Petrolimex ‘bốc hơi’ hơn 80% lợi nhuận: Áp lực tài chính đè nặng giữa biến động giá xăng dầu

Petrolimex #LợiNhuậnGiảm #XăngDầu #KinhDoanhKhóKhăn #TàiChínhDoanhNghiệp

TPO – Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động mạnh và nhu cầu thị trường nội địa chưa phục hồi như kỳ vọng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất trong nhiều quý gần đây, giảm lần lượt 81% và 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng tồn kho hơn 16.000 tỷ đồng

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã: PLX) công bố cho thấy bức tranh kinh doanh trong những tháng đầu năm của ngành xăng dầu rất chật vật.

Theo đó, doanh thu thuần quý I của Petrolimex đạt 67.861 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ còn 3.712 tỷ đồng – giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi trừ các khoản chi phí tài chính, bán hàng, quản lý và lãi/lỗ từ công ty liên kết, lợi nhuận sau thuế hợp nhất còn 211 tỷ đồng, tức giảm tới 81% so với cùng kỳ.

Riêng phần lợi nhuận thuộc cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 133 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này là hơn 1.070 tỷ đồng.

Trong khi đó, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy Petrolimex đang đối mặt với áp lực tài chính ngày càng lớn. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý I âm hơn 2.550 tỷ đồng, nguyên nhân chính đến từ việc giảm mạnh khoản phải trả và chi trả thuế lớn trong kỳ.

Để bù đắp, tập đoàn này đã tăng mạnh vay ngắn hạn, với khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 17.385 tỷ lên hơn 20.055 tỷ đồng – tương đương tăng 15%.

Điểm đáng chú ý là Petrolimex đang “gửi gắm” một lượng lớn vốn vào các khoản đầu tư tài chính, đặc biệt là các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, chủ yếu dưới dạng tiền gửi ngân hàng và trái phiếu.

Petrolimex 'bốc hơi' hơn 80% lợi nhuận ảnh 1

Giá xăng dầu thế giới biến động mạnh đã khiến lợi nhuận của Petrolimex trong quý I năm nay giảm tới 81%.

Tại thời điểm 31/3 năm nay, tổng đầu tư tài chính ngắn hạn lên đến hơn 20.000 tỷ đồng – tăng hơn 30% so với đầu năm. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính quý này chỉ đạt hơn 420 tỷ đồng, cho thấy tỷ suất sinh lời từ các khoản đầu tư còn khá khiêm tốn so với quy mô vốn.

Đặc biệt, tính đến cuối quý I, giá trị hàng tồn kho của Petrolimex ở mức 16.012 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng tài sản – một tỷ lệ cao so với thông lệ ngành. Đặc biệt, dự phòng giảm giá hàng tồn kho tăng vọt lên 334 tỷ đồng, cao gấp hơn 4 lần so với đầu năm.

Vấn đề hàng tồn kho cao trước đó đã được lãnh đạo Tập đoàn Petrolimex chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông khi quy định hiện nay bắt buộc thương nhân đầu mối phải dự trữ tồn kho tối thiểu 20 ngày.

Do đó, trong điều kiện giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, điều này tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Lợi nhuận PVOIL giảm gần 90%

Một doanh nghiệp lớn khác là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I, với doanh thu thuần đạt 32.788 tỷ đồng, giữ ổn định so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng vọt lên 216 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 27,9 tỷ đồng, sụt giảm gần 90% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí tài chính cao nhất là lỗ tỷ giá, lỗ từ công ty liên kết và lãi vay.

Tính đến 31/3, tổng tài sản của PVOIL đạt 68.782 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu kỳ, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm khoảng 50% tổng tài sản. Tuy vậy, khoản tiền và tương đương tiền giảm mạnh còn 2.782 tỷ đồng, giảm hơn 1.340 tỷ đồng.

Trong khi đó khoản phải thu của khách hàng tăng mạnh lên hơn 15.850 tỷ đồng; và hàng tồn kho của PVOIL tăng lên 4.000 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ so với hồi đầu năm.

Điểm sáng đáng ghi nhận là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.576 tỷ đồng, đảo chiều mạnh từ mức âm 703 tỷ đồng cùng kỳ. Điều này cho thấy dòng tiền vận hành của PVOIL đã được cải thiện thực chất nhờ quản trị vốn lưu động hiệu quả. Tuy nhiên, tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm còn 2.782 tỷ đồng, thấp hơn đầu kỳ gần 1.900 tỷ đồng, do dòng tiền ròng âm từ đầu tư và trả nợ vay lớn. Đây là tín hiệu cho thấy áp lực dòng tiền vẫn hiện hữu đối với doanh nghiệp này.

Dương Hưng


Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.

Gửi phản hồi

[analytify-views]
💥 Không tìm thấy hàm Analytify!

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc