In bài
ANTD.VN – TP Hà Nội quyết tâm hoàn thành công tác chuyển đổi phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên toàn địa bàn thành phố chậm nhất vào năm 2030.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố.
Theo kế hoạch, TP Hà Nội quyết tâm hoàn thành công tác chuyển đổi phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên toàn địa bàn thành phố chậm nhất vào năm 2030.
Trong đó, đối với khu vực đô thị trung tâm, nội thành (trong phạm vi Vành đai 4), toàn bộ xe buýt vận hành phải chuyển đổi sang xe buýt điện để bảo đảm yêu cầu phát triển giao thông xanh, hiện đại và bền vững.
Về lộ trình thực hiện, kế hoạch yêu cầu giai đoạn 2025-2026: Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh; Mở rộng mạng lưới xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh; Triển khai xây dựng các trạm sạc xe buýt điện, năng lượng xanh (bao gồm cả trạm sạc nhanh);
Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành; Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền đến người dân hiểu và đồng thuận. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh (dự kiến) năm 2025 là 10%; năm 2026 là 20- 23%.
![]() |
Hà Nội đặt mục tiêu 100% xe buýt trên địa bàn sử dụng điện, năng lượng xanh trước năm 2030 |
Giai đoạn 2027-2030: Triển khai công tác chuyển đổi theo lộ trình và hoàn thành công tác chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diezel sang xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh chậm nhất vào năm 2030; Mở rộng mạng lưới trạm sạc đảm bảo hoạt động hiệu quả;
Mở rộng mạng lưới xe buýt điện để tăng tính kết nối, tăng năng lực cung ứng. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh (dự kiến) năm 2027 là 34-39%; năm 2028 là 47-54%; năm 2029 là 79-89%; năm 2030 là 100%.
UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng thầu đối với các gói thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh theo hướng đồng bộ, phù hợp với thời gian khấu hao phương tiện để tăng tính hấp dẫn, khuyến khích các đơn vị tham gia.
Nghiên cứu xây dựng các trạm sạc điện nhanh tại các điểm đầu cuối các tuyến xe buýt, trạm sạc công cộng, trạm cung cấp nhiên liệu mới bảo đảm thuận lợi, tiện nghi cho người sử dụng, tránh lãng phí cơ sở hạ tầng và nguồn lực đầu tư.
Sở Công Thương xây dựng phương án quy hoạch hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông trên địa bàn TP (trong giai đoạn trước mắt khi chưa có quy định về quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành cho hệ thống trạm sạc điện, trạm sạc năng lượng xanh thì lập phương án để triển khai các nhiệm vụ, dự án cụ thể).
Cùng với đó, rà soát quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống lưới điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải, cấp nguồn điện cho phương tiện giao thông điện (trong đó có xe buýt điện) theo từng giai đoạn.
Tổng Công ty Điện lực TP xây dựng phương án cung cấp, đảm bảo nguồn điện công suất lớn để vận hành các trạm nạp cho xe điện trên toàn mạng lưới xe buýt của TP, đảm bảo xe buýt hoạt động ổn định, không bị gián đoạn.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.