"Tác giả Mã Thiện Đồng: Những trang sách giữ lửa ký ức hào hùng của dân tộc"

MãThiệnĐồng #NhữngTrangSáchGiữLửaKýỨc #LịchSửHàoHùng #ChiếnTranhCáchMạng

Sự kiên trì, bền bỉ của bà trong việc ghi chép và viết lại những câu chuyện người thật, việc thật trong chiến tranh đã góp phần giáo dục truyền thống đánh giặc giữ nước, giúp cho thế hệ hôm nay thêm trân trọng cuộc sống hòa bình.

Năm 2004, cuốn sách có tiêu đề “Biệt động Sài Gòn, chuyện bây giờ mới kể” do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Đó cũng là cuốn sách đầu tiên của tác giả Mã Thiện Đồng (sinh năm 1947, Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh) mà tôi được đọc và cảm thấy bị cuốn hút trước cách viết dung dị, tôn trọng sự thật, và chứa đầy tình cảm của bà đối với những nhân chứng lịch sử.

Sau này, được gặp bà nhiều lần, mỗi lần lại được biết bà có thêm đầu sách mới, trong khi cuốn đầu tiên đã tái bản đến lần thứ 10, càng thấy khâm phục bà – một cây viết nặng lòng gắn bó với lĩnh vực tưởng chừng khô khan, kém hấp dẫn ấy.

Viết về con người để nói lên lịch sử

Là một cô giáo dạy văn có niềm yêu thích riêng với giai đoạn lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngay từ khi còn giảng dạy, tác giả Mã Thiện Đồng luôn có suy nghĩ: Làm sao có thể truyền lại cho thế hệ trẻ lòng yêu nước cũng như sự anh dũng của lớp cha anh đi trước.

Ngẫu nhiên, mặc dù sinh ra, trưởng thành và bắt đầu công tác ở miền bắc, nhưng bà lại được tham gia lớp cán bộ tăng cường, tiếp quản miền nam sau ngày giải phóng. Bởi vậy, bà sớm được gặp gỡ, tiếp xúc với con người cũng như khí thế cách mạng đặc trưng nơi đây.

Sau khi nghỉ hưu, bà quyết định dành quỹ thời gian để viết. “Muốn viết những cuốn sách về đề tài chiến tranh thì không thể nào tách rời khỏi nhân chứng lịch sử. Tôi muốn viết về con người để qua đó nói lên lịch sử. Viết lịch sử thì có thể dựa vào tài liệu, nghiên cứu, còn viết về chính những con người đã trực tiếp chiến đấu, tôi được gặp họ, cảm nhận trực tiếp về họ”, bà chia sẻ.

Tác giả Mã Thiện Đồng hoàn thành cuốn sách đầu tiên phải sau gần 10 năm thu thập tư liệu, nhưng cũng từ đó, nguồn thông tin đổ về và đều đặn mỗi năm, bà lại cho ra đời ít nhất một đầu sách.

Có thể kể thêm các tác phẩm tạo được sức hút như “Người đánh chìm tàu chiến Mỹ USNS Card”, “Đoàn cảm tử quân trên biển”, “Những mũi tên đồng vùng Chợ Lớn”, “Bước ra từ thầm lặng”, “Thủy đạo vùng ven Sài Gòn”, “Huyền thoại trong lòng đất”…

Cựu nữ biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa cho biết: “Chúng tôi rất trân trọng chị Đồng đã không quản ngại công sức, thời gian, tìm gặp chúng tôi để ghi chép, viết lại về người thật, việc thật. Chúng tôi đều đã già, chẳng bao lâu nữa cũng sẽ mang những câu chuyện của mình ra đi mãi mãi mà thôi. Có một người muốn ghi lại đầy đủ chuyện xưa dưới góc nhìn, cảm xúc của chính chúng tôi thì thật đáng quý”.

Đó có lẽ cũng là một trong những lý do khiến ai tiếp xúc với tác giả Mã Thiện Đồng cũng thấy bà luôn sôi nổi như đang có gì hối thúc.

Bản thân bà cũng thừa nhận, càng tìm hiểu về cuộc sống chiến đấu của những người con đất Thành đồng Tổ quốc, bà càng bất ngờ trước những điều mà họ đã trải qua bởi trước mắt bà chỉ là những con người như bao người dân hiền lành, mộc mạc miền nam khác, vậy mà đã làm nên những chiến công thần kỳ khiến kẻ địch phải khiếp sợ.

“Không hiểu sao mà cứ mỗi khi gặp một nhân chứng lịch sử là tôi cảm động và không biết sức khỏe ở đâu cứ dồn về, viết ngày, viết đêm, viết không biết mệt, chỉ mong muốn được tôn vinh những nhân chứng lịch sử, đưa họ lên trang sách”, bà nhớ lại.

Một trong những cuốn sách lập kỷ lục về tái bản của tác giả Mã Thiện Đồng là cuốn “Người bị CIA cưa chân 6 lần” (tái bản đến lần thứ 11), viết về Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương, mũi trưởng giao liên Cụm điệp báo A.36, người thường xuyên đảm trách nhiệm vụ chuyển tin tức tình báo từ các điệp viên chiến lược (Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức…) về căn cứ.

Giai đoạn gặp ông để phỏng vấn, thu thập tư liệu, nhiều tháng trời, hằng ngày, bà đi xe bus quãng đường hơn chục cây số tới nhà ông, ngồi hỏi chuyện, ghi chép, và lần nào cũng khóc. Cuốn sách thành công không chỉ vì khắc họa rõ nét sự thật khốc liệt khi người chiến sĩ tình báo bị rơi vào tay giặc mà còn bởi tình cảm, sự đồng điệu giữa tác giả và nhân vật.

Qua lịch sử để kết nối thế hệ

Có thể nói, cùng với những người đã kinh qua chiến tranh, độc giả hôm nay tìm thấy ở những trang sách của tác giả Mã Thiện Đồng hình ảnh thời kháng chiến gần gũi mà sống động, qua lăng kính và cảm xúc của người trong cuộc, không như những dòng lịch sử đơn thuần, giúp họ thêm hiểu và yêu những con người đã làm nên thắng lợi, thêm trân trọng cuộc sống.

Trên thực tế, ngay từ những bản thảo đầu tiên của bà, các nhà xuất bản: Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân đều nhận thấy, mặc dù viết về mảng đề tài không mới, nhưng tác giả có cách thể hiện hấp dẫn riêng. Những tác phẩm này cũng trở thành nguồn tư liệu quý giá cho tủ sách truyền thống của các nhà xuất bản.

Chị Hoàng Thị Hường, biên tập viên Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi thấy cô Mã Thiện Đồng là một người có thế mạnh trong lĩnh vực truyện ký và tiểu thuyết lịch sử.

Qua các tác phẩm của cô, tôi nhận thấy có một điểm chung là khắc họa rõ bối cảnh lịch sử cũng như sự tàn khốc của chiến tranh, đồng thời bộc lộ được những trải nghiệm, suy nghĩ của nhân vật, điều mà những công trình nghiên cứu hoặc sách giáo khoa lịch sử khó thể hiện hết được”.

Cũng bởi vậy, nên qua hơn 30 đầu sách của tác giả Mã Thiện Đồng, dù không chạy theo thị hiếu, độc giả đã đọc một cuốn lại muốn đọc thêm nhiều cuốn sách khác nữa.

Tác giả Mã Thiện Đồng vẫn nói, thành công trong nghiệp cầm bút của bà đến cũng là cái duyên của cuộc sống.

Từ thành quả lao động bằng ngòi bút và sự đón nhận của độc giả, bà có cơ hội đưa được những nhân vật trong các cuốn sách đi nói chuyện truyền thống, giao lưu với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Mỗi buổi tiếp xúc với những huyền thoại sống có tác dụng giáo dục sâu sắc về truyền thống đánh giặc, giữ nước hào hùng đối với người dân, nhất là thế hệ trẻ. Đó cũng là điều nhắn nhủ của tác giả và các nhân vật tới lớp trẻ về lòng tự hào dân tộc.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Cụm trưởng Cụm điệp báo H.63 Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang) khẳng định: “Nhà văn Mã Thiện Đồng rất tích cực và chịu khó sưu tầm, gặp các nhân chứng mà chủ yếu là nhân chứng trong các ngành đặc biệt như tình báo, biệt động, đặc công.

Những câu chuyện về chúng tôi viết khó nhưng cô ấy đã viết được khối lượng tác phẩm có thể nói là “đồ sộ” như thế, rất đáng phục. Điều này có tác dụng nhiều lắm, làm cho người ta thấy người xưa đánh giặc như vậy đó và cũng là nguồn động viên cho chúng tôi”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng thật đáng mừng khi vẫn luôn có những cây viết tâm huyết với lịch sử chiến đấu cách mạng như tác giả Mã Thiện Đồng.

Từ những trang sách của bà, lớp lớp nhân chứng lịch sử đã trở lại với cuộc sống ngày hôm nay, vẫn đẹp đẽ như chính chiến công của họ năm xưa.

Câu hỏi cuối cùng của tôi trước khi ra về rằng bà còn mong muốn gì, bà vẫn vui vẻ trả lời: “Tôi chỉ mong sức khỏe để được gặp thêm nhiều nhân chứng lịch sử, tiếp tục được kể những câu chuyện này. Đề tài này, những con người này có viết bao nhiêu cũng không hết được! Và tôi luôn luôn tâm niệm rằng, mình phải viết nhanh lên để chuyện của họ được lưu truyền cho mai sau”.


Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.

Gửi phản hồi

[analytify-views]
💥 Không tìm thấy hàm Analytify!

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc