sĩ Clément Baloup cho biết các kiều bào luôn hướng về quê hương đất nước, mặc dù có những người chưa có cơ hội để Việt Nam, nhưng luôn luôn có tình hoài hương, nhớ nhà.
Theo anh, mặc dù có nhiều khó khăn thử thách nhưng kiều bào có khả năng hội nhập rất tốt, có khả năng chống chịu và vươn lên.
‘Sau khi tôi về Việt Nam tìm hiểu thì tất cả những yếu tố mà tôi kể ra mà có được là do sức mạnh của văn hoá Việt Nam và sức mạnh gắn kết của văn hoá Việt Nam đã thúc đẩy họ luôn hướng về quê hương và đoàn kết.
Sức mạnh đấy không chỉ có ở một vài người mà có ở một cộng đồng cả một dân tộc, khi họ biết vượt qua khó khăn để hướng tới tương lai” – họa sĩ Clément Baloup nói.
Mang hai dòng máu Pháp – Việt, Clément Baloup không chỉ kể lại lịch sử bằng tranh mà còn thể hiện mối dây liên kết giữa các thế hệ trong gia đình, giữa ký ức cộng đồng và cá nhân. Anh khai thác góc nhìn đa chiều: Từ nhân chứng đến hậu duệ, từ những trang lưu trữ lịch sử đến những dòng ghi chép cảm xúc cá nhân.

Dựa trên nghiên cứu lịch sử, tư liệu lưu trữ và các cuộc phỏng vấn, Baloup đã tái hiện một thực tại đan xen giữa quá khứ và hiện tại, từ Việt Nam đến Pháp, từ New Caledonia đến từng phận người lặng lẽ trong bóng tối lịch sử.
“Kí ức sẽ dần phai nhạt trong tâm trí mỗi người, bởi vậy, tôi muốn dùng truyện tranh để gắn kết những kí ức mong manh ấy với các mốc thời gian giá trị, nhằm hé lộ những lẽ tất yếu của số phận con người” – Clément Baloup bày tỏ.

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.