"Giàu vượt sướng" – Thế hệ trẻ thiếu kỹ năng sống: Nỗi khổ từ sự bao bọc quá mức!

Nỗi_khổ_của_thế_hệ_giàu_vượt_sướng #Kỹ_năng_sống #Giới_trẻ #Tự_lập

Năm nay, nhà tôi có cháu trai nhập ngũ. Mỗi dịp cuối tuần, gia đình tôi tranh thủ lên thăm cháu. Một lần, trong lúc cả nhà đang ngồi quây quần ăn trưa trên tấm bạt giữa những tán cây rợp mát thì một thanh niên cao to vạm vỡ chạy đến gặp cháu tôi, chìa ra chiếc đèn pin bé gọn trong tay, giọng hồn nhiên như đứa bé đang chơi đồ hàng: “Cậu biết cách mở chỉ cho tớ với, tối qua tớ mò mãi mà không mở ra”. Cháu tôi vẻ như đã quen chuyện bạn bè nhờ việc nọ việc kia nên chẳng ngạc nhiên gì với chuyện đơn giản vậy mà cũng đem nhờ, cháu cầm đèn pin, chạm nhẹ vào một đầu rồi nhấn nút là sáng đèn. Ánh mắt cậu bạn cũng sáng lấp lánh cùng lời cảm ơn rối rít.

Câu chuyện của chàng thanh niên khiến tôi nhớ đến lần ghé căn hộ cậu bạn đồng nghiệp. Cậu ấy có cô người yêu ở tuổi gen Z (sinh từ năm 1997 – 2012), hôm ấy cũng ghé để cùng ăn trưa. Bình thường chúng tôi sẽ gọi đồ ăn bên ngoài cho tiện, lại đỡ cực, nhưng hôm ấy nổi hứng muốn nấu cơm ăn. Lúc cô người yêu của cậu bạn hăng hái lấy gạo bỏ vào nồi cơm, tôi kịp đưa mắt nhìn sang thì hỡi ôi, cô ấy cho hẳn gạo vào thân nồi cơm điện, may mà chưa đổ nước vào. Cậu đồng nghiệp cười nắc nẻ, còn cô người yêu thì ngơ ngác không biết đến việc phải bỏ gạo vô lòng nồi thì cơm mới chín được. Vì không làm công việc bếp núc bao giờ nên cô ấy xa lạ với mọi thiết bị nhà bếp.

Nỗi khổ của thế hệ

Minh họa: VFA

Có nhiều cụm từ nói đến thế hệ trẻ ngày nay, “giàu vượt sướng” là cụm từ được nhắc đến nhiều. Nó trái ngược với thế hệ trước đây là “nghèo vượt khó”. “Giàu vượt sướng” dành cho những cậu ấm cô chiêu được sinh ra trong môi trường đầy đủ điều kiện về vật chất. Tuy nhiên, không thiếu những hệ lụy đi kèm. Khi trẻ quá đầy đủ sẽ thiếu đi những tính cách cần thiết như là sự học hỏi, tính kiên nhẫn, tinh thần lạc quan… Trong khi đó, hầu hết chỉ tập trung vào chuyên môn mà quên đi những kỹ năng căn bản nhưng cần thiết khác, cả những hiểu biết về thế giới bên ngoài.

Chị bạn đồng nghiệp tôi cũng có con thuộc thế hệ gen Z. Mỗi lần gia đình lớn có đám tiệc, chị không để con đụng tay vào việc gì. Nếu có sự phân chia công việc, chị sẽ giành làm phần của con. Khi hỏi đến, chị nói: “Mình làm loáng cái là xong, chứ để tụi nó không quen việc làm chậm lắm. Ở nhà bữa nào kẹt nhờ con rửa chén thì nước lênh láng cả gian bếp, mình dọn lại còn cực hơn, chưa kể bể ly, bể chén là chuyện rất bình thường”. Một chị đồng nghiệp khác cũng đồng quan điểm, kể rằng: “Mình bắt nó làm, lần sau có tiệc nó sợ trốn luôn”. Nghe vậy, tôi thấy sao vai trò của người làm cha mẹ bây giờ hạn hẹp quá, chẳng dám đụng chạm gì đến con. Biết rằng cha mẹ ở thế hệ nào cũng hết lòng thương yêu, bao bọc con cái, dành mọi điều tốt nhất cho con. Càng khổ, họ càng muốn con cái mình lớn lên trong sung sướng, đủ đầy. Chính vì yêu thương sai cách mà đã ảnh hưởng không ít đến đời sống độc lập của con sau này.

Tôi là người bước những bước chân vào cuộc đời sớm hơn các cháu, nên ít nhiều cũng hình dung ra những áp lực đón đợi một thế hệ trẻ được bao bọc, nhàn tênh suốt quãng đời ở với bố mẹ, rồi khi ra đời sẽ ra sao?

Cuộc sống không phải lúc nào cũng có cha mẹ bên cạnh, nên việc dạy cho con tự lập, tự chăm sóc bản thân là điều hết sức cần thiết. Để khi trưởng thành, đi làm, con không phải đối diện với quá nhiều khó khăn cùng một lúc.

Trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện về cuộc đối thoại của hai cô bé ở thành phố về quê nội ăn Tết. Tuy mới 12 tuổi nhưng cả hai đã trổ giò cao hơn mét bảy, tóc dài, son môi ra dáng thiếu nữ. Ai ngờ, họ hàng đông vậy mà ăn xong cô ruột vẫn bắt hai cô bé xuống rửa chén. Cả hai dạ vâng, nhưng trong lòng thì ấm ức. Cô chị buồn bã tâm sự với cô em: “Cả đời chị chưa bao giờ khổ như thế này!”. Cô em họ cũng gật đầu ủng hộ: “Em thấy về nhà ông bà nội khổ quá, phải rửa một đống chén bát, sang năm chắc em không về đâu!”.

Thì ra, ở nhà, mọi thứ đã có người giúp việc làm, rồi anh chị lớn, hoặc cha mẹ làm thay, chẳng việc gì đến tay mình nên việc đơn giản là rửa chén thôi cũng thành nỗi khổ trần ai với hai cô bé.

Có người nói rằng: “Chỉ là chuyện rửa chén bát. Tụi nó sau này cần gì phải làm việc nhà. Khi làm ra tiền, chúng còn hô mưa gọi gió được nữa kia mà!”. Có “hô mưa gọi gió” được hay không thì chưa biết nhưng nếu thiếu kỹ năng sống căn bản, giới trẻ sẽ gặp vô vàn khó khăn khi vào đời và khi ấy, để hòa nhập buộc chúng phải học lại từ đầu.

Vậy nên, tôi chỉ mong các cháu của mình ra đời có đủ kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, đủ mạnh mẽ để vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống, biết kết nối để sống chan hòa với mọi người… Có như vậy mới mong đến những thứ khác. Đó chẳng phải là điều mà cha mẹ nào cũng mong ở con mình hay sao? 


Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.

Gửi phản hồi

[analytify-views]
💥 Không tìm thấy hàm Analytify!

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc