Theo tờ Guardian, dưới đây là một số ứng viên sáng giá có khả năng kế vị Giáo hoàng Francis.
1.Hồng y Pietro Parolin, người Ý, nhà ngoại giao Vatican, 70 tuổi
Ông Parolin cũng được coi là “ứng cử viên thỏa hiệp” giữa những người cấp tiến và bảo thủ. Ông là nhà ngoại giao của Giáo hội và từng là “bộ trưởng ngoại giao” của Giáo hoàng Francis kể từ năm 2013.

Hồng y Pietro Parolin. Ảnh; Vatican News
Chức vụ này tương tự như chức vụ thủ tướng và thường được gọi là “phó Giáo hoàng” vì họ đứng thứ hai sau Giáo hoàng trong hệ thống cấp bậc của Vatican.
Ông Parolin trước đây được Giáo hoàng Benedict bổ nhiệm làm Đại sứ Vatican tại Venezuela năm 2009.
Nếu được bầu, ông Parolin sẽ “trả lại” chức Giáo hoàng cho người Ý sau 3 đời Giáo hoàng không phải người Ý liên tiếp, bao gồm Giáo hoàng John Paul II của Ba Lan, Benedict của Đức và Francis của Argentina.
2.Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle, người Philippines, 67 tuổi
Ông Tagle thường được gọi là “Francis châu Á” vì cam kết tương tự đối với công lý xã hội và nếu được bầu, ông sẽ là Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Á.

Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle. Ảnh: Vatican News
Ông Tagle dường như đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn để trở thành Giáo hoàng. Ông đã có nhiều kinh nghiệm kể từ khi được thụ phong linh mục vào năm 1982. Sau đó, ông có thêm kinh nghiệm hành chính, đầu tiên là Giám mục Imus và sau đó là Tổng giám mục Manila.
Giáo hoàng Benedict đã phong ông Tagle làm hồng y vào năm 2012. Đến năm 2019, ông Tagle trở thành người đứng đầu nhánh truyền giáo của Giáo hội, chính thức được gọi là Bộ Truyền giáo.
Ông Tagle nói tiếng Ý và tiếng Anh lưu loát, được xem là lợi thế nếu trở thành Giáo hoàng kế tiếp.
3.Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, người Ghana, 76 tuổi
Từ khởi đầu khiêm tốn tại một thị trấn nhỏ ở châu Phi, ông Turkson đã đạt được những thành tựu to lớn trong Giáo hội, khiến ông trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Phi cận Sahara.

Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson. Ảnh; Vatican News
Ông Turkson từng lãnh đạo một số văn phòng của Vatican và có kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ.
Giáo hoàng John Paul II đã bổ nhiệm ông Turkson làm Tổng giám mục Cape Coast vào năm 1992. 11 năm sau, ông được phong làm hồng y đầu tiên trong lịch sử của quốc gia Tây Phi này.
Giáo hoàng Benedict là người đã đưa ông Turkson đến Vatican vào năm 2009 và phong ông làm người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình – cơ quan thúc đẩy công lý xã hội, nhân quyền và hòa bình thế giới.
Trong vai trò đó, ông Turkson là một trong những cố vấn thân cận nhất của Giáo hoàng về các vấn đề như biến đổi khí hậu và thu hút nhiều sự chú ý khi tham dự các hội nghị như Diễn đàn Kinh tế Davos.
4.Hồng y Peter Erdo, người Hungary, 72 tuổi
Nếu được bầu, ông Erdo chắc chắn sẽ được coi là “ứng cử viên thỏa hiệp”, một người thuộc phe bảo thủ nhưng vẫn xây dựng được cầu nối với thế giới tiến bộ của Giáo hoàng Francis.

Hồng y Peter Erdo. Ảnh: Hungary Today
Ông Erdo có mối liên hệ rộng rãi với Giáo hội tại châu Âu và châu Phi, là người bảo thủ về thần học.
Là một chuyên gia về luật Giáo hội, ông Erdo trở thành giám mục ở độ tuổi 40 và hồng y vào năm 2003 khi mới 51 tuổi, trở thành thành viên trẻ nhất của Hồng y đoàn cho đến năm 2010.
Ông Erdo nói tiếng Ý xuất sắc và cũng nói được tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga.
5.Hồng y Matteo Maria Zuppi, người Ý, Tổng giám mục Bologna, 69 tuổi
Khi được thăng chức vào năm 2015 và trở thành Tổng giám mục Bologna, các phương tiện truyền thông quốc gia gọi ông Zuppi là “Bergoglio người Ý” vì ông có mối quan hệ gần gũi với Giáo hoàng Francis (tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio).

Hồng y Matteo Maria Zuppi. Ảnh: Vatican News
Giống như Giáo hoàng Francis khi còn sống ở Buenos Aires, ông Zuppi được biết đến là một “linh mục đường phố” tập trung vào những người di cư và người nghèo, đồng thời không quan tâm nhiều đến sự phô trương và nghi thức.
6. Hồng y José Tolentino Calaça de Mendonça, 59 tuổi, người Bồ Đào Nha
Ông Tolentino là một trong những ứng viên trẻ nhất có thể kế vị Giáo hoàng Francis. Ông từng gây tranh cãi vì bày tỏ sự đồng cảm với quan điểm khoan dung về các mối quan hệ đồng giới và ủng hộ một nữ tu dòng Biển Đức theo chủ nghĩa nữ quyền, người ủng hộ việc phong chức cho phụ nữ và ủng hộ quyền lựa chọn.

Hồng y José Tolentino Calaça de Mendonça, 59 tuổi. Ảnh: La Croix International
Ông có quan điểm gần gũi với Giáo hoàng Francis ở hầu hết các vấn đề và lập luận rằng Giáo hội phải kết nối với văn hóa hiện đại.
7. Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục, người Malta, 68 tuổi
Ông Grech đến từ Gozo, một hòn đảo nhỏ thuộc Malta, quốc gia nhỏ nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Ông được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm làm Tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục – một vị trí quan trọng trong Vatican.

Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục, người Malta, 68 tuổi. Ảnh: La Croix International
Ban đầu được coi là người bảo thủ, ông Grech sau đó trở thành người tiên phong trong các cuộc cải cách của Giáo hoàng Francis tại Giáo hội.
Năm 2018, ông Grech nói về việc mình hứng thú với những thách thức mà Giáo hội phải đối mặt như thế nào: “Chúng ta đang trải qua một giai đoạn thay đổi. Và với tôi, đây là một điều rất tích cực”.
8. Hồng y Pierbattista Pizzaballa, 60 tuổi, người Ý
Kể từ năm 2020, ông Pizzaballa đảm nhận vai trò thượng phụ Latin Jerusalem, tức vị tổng giám mục đứng đầu Giáo hội Công giáo tại các vùng lãnh thổ Israel, Palestine, Jordan và Cộng hòa Cyprus.

Hồng y Pierbattista Pizzaballa, 60 tuổi. Ảnh: The Guardian
Sau vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10 -2023, ông Pizzaballa đề nghị đổi mình làm con tin để giải cứu các trẻ em bị Hamas giam giữ ở Gaza. Ông đã đến thăm Gaza vào tháng 5-2024 sau nhiều tháng đàm phán. Nếu được chọn, ông có thể tiếp tục thực hiện một số khía cạnh trong phong cách lãnh đạo của Giáo hoàng Francis nhưng ông ít đưa ra tuyên bố công khai về các vấn đề gây tranh cãi.
9. Hồng y Robert Sarah, 79 tuổi, người Guinea
Ông Sarah là một hồng y có quan điểm bảo vệ các giá trị truyền thống của Giáo hội. Ông Sarah đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong Vatican, bao gồm vai trò Tổng trưởng Bộ Phụng tự Thánh và Kỷ luật Bí tích từ năm 2014 đến 2021. Thời kỳ này, ông tập trung bảo tồn nghi thức phụng vụ truyền thống và phản đối các thay đổi hiện đại trong nghi thức Công giáo. Ông Sarah thẳng thắn chỉ trích “ý thức hệ giới tính”, lên án hôn nhân đồng giới, ly hôn và phá thai, đồng thời kêu gọi bảo vệ gia đình tự nhiên.

Hồng y Robert Sarah, 79 tuổi, người Guinea. Ảnh: Shutterstock
Ông cũng công khai lên án chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, xem đó là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Lập trường bảo thủ của ông vừa nhận được sự ngưỡng mộ vừa gây tranh cãi trong Giáo hội.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.