"EU đẩy mạnh biện pháp cứng rắn giải quyết làn sóng người nhập cư: Giải pháp hay thách thức mới?"
#EU #DiCư #KhủngHoảngNhậpCư #ChínhSáchTịNạn #ĐoànKếtChâuÂu
Chi tiết: EU đang siết chặt quy trình tiếp nhận người tị nạn, với dự thảo luật mới cho phép từ chối đơn xin tị nạn nếu người di cư đã qua quốc gia thứ ba an toàn. Động thái này nhằm giảm áp lực lên hệ thống tiếp nhận, nhưng cũng đặt ra nhiều rủi ro về an ninh và nhân đạo. Liệu đây có phải giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng ngày càng phức tạp? Câu chuyện này không chỉ là thách thức với châu Âu, mà còn là bài toán lớn cho toàn thế giới.

nhap-cu.jpg
Số người di cư bất hợp pháp tới EU trong thời gian qua vẫn ở mức cao. Ảnh: El Pais

Liên quan tới việc siết chặt quy trình tiếp nhận người tị nạn vào EU, điểm đáng chú ý nhất của chính sách này là mở rộng khái niệm “quốc gia thứ ba an toàn”, cho phép các nước thành viên bác đơn nếu người xin tị nạn có thể nhận được bảo hộ ở quốc gia khác, dù không có mối liên hệ thực tế nào với quốc gia đó.

Hiện tại, luật của EU chỉ cho phép bác đơn xin tị nạn nếu người đó có thể đã nộp đơn tại một quốc gia thứ ba an toàn, nơi họ từng sống, làm việc hoặc có gia đình. Tuy nhiên, theo dự thảo quy định mới, chỉ cần người di cư đã quá cảnh an toàn qua một nước trên đường đến châu Âu, thì đơn xin tị nạn của họ cũng có thể bị từ chối. Quy định này, nếu được Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên thông qua, sẽ được đưa vào Hiệp ước về Di cư và tị nạn của EU, có hiệu lực vào năm 2026.

Dự kiến, thời gian tới, số lượng người bị từ chối tị nạn và bị trục xuất sẽ tăng mạnh. Bởi phần lớn người xin tị nạn phải băng qua nhiều quốc gia mới đến được châu Âu. Ngoài ra, quy định mới cũng không cho phép người xin tị nạn được quyền lưu trú tại EU trong quá trình kháng cáo nếu đơn xin tị nạn bị từ chối. Theo Ủy ban châu Âu (EC), mục tiêu của cuộc cải tổ lần này là đẩy nhanh quy trình xử lý tị nạn và giảm áp lực với hệ thống tiếp nhận ở các nước thành viên.

Ủy viên phụ trách di cư của EU Magnus Brunner cho biết: “Các quốc gia EU đã phải chịu áp lực di cư đáng kể trong suốt thập kỷ qua. Đây là một công cụ nữa giúp các quốc gia thành viên xử lý đơn xin tị nạn một cách hiệu quả hơn”. Thống kê cho thấy, chỉ trong tháng 2-2025, số người nộp đơn xin tị nạn vào EU đã lên tới 59.085. Còn trong tháng 4, gần 20.000 người đã vượt biển đến châu Âu từ Bắc Phi, bao gồm cả công dân từ Bangladesh, Eritrea, Pakistan và Syria.

Cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu bùng phát từ năm 2015 để lại những hậu quả nghiêm trọng trên nhiều phương diện, từ chính trị, xã hội, kinh tế cho tới an ninh và đoàn kết nội khối. Sự gia tăng đột ngột về số lượng người nhập cư đã khiến nhiều quốc gia EU, đặc biệt là các quốc gia vòng ngoài như Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha, phải đối mặt với tình trạng quá tải trong hệ thống tiếp nhận và chăm sóc người tị nạn. Nhà ở, dịch vụ y tế và giáo dục đều trở nên quá tải, ảnh hưởng tới cả người dân địa phương lẫn người nhập cư. Tại Đức – quốc gia đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn từ năm 2015, các thành phố lớn như Berlin hay Hamburg đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm hội nhập hiệu quả người di cư vào xã hội, trong bối cảnh nguồn lực công căng thẳng kéo dài.

Cuộc khủng hoảng cũng làm bùng nổ những tranh luận chính trị nội bộ gay gắt tại nhiều nước EU. Các đảng dân túy và cánh hữu lợi dụng tâm lý lo ngại của người dân để thúc đẩy chính sách chống nhập cư, góp phần làm chia rẽ xã hội và gia tăng bài ngoại. Tại Pháp, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) ghi nhận mức ủng hộ kỷ lục trong các cuộc thăm dò mới nhất, phần lớn nhờ lập trường cứng rắn về kiểm soát biên giới và “bảo vệ bản sắc dân tộc”.

Trong bối cảnh ấy, việc siết chặt kiểm soát dòng người di cư là hoàn toàn dễ hiểu, nhưng theo nhiều nhà phân tích, động thái này cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Nhà nghiên cứu Franck Düvell (Đại học Osnabrück của Đức) cảnh báo, việc đóng cửa các tuyến đường hợp pháp sẽ góp phần nuôi dưỡng mạng lưới buôn người – những kẻ cung cấp giấy tờ giả, giấu người trong xe tải hoặc sử dụng thuyền không đủ điều kiện ra khơi. Trong khi đó, người tị nạn sẽ không bỏ cuộc khi bị từ chối. Họ sẽ tìm cách khác để vào được nước sở tại – dù là con đường nguy hiểm hơn.

Cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu không chỉ là một thách thức nhân đạo, mà còn là phép thử đối với tinh thần đoàn kết, khả năng quản trị và giá trị nền tảng của EU. Khi các cuộc xung đột, đói nghèo và biến đổi khí hậu tiếp tục đẩy hàng triệu người rời bỏ quê hương, châu Âu sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực để tìm ra giải pháp bảo vệ biên giới một cách bền vững.


Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.

Gửi phản hồi

[analytify-views]
💥 Không tìm thấy hàm Analytify!

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc