Quốc hội thông qua Nghị quyết đột phá trong xây dựng và thi hành pháp luật: Hành động mạnh mẽ vì pháp quyền!

Tạo_đột_phá #Xây_dựng_pháp_luật #Thi_hành_pháp_luật #Kỷ_nguyên_mới

Sáng 17/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, với 416 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 87,03% tổng số đại biểu có mặt), Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Nghị quyết gồm 12 điều quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính với người làm công tác xây dựng pháp luật

Theo Nghị quyết, nguyên tắc áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt phải bảo đảm tạo bước đổi mới đột phá, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới; bảo đảm kiểm soát quyền lực phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.

Thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính với định mức vượt trội và khoán chi theo nhiệm vụ, hoạt động; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người làm công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật gắn với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động, vị trí việc làm.

Bảo đảm quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Nghị quyết này.

Nghị quyết quy định ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác xây dựng pháp luật được thực hiện khoán chi theo từng nhiệm vụ hoặc theo từng hoạt động.

Nghị quyết cũng quy định về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách được hưởng hỗ trợ hằng tháng

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết:

Một số ý kiến đề nghị cần gắn việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật ảnh 1

Với 416 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 87,03% tổng số đại biểu có mặt), Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về vấn đề này, Chính phủ xin tiếp thu, chỉnh lý Điều 3 theo hướng: sửa đổi, bổ sung khoản 3 về “bảo đảm áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt đúng đối tượng, quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật và trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Nghị quyết này”; bổ sung nguyên tắc mang tính chế tài tại khoản 4 “Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm bằng các biện pháp kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Về định mức khoán chi cho nhiệm vụ, hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế, một số ý kiến cho rằng việc quy định tổng mức khoán chi trong xây dựng pháp luật, điều ước quốc tế là rất cao so với hiện hành; đề nghị giảm mức khoán chi nêu trong Phụ lục II.

Về vấn đề này, Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý Phụ lục II theo hướng về cơ bản giảm tổng định mức khoảng 30% cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế của cơ quan ở Trung ương; tăng định mức kinh phí cho xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp tỉnh; giữ nguyên định mức cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã.

Về việc hỗ trợ hằng tháng cho người tham gia công tác xây dựng pháp luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% hệ số lương hiện hưởng là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách (tại điểm b khoản 1 Điều 7), bởi đây là nhóm cán bộ cơ bản bảo đảm tiêu chí “trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu chính sách, xây dựng pháp luật” quy định tại Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị.

Để bảo đảm linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định mức khoán chi đối với các loại văn bản quy phạm pháp luật mới hiện chưa quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.

Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết quy định: Người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp), bao gồm:
a) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách;
b) Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách;

c) Lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.

Trường hợp cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này có thay đổi về tên gọi, chức năng hoặc mô hình tổ chức của cơ quan, đơn vị thì việc xác định đối tượng được hỗ trợ quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của Chính phủ;

d) Đối tượng khác thuộc khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định;

đ) Đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định;

e) Đối tượng không thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.


Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.

Gửi phản hồi

[analytify-views]
💥 Không tìm thấy hàm Analytify!

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc