Sau vụ việc cơ quan công an triệt phá đường dây sản xuất gần 600 nhãn hiệu sữa giả, nhiều người băn khoăn về trách nhiệm khi để xảy ra việc sản xuất, lưu hành mặt hàng này thuộc về ai?
Ngày 12/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột với 573 nhãn hiệu, chủ yếu dành cho người mắc bệnh tiểu đường, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai.
Các sản phẩm này chỉ đạt dưới 70% chất lượng công bố, nhiều loại hoàn toàn không chứa các thành phần như quảng cáo. Theo quy định của Bộ Y tế, các sản phẩm phải đạt tối thiểu 70% trở lên hàm lượng giá trị dinh dưỡng đã được quy định, còn dưới 70% trở xuống thì bị coi là hàng giả.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: “Mất đến 4 năm kiểm tra và vẫn không phát hiện việc sữa giả vậy ở đây việc hậu kiểm chưa được rõ ràng. Ở đây chúng ta không thể loại trừ việc nể nang, tiêu cực và đổ lỗi cho nhau. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là khâu hậu kiểm đã có vấn đề”.
Phản hồi thông tin này, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng: Luật An toàn thực phẩm hiện cho phép doanh nghiệp tự công bố lưu hành và chịu trách nhiệm với nội dung mình công bố. Chỉ bốn nhóm cần kiểm soát chặt hơn thì phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo còn việc cấp phép, hậu kiểm là trách nhiệm của các địa phương.
PGS.TS Nguyễn Minh Vỹ – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam cho biết: “Đúng ra là bên an toàn thực phẩm phải chịu trách nhiệm. Vì đây là thực phẩm sữa, bồi dưỡng sức khỏe cho con người. Do đó Bộ Y tế, cục Vệ sinh An toàn thực phẩm phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng. Đạt yêu cầu về chất lượng thì mới được cho ra thị trường.”
Theo Nghị định 15 năm 2018 hướng dẫn chi tiết thi hành Luật an toàn thực phẩm quy định: Sản phẩm sữa chế biến thuộc sự quản lý của Bộ Công thương. Tuy nhiên, các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng lại thuộc Bộ Y tế quản lý.
Thực hiện trách nhiệm hậu kiểm các sản phẩm sau lưu hành, từ 2021 đến nay, ngành công thương Hà Nội đã kiểm tra hậu kiểm 289 doanh nghiệp thực phẩm, xử lý vi phạm hành chính 47 trường hợp.
Cùng thời gian, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và xử 53 vụ bị xử phạt sản phẩm sữa với tổng số tiền 546 triệu đồng. Tuy nhiên, danh sách này không bao gồm các công ty sản xuất sữa có bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Kiểm tra, hậu kiểm đối với các doanh nghiệp thì phải theo quy định về đối tượng, theo thẩm quyền quy định. Không phải là tự kiểm tra, không theo kế hoạch là tiến hành được. Vì theo quy định hiện nay, mặt hàng sữa vi chất không thuộc đối tượng hậu kiểm của ngành công thương”.
Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, Nghị định 15 cho phép các doanh nghiệp được tư công bố sản phẩm để tạo thông thoáng trong thủ tục hành chính nhưng lại tạo ra kẽ hở cho các doanh nghiệp tự công bố thành phần sản phẩm. Do vậy cơ quan này đề nghị cần sửa Nghị định 15 theo hướng chặt chẽ hơn.
Ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục cho biết: “Một là xem xét sửa đổi quy định tự công bố sản phẩm. Trong đó bổ sung quy định tiền kiểm với sản phẩm có nguy cơ cao. Đặc biệt là thực phẩm chức năng, sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó, phiếu kiểm nghiệm phải kiểm nghiệm đầy đủ các thành phần chỉ tiêu chất lượng dinh dưỡng. Hai là tăng cường năng lực hậu kiểm. Mỗi năm cơ quan quản lý cần phân loại những doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm cao để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ. Cần có quy định cụ thể, rõ ràng kể cả trách nhiệm chủ trì và phối hợp”.
Bộ Y tế đang soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15 năm 2018 của Bộ Y tế hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm cũng mở rộng đáng kể các trường hợp phải công bố lại hoặc đăng ký lại sản phẩm. Dù vậy, vụ sữa giả bị phát hiện mới đây đang cho thấy nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý. Và các đối tượng đã tận dụng mọi kẻ hở, hòng trục lợi trên chính sức khỏe của người khác.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.