Dư địa lớn, nhưng rào cản còn nhiều
Tính đến nay, giá trị xuất khẩu nông sản hữu cơ chỉ đạt khoảng 20 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản – một con số khiêm tốn so với lợi thế sẵn có.
Tại Hội thảo “Phát triển Nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam”, do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội, nhiều ý kiến đánh giá rằng nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây.
Diện tích canh tác hữu cơ hiện đạt gần 175 nghìn ha, chiếm 1,41% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, bước đầu hình thành các hợp tác xã, doanh nghiệp tiên phong đầu tư và định hướng thị trường rõ ràng.
![]() |
Hội thảo “Phát triển Nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam”, do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội. |
Tuy vậy, theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ còn thiếu đồng đều giữa các vùng miền, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ chưa hoàn chỉnh, trong khi cơ chế kiểm soát chất lượng và chứng nhận còn thiếu nhất quán.
“Để mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả, chúng ta cần một không gian đối thoại thực chất giữa các bên liên quan, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, chia sẻ mô hình tốt, và quan trọng nhất là thống nhất cách tiếp cận theo chuỗi giá trị hữu cơ”, ông Duy nhấn mạnh.
Ông Trương Xuân Sinh, đại diện Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và Dịch vụ chất lượng (RETAQ) thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam là rất lớn. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu đa dạng, đất đai phong phú cùng hệ sinh thái sản phẩm phong phú như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, chè, trái cây nhiệt đới, thủy sản…, Việt Nam hoàn toàn có thể định vị thương hiệu quốc gia về nông nghiệp hữu cơ trên bản đồ thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Sinh, thực tế sản xuất hiện nay vẫn còn gặp nhiều thách thức như: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; kỹ thuật và trình độ canh tác chưa đáp ứng yêu cầu; chi phí sản xuất cao trong khi đầu ra chưa ổn định; các chính sách hỗ trợ còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dài hạn.
Ông Sinh cũng đưa ra một thí dụ điển hình là trường hợp một doanh nghiệp chè ở Sơn La triển khai mô hình hữu cơ với quy mô 3ha, đạt năng suất và chất lượng tốt, giá bán cao.
Tuy nhiên, khi muốn mở rộng vùng nguyên liệu, doanh nghiệp gặp khó khăn vì địa phương chưa có quy hoạch sản xuất hữu cơ phù hợp. Từ thực tế đó, ông Sinh cho rằng đây là vấn đề không chỉ thuộc trách nhiệm doanh nghiệp, mà cần có định hướng rõ ràng từ cấp quốc gia đến địa phương.
Học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, thúc đẩy liên kết chuỗi
Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Đan Mạch – quốc gia được đánh giá là hình mẫu trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, cho biết, từ năm 1987, Đan Mạch đã ban hành luật riêng về sản xuất hữu cơ, trở thành nước đầu tiên trên thế giới làm điều này. Tới nay, khoảng 12% diện tích đất nông nghiệp của Đan Mạch canh tác theo phương pháp hữu cơ và người tiêu dùng tại đây đặc biệt ưa chuộng thực phẩm hữu cơ.
Theo đại diện Đan Mạch, một trong những yếu tố thành công then chốt là áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ một cách xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi giá trị – từ nông trại đến bàn ăn. Sản phẩm chỉ được cấp nhãn hữu cơ khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, đồng thời trải qua hệ thống kiểm soát chặt chẽ, bao gồm kiểm tra định kỳ, đột xuất từ cơ quan chức năng địa phương.
Từ năm 2009, Đan Mạch còn mở rộng việc dán nhãn hữu cơ cho cả bếp ăn công cộng như trường học, nhà hàng, giúp người dân yên tâm lựa chọn thực phẩm sạch ngay cả ngoài gia đình.
![]() |
Các chuyên gia Đan Mạch tại Hội thảo “Phát triển Nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam”. |
Việc tổ chức sản xuất theo quy mô lớn và đồng bộ còn giúp giảm đáng kể chênh lệch giá giữa thực phẩm hữu cơ và phi hữu cơ. Do đó, tại các siêu thị bình dân ở Đan Mạch, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận thực phẩm hữu cơ với giá hợp lý, tạo ra thị trường bền vững và sức cầu ổn định.
Bài học lớn từ Đan Mạch là sự phối hợp hiệu quả giữa các bên trong chuỗi giá trị: Nhà nước xây dựng luật và kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp đầu tư sản xuất và phát triển thị trường, nông dân được đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, người tiêu dùng được tuyên truyền nâng cao nhận thức. Mô hình này không chỉ thúc đẩy tiêu dùng nội địa mà còn giúp Đan Mạch trở thành nước xuất khẩu thực phẩm hữu cơ có uy tín trên thế giới.

Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Để nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam phát triển đúng hướng và xứng tầm, nhiều chuyên gia khẳng định cần có chiến lược tổng thể cấp quốc gia, với trọng tâm là quy hoạch vùng sản xuất hữu cơ phù hợp từng vùng sinh thái; hoàn thiện khung pháp lý, bộ tiêu chí thống nhất và minh bạch; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; và quan trọng nhất là phát triển chuỗi liên kết giữa nông dân-doanh nghiệp-thị trường.
Việc gắn sản xuất hữu cơ với xây dựng thương hiệu quốc gia, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và du lịch sinh thái… sẽ giúp tăng giá trị sản phẩm và tạo động lực lan tỏa trong cộng đồng sản xuất. Đồng thời, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh số hóa thông tin sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng hệ thống chứng nhận và kiểm tra, tối ưu hóa chi phí để doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận hơn.
Người tiêu dùng hiện đại không chỉ cần ăn ngon mà còn muốn ăn sạch và lành mạnh. Đó là xu thế không thể đảo ngược. Vì vậy, phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành nông nghiệp mà cần sự phối hợp chặt chẽ của toàn xã hội để tạo nên thay đổi căn bản trong cách nghĩ, cách làm và cách tiêu dùng – vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững và hội nhập quốc tế.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.