ANTD.VN – Những chỉ đạo, gợi ý mang tính chất “mở đường” của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc đổi mới phương pháp giảng dạy các bộ môn nghệ thuật trong nhà trường phổ thông, trong đó có âm nhạc, đã nhận về sự cảm kích, hưởng ứng của đông đảo giới nghệ sĩ và những người làm công tác quản lý tại các môi trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp. NSND Quốc Hưng – Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam bày tỏ, anh cũng như đội ngũ văn nghệ sĩ, giảng viên đang công tác tại học viện sẵn sàng đồng hành, dốc hết sức mình để hiện thực hóa chủ trương đúng đắn này.
Rất mừng khi thấy những chia sẻ gợi mở của Tổng Bí thư
– Phóng viên: Thưa NSND Quốc Hưng, với kinh nghiệm hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp và cũng là người lãnh đạo một đơn vị đào tạo âm nhạc lớn nhất cả nước, anh nhận định thế nào về tính khả thi khi các nghệ sĩ đồng hành, tiếp sức cho công tác giáo dục âm nhạc tại các trường học hiện nay?
![]() |
Những chỉ đạo, gợi ý mang tính chất “mở đường” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận về sự cảm kích, hưởng ứng của đông đảo giới nghệ sĩ và những người làm công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục |
– NSND Quốc Hưng: Trước tiên phải khẳng định những phát biểu, chia sẻ gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc đổi mới đội ngũ, phương pháp giảng dạy các môn nghệ thuật trong các trường phổ thông là vô cùng đúng đắn. Thực tế, các trường THCS, THPT từ xưa đến nay vẫn hoạt động theo mô hình có đội ngũ thầy cô bộ môn về âm nhạc, hội họa, thể dục thể thao… Nhưng để nói việc giảng dạy đã thật sự hiệu quả hay chưa thì tôi nghĩ là chưa, vẫn dừng ở mức độ “cưỡi ngựa xem hoa” thôi. Tôi từng có dịp đến một số quốc gia và thấy việc dạy nghệ thuật tại trường học, trong đó có âm nhạc, rất được chú trọng chứ không bị xem là “môn phụ”. Vì vậy đội ngũ giảng viên các môn nghệ thuật ở đó cũng rất chuyên nghiệp và các em học sinh cũng được định hướng rất sớm, rất rõ ràng để phát huy sở trường, năng khiếu của mình. Đặc biệt, nghệ thuật cũng giúp các em hiểu và cảm nhận được những giá trị “chân – thiện – mỹ”, thêm yêu cuộc sống và tâm hồn cũng tươi tốt hơn.
Tôi rất mừng khi thấy những chia sẻ mang tính chất gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc này. Thật ra ở độ tuổi còn nhỏ mà các em có điều kiện bộc lộ năng khiếu, đam mê sớm và tạo điều kiện phát triển là tốt nhất. Còn nếu để học hết cấp 3 rồi, việc học nhạc nói riêng hay các bộ môn nghệ thuật khác là rất khó. Thế nên nếu như chủ trương trên được đưa vào thực tiễn, thông qua sự hợp tác với các trường, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẵn sàng điều động hoặc mời các nghệ sĩ, giảng viên chuyên nghiệp về âm nhạc về các trường để dạy cho các em học sinh. Đó là điều vô cùng tuyệt vời!
Vừa là nghệ sĩ, vừa là giáo viên thì truyền tải sẽ hiệu quả hơn
– Theo anh, ngoài tâm lý coi “chỉ là môn phụ” thì thực trạng giảng dạy các bộ môn về nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, tại các trường học hiện nay còn gặp phải vướng mắc gì khác?
– Tôi thấy như bộ môn âm nhạc hiện nay, giáo trình giảng dạy cho các em còn rất chung chung, chỉ dừng lại ở dạy cơ bản, dạy hát theo câu, theo bài, có khi các em cũng không được học về luyện thanh. Một phần như tôi chia sẻ ở trên, có thể các thầy cô bị tâm lý coi đó “chỉ là bộ môn phụ”, rồi nhiều trường lớn nhưng cũng chỉ có 1 – 2 thầy cô dạy về âm nhạc, thành ra số tiết không đủ để dạy cho từng em, khó mà chau chuốt vì số lượng học sinh quá đông. Bên cạnh đó, các thầy cô đều được đào tạo ở môi trường sư phạm, có nghiệp vụ trong việc giảng dạy, nhưng ngoài những yếu tố đó ra thì theo tôi, kinh nghiệm biểu diễn thực tế cũng rất quan trọng.
Tôi thấy ngay như trong học viện của chúng tôi, những thầy cô nào đi biểu diễn nhiều thì đều có khả năng truyền đạt cực kỳ tốt về cách xử lý tác phẩm, phương pháp dạy. Họ đi diễn nhiều nên có những kinh nghiệm riêng, có cách riêng trong việc xử lý tác phẩm, ngay từ việc xử lý sắc thái, âm lượng giọng hát, nốt nhạc… Vừa là nghệ sĩ, vừa là thầy cô giáo thì việc truyền tải tâm tư, tình cảm, kỹ thuật sẽ hiệu quả, học sinh nắm bắt cũng rất nhanh. Ví dụ như một câu hát hay một tiếng đàn thôi, vào nhịp thế nào, cách xử lý nốt nhạc ra sao… các thầy cô biểu diễn nhiều sẽ có kinh nghiệm và điều ấy rất cần thiết.
![]() |
NSND Quốc Hưng tại sự kiện diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sáng 30-4-2025 tại TP.HCM |
Tạo nguồn cho nghệ thuật nước nhà
– Được biết nhiều năm qua, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng “đi trước đón đầu” khi triển khai mô hình đưa các nghệ sĩ, giảng viên của Khoa Nhạc cụ truyền thống đến dạy cho học sinh của một số trường học. Hiệu quả từ hoạt động này thế nào, thưa anh?
– Đúng vậy! Khoa Nhạc cụ truyền thống của học viện chúng tôi nhiều năm qua vẫn mang âm nhạc đến các trường phổ thông, các nghệ sĩ, giảng viên vẫn đến dạy cho các em học sinh ở một số trường. Chúng tôi xem đây là một cách tạo nguồn cho ngành nghệ thuật nước nhà về nhạc cụ truyền thống, âm nhạc cổ truyền dân tộc. Trong những buổi học, các thầy cô trò chuyện, dạy cho các em và em nào có năng khiếu thì sau đó lại đăng ký vào Học viện để thi. Tôi nghĩ đó là một hướng đi rất phù hợp và hiệu quả. Nếu tất cả các Khoa khác trong Học viện làm được như vậy, mang âm nhạc đến giảng dạy phổ cập tại các trường học để dạy cho các em thì rất tốt.
Tất nhiên để giảng dạy cho các em thì vẫn cần phải nắm chắc nghiệp vụ sư phạm, phải hiểu tâm lý ở lứa tuổi học sinh và nắm bắt tâm tư tình cảm của các em thì mới có thể truyền đạt được. Nhiều em có năng khiếu bộc lộ rõ ràng, nhưng trước đó gia đình không có điều kiện để con mình theo học, thông qua công tác giảng dạy, các thầy cô phát hiện và các em được khuyến khích phát triển tài năng. Qua nhiều năm triển khai mô hình này, số lượng học sinh thi vào Khoa Nhạc cụ truyền thống rất đông.
Giáo viên cũng nên tập huấn và cọ xát thường xuyên
– Có một đặc thù là các sinh viên theo học tại Học viện cũng có điều kiện biểu diễn trên sân khấu từ rất sớm nên có kinh nghiệm ít nhiều. Anh nghĩ thế nào về khả năng cộng tác, đồng hành của đội ngũ này trong công tác giảng dạy âm nhạc cho các em học sinh phổ thông?
– Đúng vậy! Đó là một nguồn lực thật sự tiềm năng. Tôi nghĩ ở học viện, các em sinh viên năm thứ nhất, thứ hai đã có thể đi dạy được rồi, chỉ cần các em được bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ sư phạm. Tuổi của các em cũng rất trẻ, rất gần gũi với lứa tuổi học sinh nên khả năng tiếp cận, thấu hiểu và phương pháp truyền tải chắc chắn có lợi thế riêng.
Thông qua việc giảng dạy thì chính các em cũng sẽ rút ra nhiều bài học quý giá và kinh nghiệm cho bản thân trên con đường phát triển nghệ thuật chuyên nghiệp. Ở trường học thì chủ yếu là dạy các ca khúc về thiếu nhi cũng đơn giản thôi, nhưng phải rất hiểu, rất tâm huyết và có kinh nghiệm biểu diễn thì truyền đạt sẽ dễ dàng hơn. Nhiều khi dạy các em học sinh từ những kỹ năng căn bản như luyện thanh thế nào, mở giọng ra sao, rồi đi vào dạy ý nghĩa từng câu hát, cách hát thì mới hiệu quả cao.
Cũng xin nói thêm, tôi nghĩ các thầy cô hiện đang giảng dạy âm nhạc ở các trường phổ thông cũng cần được tập huấn hàng năm với các chuyên gia, nghệ sĩ, thậm chí cần cả kinh nghiệm biểu diễn trên sân khấu như các em sinh viên trong học viện vẫn đang thực hiện. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện hết sức để đội ngũ thầy cô giáo có điều kiện cọ xát thực tế, chau chuốt kỹ năng và có kinh nghiệm nhiều hơn.
– Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bà Lê Thị Hoàng Yến – Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam: Gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm vô cùng thiết thực
![]() |
Bà Lê Thị Hoàng Yến – Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam |
Tôi rất tâm đắc với phát biểu mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm là “đất nước phát triển thì người dân phải được thụ hưởng thành quả đó”, đặc biệt khi Tổng Bí thư gợi ý về việc có thể mời các vận động viên thể thao chuyên nghiệp đến trường để dạy cho các em học sinh. Là người nhiều năm gắn bó với thể thao, từng có thời gian làm giáo viên thể chất tại trường THCS Trưng Vương và THCS Hoàn Kiếm (Hà Nội), tôi cho đây là sự gợi mở rất hay và thiết thực.
Có một thực tế là hiện nay không phải học sinh nào cũng thích các hoạt động thể thao, thể chất tại nhà trường, mà một phần nguyên nhân đến từ sự nhàm chán trong công tác giảng dạy. Tạo cho học sinh hứng thú với môn học là điều cần thiết và việc có các ngôi sao thể thao, vận động viên chuyên nghiệp trực tiếp “đứng lớp” sẽ góp phần thúc đẩy điều đó. Thử hình dung các em học sinh yêu thích bơi sẽ phấn khích thế nào khi biết tin “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên tới trực tiếp dạy bơi; hay các cầu thủ học sinh háo hức được các danh thủ như Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức hướng dẫn đá bóng, rồi vận động viên Nguyễn Thị Oanh chỉ bảo ở môn điền kinh, Nguyễn Tiến Minh chia sẻ ở môn cầu lông…
Hiện trên 63 tỉnh thành, chúng ta đều có các vận động viên chuyên nghiệp. Tùy vào điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu môn học của học sinh mà mỗi trường có thể liên hệ, mời các vận động viên, cựu vận động viên phù hợp đến giảng dạy, giao lưu. Họ sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân và lan tỏa nguồn năng lượng tích cực tới các em học sinh. Và những kinh nghiệm, bài học được đúc kết từ thực tế sẽ càng gia tăng sức nặng, sự hiệu quả khi nó đến từ các “thần tượng” ngôi sao thể thao. Đơn cử như cựu tuyển thủ bơi quốc gia Nguyễn Thị Ánh Viên thời gian qua đăng tải những video dạy bơi do chính cô thực hiện, được thể hiện theo phong cách mới mẻ, dí dỏm, đã cuốn hút hàng chục ngàn người theo dõi, bao gồm cả đối tượng học sinh.
Ở chiều ngược lại, việc “đứng lớp” cũng mang lại lợi ích thiết thực cho chính các vận động viên. Đa số vận động viên sau khi giải nghệ đều hướng đến việc trở thành huấn luyện viên, có thể là huấn luyện viên chuyên nghiệp ở đội tuyển, các trung tâm, câu lạc bộ hay giáo viên thể chất tại trường học. Vì vậy, việc vận động viên sớm được tiếp cận môi trường sư phạm thông qua hoạt động giao lưu, giảng dạy tại các trường học cũng là cơ hội để họ tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm, làm hành trang cho tương lai.
Thuần Thư (Ghi)
Đương kim vô địch điền kinh SEA Games Nguyễn Thị Oanh: Các vận động viên rất hào hứng và sẵn sàng
![]() |
Qua các phát biểu, em thấy Tổng Bí thư Tô Lâm rất quan tâm tới học sinh – thế hệ tương lai của đất nước, không chỉ ở học văn hóa mà cả văn – thể – mỹ, hướng tới phát triển toàn diện. Trước gợi ý của Tổng Bí thư về việc có thể mời vận động viên thể thao chuyên nghiệp đến trường dạy cho các em học sinh, các vận động viên như em rất hào hứng và sẵn sàng, xem đây là cơ hội quý. Nếu có cơ hội được đứng lớp thì ngoài kỹ năng chuyên môn, em sẽ chủ động bồi dưỡng kiến thức sư phạm, tìm tòi cách thể hiện mới mẻ, sáng tạo để truyền thụ một cách hiệu quả nhất tới học sinh. Ngoài giúp các em hiểu rõ về tầm quan trọng của thể dục thể thao đối với phát triển thể chất và tinh thần, em và các vận động viên có cơ hội “đứng lớp” cũng sẵn sàng chia sẻ những “kỹ năng mềm”, tính kỷ luật, khả năng làm việc độc lập, trách nhiệm, sắp xếp và thực hiện hiệu quả, khoa học các công việc đề ra, cách thức vượt qua khó khăn, áp lực thành tích… vốn được tích lũy qua thời gian dài tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp.
Cơ hội tham gia các buổi sư phạm, “đứng lớp” như vậy cũng giúp ích rất nhiều cho vận động viên. Cá nhân em sẽ cảm thấy tự tin hơn, học hỏi được nhiều điều cũng như mở ra những kế hoạch, tầm nhìn lớn hơn cho tương lai. Các vận động viên nhiều năm gắn bó đều tâm huyết và mong muốn phát triển thể thao nước nhà, trong đó thể thao học đường có vai trò cực kỳ quan trọng. Sẽ rất vui nếu mỗi vận động viên chúng em được góp sức vào việc lan tỏa tình yêu, truyền cảm hứng thể thao tới học sinh trên cả nước, để từ đó phát hiện thêm nhiều tài năng cho thể thao Việt Nam.
Băng Tâm (Ghi)
Họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ: Đó là cách giúp học sinh phát triển toàn diện
![]() |
Tôi rất đồng tình với phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, bởi đó là một cách tiếp cận đúng đắn và thực tế với giáo dục các môn năng khiếu hiện nay. Những môn như âm nhạc, hội họa, thể thao không thể chỉ dạy theo kiểu lý thuyết, giáo trình khô cứng. Học sinh cần được tiếp xúc với chính những người đang sống với nghề – những nghệ sĩ, nhạc sĩ, vận động viên, để học từ trải nghiệm thật, cảm hứng thật.
Tôi là một họa sĩ sơn mài, đã có hơn 20 năm làm nghề và nhiều năm trực tiếp dạy vẽ cho học sinh, sinh viên ở nhiều độ tuổi, từ các em nhỏ đến cấp 2, cấp 3, cao đẳng, đại học. Tôi thấy rất rõ rằng, khi các em được học trong không gian nghệ thuật thực sự – nơi có mùi sơn mài, sơn dầu… tiếng chà nhám, ánh vàng của bạc quỳ, vàng quỳ hay những câu chuyện về sáng tác từ chính người nghệ sĩ – các em sẽ có hứng thú và tiến bộ vượt bậc. Có em học sinh lớp 8 ban đầu rất ngại vẽ, chỉ biết tô màu theo kiểu cho có, nhưng sau vài buổi được tiếp xúc với sơn mài thật, được tôi kể về cách làm tranh, em bắt đầu đòi tự tay mài tranh, mày mò pha màu, thậm chí còn xin bố mẹ cho theo lớp học dài hạn. Một trường hợp khác là một học sinh lớp 12, ban đầu đến lớp học vẽ chỉ để giải tỏa căng thẳng học văn hóa. Nhưng càng học, em ấy càng yêu vẽ, đam mê nghệ thuật, rồi quyết định thi vào Đại học Mỹ thuật. Đó là những chuyển biến tích cực khi nghệ thuật được truyền bằng đam mê và trải nghiệm thật.
Tôi tin rằng nếu ngành giáo dục cởi mở hơn, cho phép mời nghệ sĩ, người làm nghề vào dạy học, tổ chức các lớp học trải nghiệm mang tính thực hành cao thì sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực, nuôi dưỡng được năng khiếu thật sự. Và như Tổng Bí thư nói, mỗi học sinh biết chơi ít nhất một nhạc cụ, được tiếp cận một bộ môn nghệ thuật, sẽ không chỉ giúp các em thư giãn, phát triển toàn diện mà còn có thể là bước khởi đầu cho một ước mơ nghề nghiệp bền vững sau này.
Phạm Hương (Ghi)
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Gợi mở về một cuộc cách mạng trong giáo dục của nước nhà
![]() |
Trong một phiên làm việc gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có gợi ý với ngành Giáo dục đại ý là, học sinh học hai buổi/ngày thì buổi chiều có thể cho các cháu học thêm những môn khác. Ví dụ học nhạc thì ký hợp đồng, mời luôn các ca sĩ, nghệ sĩ đến dạy; thể dục, thể thao thì mời các vận động viên; hội họa thì mời họa sĩ hướng dẫn… Như thế các cháu đều được phát triển toàn diện mà nhà trường cũng đỡ áp lực về biên chế giáo viên. Theo tôi, đây là gợi mở về một cuộc cách mạng thực sự trong giáo dục mà ở đó, khả năng cảm thụ nghệ thuật, thể thao học đường, các kỹ năng sống cũng cần phải có vai trò quan trọng trong giáo dục. Cách làm này thực ra không mới ở những nền giáo dục của các nước phát triển, nhưng nó chưa được quan tâm đúng mức ở trường công Việt Nam khi chúng ta giáo dục chủ yếu vẫn hướng đến thi cử, bằng cấp, “nhồi nhét” kiến thức cho học sinh và xem nhẹ các môn phụ. Chừng nào học sinh còn sợ các môn thể dục, còn không có cơ hội được tiếp cận với các môn học liên quan đến thẩm mỹ, thì chừng đó chuyện học sinh thiếu sức khỏe, thiếu kỹ năng sống và khả năng thẩm mỹ vẫn còn tồn tại.
Thanh Xuân (Ghi)
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.