(PLO)- Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) đã để lại dư âm xúc động, lan tỏa tinh thần yêu nước mạnh mẽ trong lòng hàng ngàn người dân.
Sáng 30-4, Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) đã chính thức diễn ra.
Kết thúc màn diễu binh lịch sử, bầu không khí tại trung tâm thành phố vẫn rộn ràng, chan chứa niềm tự hào. Từ người trẻ tuổi đến những mái đầu bạc trắng, hàng ngàn người dân vẫn nán lại, ánh mắt rạng rỡ, tay vẫn nắm chặt cờ đỏ sao vàng, như chưa muốn rời đi khỏi không gian đầy cảm xúc.


Với mong muốn tận mắt chứng kiến lễ diễu binh trọng đại, ông Nguyễn Văn Niệm (78 tuổi, quê Hà Nam, ngụ Tây Ninh) cho biết ông đã đến trung tâm TP lúc 2 sáng để chờ xem diễu binh, diễu hành.

“Dù già yếu, tôi nói các con lần này nhất định tôi phải xuống TP. Được xem diễu binh giữa lòng thành phố, tôi xúc động vô cùng. Cảm xúc trào dâng, tự hào dân tộc dâng lên trong tim từng nhịp. Bạn bè quốc tế mà xem sẽ thấy dân tộc ta kiên cường, lịch sử ta oanh liệt biết bao. Tôi sống gần hết đời người mới có dịp tận mắt chứng kiến, không thể bỏ lỡ”- ông Niệm hạnh phúc nói.
Còn ông Nguyễn Danh Mừng (57 tuổi, quê Hải Dương), cho biết ông đã có mặt tại TP.HCM từ chiều 29-4, chỉ để kịp tham dự lễ diễu binh sáng 30-4.
“Năm nay quá tuyệt vời! Không khí tưng bừng, trang trọng và đầy tự hào khiến tôi xúc động mãi không nguôi”– ông Mừng chia sẻ.
Ông Mừng cho biết sau khi xuống máy bay, ông không về khách sạn nghỉ ngơi mà lập tức đi thẳng vào trung tâm thành phố để hoà mình vào dòng người đổ về xem diễu binh.
“Tôi muốn tận mắt chứng kiến thời khắc ý nghĩa khi đất nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Được hoà mình trong không khí ấy, tôi cảm thấy như sống lại thời khắc lịch sử”- ông Mừng bày tỏ.
Ông Mừng dự kiến sẽ lưu lại TP.HCM thêm 5 ngày trước khi trở về lại Hải Dương. Với ông, chuyến đi này là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời.

Dù thức trắng cả đêm để “giữ chỗ”, nhiều người dân vẫn hào hứng, hồ hởi. Dòng người tỏa ra khắp các tuyến phố, vẫn giữ nguyên trang phục tươm tất, gương mặt ánh lên niềm vui vì đã được sống trọn vẹn trong những khoảnh khắc không thể nào quên.
Vừa chiêm ngưỡng xong phần lễ diễu binh, diễu hành, cô Vy Vy (50 tuổi, ngụ Bắc Kạn, người dân tộc Tày) tỏ ra rất vui vẻ mãn nguyện. Cô cho biết đã đi từ Bắc Kạn xuống Hà Nội rồi bay vào TP.HCM cách đây 1 tuần để tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cô Vy mặc trên mình bộ đồ truyền thống của dân tộc Tày để tham dự sự kiện trọng đại của đất nước.

“Tôi rất tự hào về dân tộc Tày cũng như tự hào về đất nước Việt Nam. Tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho chuyến hành trình này. Tôi đã đến đây từ 1 giờ sáng để tìm chỗ ngồi ưng ý, dù có hơi mệt nhưng tôi thấy rất vui.
Cũng lớn tuổi rồi, còn sống được bao lâu nữa nên tôi rất thích những chuyến đi như vầy, đặc biệt đây còn là sự kiện trọng đại của đất nước, mình được chứng kiến thời khắc lịch sử này thì quá tuyệt vời. Tôi sẽ ở đây chơi cho hết lễ rồi mới về”- cô Vy chia sẻ.



Trung uý Phan Anh Tân, khối Quân chủng Hải quân, chia sẻ buổi diễu binh để lại trong anh nhiều cảm xúc, nhưng nhiều nhất là sự vinh dự và tự hào.
“Trong quá trình tập luyện cũng vất vả, nhưng sau khi hoàn thành buổi lễ, được người dân yêu quý, cảm thấy mọi thứ vô cùng xứng đáng”- Trung uý Tân nói.

Kết thúc buổi lễ, dù người đã thấm mệt, Thiếu úy Phạm Đức Lượng, khối Quân chủng Hải quân, vẫn cười tươi khi được người dân chào, bắt tay và xin chụp hình cùng.
“Đây là lần đầu tiên tôi tham dự diễu binh và thấy tự hào vô cùng, người dân miền Nam cũng rất nhiệt tình và dễ mến nữa”- Thiếu uý Lượng chia sẻ.
Bầu không khí 30-4 năm nay không chỉ là một lễ kỷ niệm, mà là hành trình trở về ký ức, là tiếng vọng từ lịch sử, là tình yêu Tổ quốc ngân vang trong trái tim triệu người dân Việt.

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.