Theo thống kê từ Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, tính đến ngày 28/04/2025 đã có 685 doanh nghiệp đại diện 40% vốn hóa trên 3 sàn công bố kết quả kinh doanh quý 1/2025 và 556 doanh nghiệp 58% vốn hóa công bố kế hoạch kinh doanh 2025.
Trong đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 1/2025 toàn thị trường tăng lần lượt khoảng 20,1 và 50,8% so với cùng kỳ, trên mức nền thấp 2024. Một số ngành đáng chú ý có tỷ lệ vốn hóa các doanh nghiệp công bố cao như ngành ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế của 13/27 ngân hàng tăng 21% so với cùng kỳ, tăng trưởng ổn định dù mặt bằng lãi suất ở mức thấp những tháng đầu năm.
Điểm qua kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục cho thấy bức tranh khả quan trong quý 1/2025.
ABBank (UPCoM: ABB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 407 tỷ đồng, tăng mạnh 128% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng đến từ hoạt động tín dụng tăng đều, huy động vốn ổn định và chuyển đổi số hiệu quả. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 10,46% tuân thủ mức trên 8% theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo khung vốn vững chắc của ABBank cho công tác kinh doanh.
Tính đến hết ngày 31/3/2025, tổng tài sản của ABBank đạt 183.659 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm, đạt 92% kế hoạch năm. Huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 112.067 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 100.352 tỷ đồng.
HDBank (HOSE: HDB) đạt lợi nhuận trước thuế 5.355 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng 33% so với cùng kỳ. Đây là một trong những mức tăng cao nhất trong ngành, với ROE đạt 29,62% và CAR vượt 14,9%.
Trong quý 1/2025, HDBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 9.205 tỷ đồng, tăng trưởng bền vững nhờ sự đóng góp tích cực từ các hoạt động cốt lõi cùng các chỉ tiêu kinh doanh số tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản của HDBank đạt 711.311 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ; tiền gửi khách hàng đạt 465.321 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ.
VPBank (HOSE: VPB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.015 tỷ đồng, cao hơn 20% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất gần 15.600 tỷ đồng trong quý 1/2025, tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ.
Cụ thể, ngân hàng mẹ ghi nhận lợi nhuận 4.942 tỷ đồng trong khi các công ty con tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả chung của tập đoàn. FE Credit có lãi quý thứ 4 liên tiếp với doanh số giải ngân trong quý 1 nối tiếp đà tăng 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của VPBankS tăng 93%, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) lập kỷ lục mới 12.760 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 3.
Kết thúc quý đầu tiên của năm 2025, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt hơn 994.000 tỷ đồng.
Nam A Bank (HOSE: NAB) duy trì đà tăng trưởng ổn định với lợi nhuận trước thuế đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 21,52%. Kết quả trên góp phần giúp Nam A Bank giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định liên tục trong các năm gần đây. Trong đó, ROE duy trì mức trên 20%, ROA đạt 1,5% – thuộc nhóm cao nhất trong ngành; NIM xoay quanh mức 3,5%.
Theo đó, tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản Nam A Bank đạt gần 263.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm 2025. Hoạt động tín dụng đạt gần 178.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm; huy động vốn đạt gần 204.000 tỷ đồng, tăng gần 14% so với đầu năm 2024.
Sacombank (HOSE: STB) có quý đầu năm tích cực với lợi nhuận trước thuế đạt 3.674 tỷ đồng, tăng 38%. Đáng chú ý, ngân hàng giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro (chỉ còn 195 tỷ đồng, giảm 71%), góp phần thúc đẩy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh.
Tính đến cuối quý 1, tổng tài sản của Sacombank tăng nhẹ 1% so với đầu năm, lên 757.093 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt vẫn xấp xỉ mức 8.498 tỷ đồng, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 9% còn 16.074 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 5% lên 546.327 tỷ đồng.
BVBank (UPCoM: BVB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 80 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và hoàn thành 15% mục tiêu năm 2025. Tổng thu nhập quý 1/2025 đạt 557 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần là nguồn đóng góp chủ lực, đạt trên 500 tỷ đồng, tăng 7% nhờ quy mô cho vay tăng trưởng
Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản của BVBank vượt mốc 110.100 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm.
Vietinbank (HOSE: CTG) báo lãi trước thuế 6.823 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Dù thu nhập lãi thuần trong quý đầu năm đạt hơn 15.475 tỷ đồng chỉ tăng nhẹ 2%, song ở chiều ngược lại các khoản thu từ hoạt động khác như hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh giúp VietinBank thu được 238 tỷ đồng tiền lãi, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 38 tỷ đồng. Đồng thời, mua bán chứng khoán đầu tư cũng chuyển lỗ sang lãi 91 tỷ đồng.
Tổng tài sản của VietinBank tính đến cuối quý 1 tăng 4% so với đầu năm, lên mức gần 2,47 triệu tỷ đồng.
Techcombank (HOSE: TCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 7.236 tỷ. Tổng thu nhập hoạt động quý 1 đạt 11.611 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần vẫn duy trì ổn định ở mức 8.305 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 2,3%; NIM trượt 12 tháng được giữ ở mức 4,0%.
Điểm nhấn nổi bật trong kỳ là phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 1.084 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, thu nhập từ dịch vụ ngoại hối và bảo hiểm, lần lượt tăng 50,5% và 26,7% so với cùng kỳ năm trước, minh chứng cho nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng.
Tính đến ngày 31/03/2025, tổng tài sản của Techcombank đạt gần 990.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ
ACB (HOSE: ACB) đạt lợi nhuận trước thuế 4.600 tỷ đồng, giảm nhẹ 6%. Nguyên nhân đến từ chính sách ưu đãi lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Dù vậy, ngân hàng vẫn duy trì ROE trên 20% và kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,48%.
Kết thúc quý 1/2025, tổng quy mô huy động vốn của ACB, bao gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 664.000 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước.
Eximbank (HOSE: EIB) đạt lợi nhuận trước thuế 832 tỷ đồng trong quý 1, tăng trưởng 25,8% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần vẫn là trụ cột chính mang về cho Eximbank 1.354 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng này trong quý đạt hơn 1.800 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ). Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 959 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của ngân hàng đạt 251.133 tỷ đồng, tăng 4,74% so với đầu năm.
MB (HOSE: MBB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1 đạt 8.386 tỷ đồng, tăng trưởng 44,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận riêng của MB đạt 7.689 tỷ đồng, tăng trưởng 46,2% so với cùng kỳ.
Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu thuần sau rủi ro đạt hơn 12.300 tỷ đồng, tăng 32,5%.
Tổng tài sản hợp nhất tính đến cuối quý 1 đạt hơn 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với thời điểm cuối năm 2024.
LPBank (HOSE: LPB) báo lãi trước thuế 3.175 tỷ đồng, tăng 10%. Theo báo cáo tài chính, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 8,8% đạt 3.374 tỷ đồng.
Tính đến 31/3, quy mô tổng tài sản của LPBank ở mức 499.895 tỷ đồng, giảm 1,65% so với cuối năm 2024. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 352.194 tỷ đồng, tăng 6,2%; tiền gửi khách hàng tính đến cuối quý 1 đạt 293.155, tăng 3,5%.
SHB (HOSE: SHB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt gần 4.400 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch cả năm 2025. Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản hợp nhất của SHB đạt 790.742 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2024, dư nợ cấp tín dụng đạt 575.777 tỷ đồng, tăng 7%.
Năm 2025 SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.500 tỷ đồng, tăng trưởng 25%, tổng tài sản 832.000 tỷ đồng, vốn điều lệ gần 46.000 tỷ đồng, cùng kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% và kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; tiến tới chạm mốc 1 triệu tỷ đồng tổng tài sản vào năm 2026.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.