Sở hữu trí tuệ: "Vũ khí" bất khả xâm phạm bảo vệ kho tàng nghệ thuật nhân loại

SởHữuTríTuệ #BảoVệNghệThuật #ĐổiMớiSángTạo #IPDay2025 #ÂmNhạcVàSởHữuTríTuệ

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội và Trường đại học Thủy lợi tổ chức Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới (IP Day) 2025 với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc – Cảm nhận nhịp đập của IP”.

Sự kiện không chỉ là hoạt động chuyên môn mà còn là dịp quan trọng để lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao nhận thức và năng lực khai thác, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng đại học và xã hội.

Thúc đẩy hiệu quả quyền thương mại, tinh thần của nhà sáng tạo

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Đảng và Nhà nước ta đã xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột chiến lược để đưa đất nước vươn lên trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trong cả ba trụ cột này, sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt.

Thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay nhắc nhở chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với thế giới tinh thần của con người. Sở hữu trí tuệ không chỉ là động lực thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng kinh tế, không chỉ là tài sản trí tuệ có giá trị lớn đối với người dân và doanh nghiệp, mà còn là công cụ bảo vệ các kho tàng nghệ thuật của nhân loại.

Âm nhạc là nghệ thuật của thanh âm và nhịp điệu, là món ăn tinh thần không thể thiếu, nuôi dưỡng đời sống tâm hồn của người dân trong xã hội hiện đại. Cũng như các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật khác, nghệ thuật âm nhạc đòi hỏi một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh, đủ năng lực bảo vệ và thúc đẩy khai thác một cách hiệu quả các quyền thương mại và tinh thần của các nhà sáng tạo và trình diễn.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho biết, trong thời đại số và trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các sản phẩm âm nhạc, từ bản nhạc viết tay đến bản phối hiện đại trên nền tảng số, đều có thể dễ dàng bị sao chép, khai thác trái phép và bởi vậy rất cần có hệ thống sở hữu trí tuệ hiệu quả, phù hợp để ngăn chặn.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ luôn xác định sở hữu trí tuệ là một trong những trụ cột quan trọng nhất của chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia. “Chúng tôi đã và đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan, bộ, ngành liên quan tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ cộng đồng hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ”, ông Lưu Hoàng Long cho biết.

Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; thúc đẩy giáo dục và phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ trong trường học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; hỗ trợ bảo hộ, thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Triển khai hiệu quả chính sách, pháp luật mới để phát triển tài sản trí tuệ

Theo ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ pháp lý mà còn là động lực thúc đẩy sáng tạo và cống hiến, bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ giúp nghệ sĩ, nhà sáng chế, nhà khởi nghiệp yên tâm đóng góp, sáng tạo và lan tỏa các giá trị văn hóa, khoa học, công nghệ. Trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò then chốt trong bảo vệ tài sản trí tuệ, giảm thiểu rủi ro vi phạm bản quyền, sao chép trái phép.

Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Thành phố đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND và chương trình hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm khoa học công nghệ (đến nay có khoảng 200 sản phẩm OCOP được bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ).

Đồng thời Thành phố Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức lớp đào tạo, hội thảo, triển lãm kết nối sản phẩm sở hữu trí tuệ; kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đúng quy định pháp luật cho quận, huyện và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Để thúc đẩy sở hữu trí tuệ phát triển, ông Nguyễn Quốc Hà cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường giáo dục về sở hữu trí tuệ trong trường học, truyền thông đại chúng, để người dân hiểu rõ giá trị của tài sản trí tuệ. Đồng thời, tận dụng chính sách pháp luật mới, phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai các cơ chế hỗ trợ mới theo Luật Thủ đô và các chính sách phát triển tài sản trí tuệ.

Sở hữu trí tuệ - công cụ bảo vệ kho tàng nghệ thuật nhân loại ảnh 2

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động, đánh dấu sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26/4/2025. (Ảnh: BÍCH LIÊN)

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường đại học Thủy lợi, sở hữu trí tuệ không chỉ là vấn đề của các nhà khoa học, nghệ sĩ hay doanh nghiệp, mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Trường đại học Thủy lợi luôn coi trọng vai trò của sở hữu trí tuệ trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Hiện nay, Nhà trường đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng về sở hữu trí tuệ cho cán bộ, giảng viên và sinh viên. Việc đăng ký và bảo hộ các kết quả nghiên cứu, sáng chế, giải pháp hữu ích đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của Nhà trường.

Nhà trường thường xuyên phối hợp với Trung tâm đào tạo, Trung tâm thẩm định, Cục Sở hữu trí tuệ để tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đăng ký sở hữu trí tuệ và thương mại hoá sản phẩm.

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Minh Thụ cũng cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, Nhà trường vẫn dành khoản kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ các thầy cô đăng ký phát minh, sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá, từ đó khuyến khích hoạt động sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Nhờ những nỗ lực này, đến nay Nhà trường đã giành được một số kết quả đáng khích lệ như: 10 bằng độc quyền sáng chế, trong đó có nhiều sáng chế ứng dụng vào thực tiễn công trình, môi trường và công nghiệp; 1 bằng sáng chế quốc tế, được cấp tại Ấn Độ; 6 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, với các sản phẩm liên quan đến vật liệu, kỹ thuật môi trường, chế phẩm sinh học…

“Những kết quả đó không chỉ minh chứng cho năng lực nghiên cứu và sáng tạo của đội ngũ nhà khoa học trong trường, mà còn thể hiện tinh thần đổi mới và trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh như thủy lợi, tài nguyên nước, môi trường, cơ khí, vật liệu, công nghệ sinh học…”, Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Minh Thụ cho hay.

Trong khuôn khổ của sự kiện, Trường đại học Thủy lợi và các đơn vị liên quan đã tổ chức khu trưng bày các sản phẩm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như: ấn phẩm khoa học, sách của các nhà khoa học, giảng viên của Trường; một số mô hình sản phẩm công nghệ về Robot E1 xử lý ngôn ngữ, mẫu pin mới sử dụng chất điện ly rắn với các công năng tối ưu, thiết bị tạo hơi nước dùng năng lượng mặt trời, kit kiểm tra nhanh an toàn vệ sinh thực phẩm, một số sản phẩm dược, sinh học…


Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.

Gửi phản hồi

[analytify-views]
💥 Không tìm thấy hàm Analytify!

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc