Chiều 16-5, tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đề xuất tăng mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng từng được đưa vào dự thảo đầu tiên của Chính phủ.
Tuy nhiên, trong tờ trình gửi Quốc hội ngày 15-5, đề xuất này đã bị loại bỏ. Thay vào đó, Chính phủ đề xuất thí điểm tăng mức phạt lên gấp đôi tại Hà Nội và khu vực nội thành các thành phố trực thuộc trung ương, tức tối đa 150 triệu đồng trong lĩnh vực giao thông.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng mức phạt hiện nay còn thấp, thiếu tính răn đe và kiến nghị nâng trần xử phạt trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy lên 150-200 triệu đồng.

Nên áp dụng biện pháp xử phạt thay thế
Trước đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm giao thông lên tối đa 150-200 triệu đồng, nhiều bạn đọc bày tỏ sự không đồng tình, cho rằng mức phạt quá cao và thiếu thực tiễn.
Anh Văn Hùng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng đề xuất tăng mức phạt giao thông lên 150–200 triệu đồng là thiếu thực tế và không phù hợp với điều kiện kinh tế của phần lớn người dân.
“Tôi hiểu tuân thủ luật giao thông là nghĩa vụ, một khi đã vi phạm thì phải chịu xử phạt. Thế nhưng đâu phải ai cũng cố tình vi phạm. Thử nghĩ một người lái xe thuê với mức thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng mỗi tháng thì lấy đâu ra con số lớn như vậy để nộp phạt. Trong khi đó, không ít lỗi vi phạm lại xảy ra do hạ tầng chưa đồng bộ hoặc biển báo đặt không hợp lý. Đồng ý tăng mức hình phạt nghiêm minh hơn nhưng phải đặt trong các hoàn cảnh, điều kiện hạ tầng” – anh Hùng nói.
Chia sẻ từ chị Như Ngọc (TP.HCM), một nhân viên văn phòng, cho thấy mối lo ngại khác, khi tăng mức phạt giao thông lên đến vài trăm triệu, nhiều người không có khả năng nộp sẽ tìm cách tiêu cực để né phạt.
“Nhà nước nên tập trung vào giáo dục ý thức giao thông, cải thiện hạ tầng và ứng dụng công nghệ để xử phạt tự động. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ như camera phạt nguội để từ đó tránh tiêu cực phát sinh” – chị Ngọc nêu ý kiến.
Anh Quốc Khánh (TP.HCM) cũng cho rằng việc điều chỉnh mức phạt cần dựa trên đánh giá tác động toàn diện cả về pháp lý, xã hội và kinh tế.
“Với mức phạt gấp đôi hiện nay, ai sẽ là người bị ảnh hưởng nặng nhất? – Rõ ràng là người thu nhập thấp, trong khi các đối tượng có điều kiện vẫn có thể vi phạm mà không mấy đắn đo.
Luật cần đảm bảo tính công bằng và khả thi. Thay vì tăng mức phạt giao thông một cách cơ học, cần nghiên cứu áp dụng các hình thức xử lý khác như tước giấy phép, lao động công ích hay bắt buộc học lại luật giao thông” – anh Khánh nói.
Cần làm rõ khái niệm “nội thành”
Anh Trần Văn Duy (chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM) cho rằng việc nâng mức xử phạt hành chính trong giao thông là cần thiết để tăng tính răn đe, nhưng phải dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
“Nâng mức xử phạt cần được nghiên cứu kỹ con số tối đa một cách hợp lý. Từ tối đa 75 triệu đồng mà lên 200 triệu đồng thì tôi nghĩ là chưa phù hợp, dễ dẫn đến sự phản ứng trong xã hội và mất tính khả thi khi thực hiện” – anh Duy đánh giá.
Chị Nguyễn Thị Hồng (TP Thủ Đức) cho rằng chị đồng tình với việc nâng mức phạt với những hành vi như đua xe, chống người thi hành công vụ, nhưng nên có bước đi thận trọng.
“Có thể thí điểm tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM để đánh giá hiệu quả, mức độ chấp hành của người dân. Sau đó, nếu hiệu quả thì mở rộng áp dụng. Tránh tình trạng luật đưa ra nhưng không thực hiện được hoặc phải sửa đổi liên tục” – chị Hồng nói.
Chị Nguyễn Thị Lan (TP.HCM) cho rằng việc dự thảo Luật đề xuất tăng mức phạt hành chính gấp đôi tại “khu vực nội thành” của các thành phố trực thuộc trung ương là chưa thật sự rõ ràng và cần làm rõ trước khi áp dụng.
“Hiện nay, nhiều địa phương đang trong quá trình sáp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính. Nếu không định nghĩa cụ thể, khái niệm ‘nội thành’ có thể gây lúng túng trong thực thi, dẫn đến áp dụng không đồng bộ giữa các địa phương.
Sắp tới đây, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương sẽ sáp nhập thì việc xác định đâu là khu vực nội thành cũng không dễ. Luật phải dự liệu được những thay đổi về hành chính và có quy định cụ thể, tránh tình trạng cùng một hành vi vi phạm nhưng người thì bị phạt gấp đôi, người thì không, chỉ vì khác cách hiểu về địa giới hành chính” – chị Lan nhấn mạnh.
Cần giải pháp nhân văn và minh bạch hơn trong quản lý giao thông
Việc đề xuất tăng mức phạt giao thông lên đến 200 triệu đồng vào thời điểm này chưa phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh khái niệm “nội thành” còn chưa rõ ràng và thiếu sự thống nhất về mặt pháp lý lẫn thực tiễn thi hành.
Trước tiên, mức xử phạt hành chính 150 – 200 triệu đồng là quá cao so với thu nhập trung bình của người dân, đặc biệt là người lao động, hộ kinh doanh nhỏ và các đối tượng yếu thế. Khi vượt quá khả năng chi trả, mức phạt không còn là biện pháp răn đe hiệu quả, mà dễ gây phản ứng tiêu cực, dẫn đến tình trạng né tránh, đối phó hoặc khiếu kiện kéo dài, làm giảm hiệu quả thực thi pháp luật.
Hơn nữa, việc áp dụng riêng mức phạt cao ở khu vực “nội thành” là thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng. Khái niệm này chưa được định nghĩa cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành, trong khi nhiều địa phương đang thực hiện sáp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính. Nếu không làm rõ, quy định sẽ dễ bị lạm dụng hoặc áp dụng không công bằng, gây hoang mang trong xã hội và tạo ra sự bất bình đẳng giữa các khu vực.
Thay vì chỉ chú trọng tăng mức phạt, cần tập trung vào các giải pháp hiệu quả, nhân văn và bền vững hơn trong quản lý giao thông, như:
– Tăng cường giáo dục pháp luật giao thông, đổi mới phương thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt qua nền tảng số và mạng xã hội để nâng cao nhận thức cộng đồng;
– Ứng dụng công nghệ số trong xử phạt như camera phạt nguội, hệ thống dữ liệu liên thông giữa công an, đăng kiểm và ngân hàng, giúp minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả thực thi;
– Cải thiện hạ tầng giao thông và biển báo, bảo đảm rõ ràng, dễ nhận biết, hỗ trợ người dân tuân thủ pháp luật một cách thuận lợi;
– Thí điểm các biện pháp xử phạt thay thế như giáo dục bắt buộc, lao động công ích, tạm giữ bằng lái hoặc tước quyền sử dụng phương tiện trong thời gian nhất định đối với các hành vi nguy hiểm nhưng chưa đến mức phạt tiền nặng.
Như vậy, việc nâng mức phạt hành chính trong giao thông là cần thiết trong một số trường hợp, nhưng chỉ nên thực hiện khi có đủ điều kiện pháp lý, xã hội và hạ tầng giao thông phù hợp.
Luật sư Vũ Duy Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.