“Khám phá ‘Trường Sa’ giữa lòng Gia Viễn, Ninh Bình: Nơi ký ức biển đảo sống mãi trong tim” #CóMộtTrườngSaTrongLòngGiaViễnNinhBình

Với quy mô một khu nghỉ dưỡng, trị liệu, nơi ấy các căn phòng đều mang tên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Từng kỷ vật: mũ của người lính Hải quân, ốc biển, san hô… đều chất chứa nỗi niềm.

Đặc biệt nhất là giống cây bàng vuông được chị Trần Thị Thanh Nhàn tận tụy ươm trồng như những mầm xanh yêu thương âm thầm mà mãnh liệt. Trường Sa không xa, mà thực sự trở thành ký ức sống động, một tọa độ yêu thương trong lòng người ngay ở đất liền.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 2

Không gian mang tên Trường Sa gắn liền sự bình yên, thư thái.

Chia sẻ về câu chuyện đầy kỷ niệm thuở nào, chị Thanh Nhàn kể lại, trong ký ức thế hệ sinh viên những năm 1980, không ít người từng ngồi lặng lẽ viết những lá thư gửi ra biển đảo – nơi có bao người lính trẻ tuổi đang ngày đêm canh giữ chủ quyền Tổ quốc. Những bức thư thường không có hồi âm ngay, lắm khi mất hút giữa trùng khơi, có lúc trở lại với câu chuyện khiến người ta lặng đi như vừa chạm vào vết thương sâu thẳm.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 3

Không gian đầy chất thơ trên vùng đất giàu truyền thống.

Chị Thanh Nhàn sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Nho Quan là một trong những sinh viên thuở ấy từng gửi thư ra Trường Sa năm 1987. Một tình cảm trong sáng, chân thành đã lớn lên từng ngày qua những dòng thư đi, thư lại với người lính tên Thắng, cho tới một ngày… lá thư cuối cùng về tay chị là một mảnh giấy cũ nhàu, được gấp tư, do đồng đội của anh mang về. Anh đã hy sinh. Những dòng chữ cuối viết vội còn chưa tròn câu: “Gửi em – người con gái tôi chưa một lần gặp mặt…”.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 4

Cảnh quan có sự chăm sóc của bàn tay cần cù lao động.

Ký ức ấy trở thành vết khắc sâu lặng trong trái tim chị, để rồi gần bốn thập kỷ sau, những điều đẹp nhất, cũng chất chứa đầy tâm trạng nhất đã trỗi dậy và hóa thành hành động.

Trên vùng đất Gia Viễn yên bình, ở Kênh Gà nổi tiếng với mạch khoáng nóng, chị đã kiến tạo một không gian mang tên “Trường Sa” – một khu nghỉ dưỡng mang tâm hồn, vẻ đẹp của biển đảo, mang hơi thở và tin yêu mãnh liệt với những người lính năm xưa.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 5

Không chỉ phục vụ khách du lịch mà đây là không gian quen thuộc của bà con nhân dân.

Nơi đây, mỗi căn phòng mang tên đảo: Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa, Tiên Nữ, Song Tử Tây, An Bang… Những kỷ vật người lính Hải quân trong những chuyến thăm biển đảo sau này đều được lưu giữ nơi góc nhỏ như để nhắc nhở về một thời đã qua với bao khát vọng lặng thầm.

Ở góc vườn xanh tươi, chị dựng lên vườn ươm bàng vuông – loài cây biểu tượng của sức sống mãnh liệt trên đảo đá khô cằn, vừa là món quà chị mang về sau hai chuyến ra Trường Sa, vừa là lời gửi gắm cho thế hệ sau về tình yêu Tổ quốc không lời mà bền bỉ và sâu lắng cùng năm tháng.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 6

Chị Trần Thị Thanh Nhàn tận tụy với vườn ươm cây bàng vuông Trường Sa.

Cùng với Trường Sa, chị Nhàn còn có nhiều lần thăm và chúc Tết các đảo tiền tiêu của Tổ quốc như: Lý Sơn, Cồn Cỏ… Trong những chuyến đi ấy, chị mang theo những món quà nhỏ và những câu chuyện thấm thía. Đó là hành trình tri ân cũng là hành trình trở lại với ký ức với một phần tuổi trẻ chị gửi lại nơi đầu sóng.

“Nhất định tôi sẽ làm một điều gì đó cho Trường Sa theo cách của riêng mình”, lời hứa ấy mãi trong trí nhớ, cũng lại hiện hữu thành hình hài, thành không gian sống động giữa đất liền mà chị tạo nên. Ai cũng có thể đến, chạm vào ký ức biển đảo và sống lại những câu chuyện đã từng làm rung động bao thế hệ.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 7

Quả bàng vuông trên đất Gia Viễn, Ninh Bình.

Có lẽ, chính những điều chị Nhàn âm thầm vun đắp trong suốt bao năm qua đã khiến Trường Sa không còn xa, không hiện hữu chỉ ở tọa độ địa lý ngoài khơi mà đã trở thành một “tọa độ yêu thương” trong lòng người, giữa đất Gia Viễn bình yên.

Trong hành trình thiêng liêng “Non sông liền một dải” kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), bên cạnh những hoạt động trang trọng của Hội Biển đảo Việt Nam, vẫn có những đóng góp lặng thầm nhưng đầy ý nghĩa của chị Trần Thị Thanh Nhàn.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 8

Các căn phòng đều mang tên đảo.

Chị đã lặng lẽ góp sức bằng cách chuẩn bị trước những phần trà, nhang thơm và đồ lễ gửi đến các điểm dừng chân tại những nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước. Từng món quà nhỏ được chị chuyển đi từ trước, để khi đoàn dừng chân thì đã sẵn để dâng cúng, biếu tặng.

Không có mặt trong các nghi lễ đầy xúc động, nhưng tình cảm của chị lại đậm sâu trong từng nén nhang thành kính, trong từng lời dâng tặng đầy trân trọng.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 9

Du khách rất thích check-in ở những góc đậm chất Trường Sa.

Chia sẻ về tình cảm của mình, chị bày tỏ: “Tôi vốn không làm được gì lớn lao, chỉ mong góp chút lòng thành. Có bao nhiêu người lính đã không trở về, hậu phương của các anh luôn mòn mỏi chờ mong, có khi là suốt cả cuộc đời. Tôi hiểu phần nào cảm giác đó, bởi tôi cũng từng đợi… Mỗi việc nhỏ tôi làm, dù là chuẩn bị nén nhang, gói trà, đều là cách gửi lời tri ân thay cho những người ở lại. Chỉ mong sao, những ai đã hy sinh sẽ không bao giờ bị quên lãng và những ký ức ấy sẽ được giữ lại như một phần máu thịt của non sông”.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 10

Bản đồ Việt Nam được đặt ở không gian trang trọng nhất.

Không gian “Trường Sa” nơi đất Gia Viễn vừa là điểm đến của những người mang trong tim tình yêu biển đảo, cũng là là nơi dừng chân đầy cảm xúc đối với nhiều du khách trong nước và quốc tế. Nhiều vị khách Việt Nam sau khi tham quan đã lặng người đứng trước những kỷ vật của người lính, xúc động ghi lại trong sổ lưu niệm những dòng chữ run tay: “Cảm ơn chị đã giữ lại ký ức cho thế hệ sau”, “Tôi thấy Trường Sa gần hơn bao giờ hết…”.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 11

Hoa muống biển đầy lãng mạn trong khuôn viên.

Với du khách quốc tế, không gian này lại là cách đặc biệt để hiểu thêm về chiều sâu văn hóa, lịch sử và tình cảm của người Việt đối với đất nước mình.

Một vị khách người Nhật chia sẻ: “Tôi từng đọc về chiến tranh Việt Nam, nhưng chưa bao giờ cảm nhận rõ ràng đến thế cho đến khi nhìn thấy một lá thư không hồi âm, một tấm ảnh ố vàng”.

Một du khách đến từ Pháp thì nghẹn ngào nói: “Tình yêu và sự hy sinh ở nơi đây không cần ngôn ngữ để hiểu. Nó rất thật, rất con người”.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 12

Du khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại không gian mang tên “Nhà giàn DK1”.

Chính sự lặng lẽ và chân thành của con người, không gian nơi đây đã chạm đến trái tim mỗi người, để dù đến từ bất kỳ nơi đâu, họ cũng có thể cảm nhận được một Trường Sa là địa danh thiêng liêng giữa biển khơi, là phần máu thịt không thể tách rời trong tâm hồn người Việt.

Đã có thời điểm mùa mưa lũ tràn về dữ dội, nước ngập trắng bốn bề. Vườn cây, khuôn viên chị dày công vun đắp cũng chìm trong dòng nước. Chị quặn lòng như chính ký ức xưa cũ bị xô nghiêng. Khu trải nghiệm mang tên “Nhà giàn DK1” là con tàu nổi, neo ở khúc sông đầy lục bình hoa tím, trong hoàn cảnh thiên tai trở thành nơi chị Nhàn gom lương thực, nhu yếu phẩm để làm điểm cứu trợ tạm thời cho bà con quanh vùng.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 13

Nhiều đợt mưa lũ khiến cây cối, nhất là bàng vuông bị ngập.

Chị thức suốt nhiều đêm không chợp mắt, vừa lo cho người, vừa lo cho từng gốc cây bé nhỏ ngoài vườn. Sau lũ, lại bắt đầu trồng lại, vun lại từng nhú mầm hy vọng. Riêng những cây bàng vuông – biểu tượng của sức sống Trường Sa vẫn đứng vững giữa đất ngập, rũ mình sau bão, tiếp tục xanh lá. “Cây kiên cường như những người lính đảo vậy”, chị nói, mắt ánh lên một niềm tin bền bỉ vào điều tốt đẹp còn nảy nở, dẫu qua bao giông gió.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 14

Chị Nhàn lại tiếp tục ươm trồng nhiều lứa cây mới.

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Vũ Thành, Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam xúc động chia sẻ về chị Trần Thị Thanh Nhàn: “Chị là người phụ nữ hồn hậu, nhiệt tình và rất đỗi chân thành. Dù cuộc sống của chị còn nhiều vất vả, nhưng chưa ai thấy chị than phiền hay ngơi nghỉ trong những việc mình làm cho Trường Sa, cho người lính. Điều khiến mọi người trân trọng là chị không làm những việc ấy để được biết đến, mà vì một lời hứa với quá khứ, với những người lính đã hy sinh và với chính trái tim mình. Trong sự lặng lẽ của chị có cả đức tính kiên cường, nhẫn nại”.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 15

Chị Trần Thị Thanh Nhàn trong chuyến thăm và tặng quà các đảo.

Chiều buông nơi khúc sông lặng, con tàu nổi mang dáng dấp Nhà giàn DK1 neo lại bình yên giữa dòng nước mênh mang, lục bình nở hoa tím biếc trôi bập bềnh như những mảnh ký ức trôi ngược về miền xa thẳm.

Trên mạn tàu, chị Nhàn lặng lẽ đứng nhìn về phía xa, nơi mặt trời đang ngả dần sau rặng tre cùng những con sóng nhỏ lăn tăn gợn sáng.

Có một Trường Sa trong lòng Gia Viễn, Ninh Bình ảnh 16

Chị Nhàn có nhiều hoạt động gắn bó với người lính hôm nay.

Ánh mắt chị ăm ắp khát khao nối liền những miền đất, những cánh thư, những đảo nhỏ với bao nỗi nhớ nhung, khắc khoải chưa từng nguôi ngoai…

Nơi đây, giữa đất liền, Trường Sa vẫn đang ngời ngời trong từng mạch sống, từng cây bàng vuông kiên cường, từng căn phòng mang tên đảo và trong trái tim một người phụ nữ chưa bao giờ quên lời hứa của mình với biển.


Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.

Gửi phản hồi

[analytify-views]
💥 Không tìm thấy hàm Analytify!

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc