(PLO)- Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng phát triển kinh tế tư nhân là cần thiết, đúng đắn để tạo được cho Việt Nam có những tập đoàn lớn như Samsung, Lotte, Posco.
“Phát triển kinh tế tư nhân cần thiết và đúng đắn. Ta cần quyết sách phát triển kinh tế tư nhân cùng các thành phần kinh tế khác để tạo đột phá cho nền kinh tế”- Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định khi phát biểu tại tổ, chiều 15-5.
Cần luận giải rõ để các quy định đi vào cuộc sống
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam nên nghiên cứu các nước xung quanh như Hàn Quốc, Nhật Bản, những nước phát triển kinh tế tư nhân rất thành công. Hàn Quốc từ những thập niên 60-80 của thế kỷ trước đã phát triển rất mạnh, có những tập đoàn như Samsung, Lotte, Posco… đứng đầu thế giới.
“Cần cơ chế thông thoáng, cơ chế ưu đãi nhưng đảm bảo công bằng, minh bạch, không phân biệt thành phần kinh tế tư nhân”, Phó Thủ tướng nói.
Ông đề nghị cân nhắc quy định chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần/năm. Vì nếu quy định như vậy thì có thể sẽ có “lỗ hổng”, nhất là trong các lĩnh vực về an toàn thực phẩm, cháy nổ…
Tương tự, với quy định miễn kiểm tra thực tế nếu doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật “cũng có chút vấn đề”, vì cơ quan kiểm tra không thể biết được doanh nghiệp có tuân thủ đúng hay không. Nên chăng cần quy định chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
“Cần phải luận giải rõ để quy định đi vào thực tế”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Về quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng Quỹ này nên thiết kế theo mục tiêu hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, tìm kiếm thị trường và khen thưởng cho các doanh nghiệp tư nhân có thành tích cao. Rất cần cân nhắc việc Quỹ cho doanh nghiệp vay, vì có thể Quỹ sẽ không đủ cơ chế như các ngân hàng để bảo toàn vốn.
Vẫn theo Phó Thủ tướng, nhu cầu của doanh nghiệp tư nhân hiện nay là được ưu đãi, hỗ trợ về công nghệ, nhân lực và thị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần một quy trình thực thi thủ tục hành chính minh bạch theo đúng phương châm “nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp triển khai”.
Còn về ưu đãi thuế, Phó Thủ tướng cho rằng cần thiết kế các quy định ưu đãi theo các lĩnh vực. Tốt nhất là nên quy định trong các luật thuế để bảo đảm công bằng cho các thành phần kinh tế, tránh thất thu ngân sách.
Còn trong lĩnh vực đấu thầu, có những trường hợp phải chỉ định thầu để vừa tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vừa nhằm hỗ trợ chung cho doanh nghiệp trong nước.
Về những vấn đề khác, Phó Thủ tướng cho rằng: “Nghị quyết nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết để việc cụ thể hóa các chính sách của Nghị quyết được linh hoạt, phù hợp với diễn biến từ thực tiễn kinh tế – xã hội trong bối cảnh đất nước đã hội nhập sâu rộng và tình hình quốc tế luôn diễn biến khó lường”.
Nên ưu đãi thuế dài hơn
ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đồng tình với dự thảo Nghị quyết. Ông cũng nêu ra một số đề nghị để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, có hiệu quả thiết thực.
Cụ thể, theo ĐB, cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp để tạo “khoảng gian tài chính” đủ dài cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

“Nếu chỉ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”, ĐB So nói và cho rằng như vậy là chưa tạo động lực mạnh mẽ khuyến khích doanh nghiệp tích lũy nội lực, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Với các quy định về hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, ĐB So đề nghị bổ sung một điều khoản về hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý thủ tục liên quan, đặc biệt dành cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp sáng tạo.
“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chuyển mạnh sang mô hình dựa trên tri thức, tài sản vô hình – đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ – ngày càng đóng vai trò quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Với các startup, sản phẩm cốt lõi là công nghệ, thuật toán hoặc ý tưởng; nếu không được bảo hộ kịp thời, doanh nghiệp dễ bị mất thương hiệu, bị sao chép công nghệ hoặc gặp rủi ro pháp lý nghiêm trọng”, ĐB So giải thích.
Cũng về ưu đãi, nhưng là với chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu kể từ khi cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp lần đầu sẽ dẫn đến tình trạng “trục lợi” chính sách.

“Lập doanh nghiệp, hoạt động hết 3 năm được miễn thuế, đến năm thứ 4 phải đóng thuế thì lại xóa doanh nghiệp rồi đăng ký dưới tên vợ, con, thậm chí thuê xe ôm đứng tên chủ doanh nghiệp, bởi đăng ký thành lập doanh nghiệp rất dễ dàng”, ĐB Cường cho rằng việc này sẽ không tạo ra được doanh nghiệp hoạt động ổn định”.
Ông cũng lo ngại chính sách này sẽ xảy ra bất hợp lý với các doanh nghiệp không trục lợi như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bị phá sản. Vì thế, ĐB đoàn Hà Nội đề nghị không nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa liên tục trong 3 năm mà năm đầu tiên nên miễn thuế, những năm sau chỉ miễn 50%.

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.