(KTSG Online) – Cơ quan thẩm tra nhận định, căn cứ tình hình thực tế, căn cứ vào các văn bản sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền thì việc sắp xếp lại bộ máy sẽ có nhiều thay đổi sau thời điểm 30-4-2025. Vì vậy, thời điểm xây dựng phương án về định mức phân bổ như tờ trình của Chính phủ là chưa phù hợp.

Sáng 24-4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026, TTXVN đưa tin.
Trình bày tóm tắt báo cáo, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trong đó, có các chủ trương mới, liên quan trực tiếp tới phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước như sắp xếp tổ chức bộ máy, miễn học phí, đảm bảo trật tự, an ninh, quốc phòng, ưu tiên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giáo dục đào tạo…
Đây sẽ là căn cứ để Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2026; xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu và số bổ sung từ ngân sách Trung ương cho từng địa phương…
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đa số ý kiến đề nghị chưa xem xét, ban hành nghị quyết vào thời điểm này.
Nguyên nhân là do căn cứ tình hình thực tế, văn bản sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền, việc sắp xếp lại bộ máy sẽ có nhiều thay đổi sau thời điểm 30-4. Khi có sự thay đổi sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, địa giới hành chính, việc áp dụng định mức tại các địa phương này không chỉ là việc thực hiện cộng “cơ học” mà cần được đánh giá tổng thể, có gắn với yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, đầu mối quản lý và nhu cầu phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn có địa giới hành chính mới.
Ngoài ra, một số liên quan đến nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên trong dự thảo nghị quyết đang được sửa đổi tại Luật Ngân sách nhà nước (Chính phủ đang dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9) đã bỏ kế hoạch tài chính – ngân sách ba năm; thời kỳ ổn định ngân sách và tỷ lệ điều tiết. Một số chính sách mới dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 có tác động đến các tiêu chí, định mức chi thường xuyên tại các địa phương.
Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến đề nghị thời hạn áp dụng của Nghị quyết này là 4 năm để bảo đảm tính ổn định, chủ động cho các địa phương trong việc xác định kinh phí chi thường xuyên, tránh tình trạng xây dựng hằng năm, không có kế hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, ở thời điểm hiện nay chưa đủ điều kiện để Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết này. Việc xây dựng nội dung nghị quyết phải căn cứ tình hình sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã để đưa ra tiêu chí cho sát. Nếu Quốc hội thông qua đề án sáp nhập tỉnh, thành, các cơ quan liên quan cân nhắc thời điểm thông qua nghị quyết này cho phù hợp.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.