(PLO)- Đó là ý kiến của Chủ tịch tỉnh Hậu Giang khi thảo luận về các mục tiêu, chỉ tiêu và khâu đột phá nhiệm kỳ 2025 – 2030 để đưa vào Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Chiều 28-5, UBND 3 địa phương gồm TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang tổ chức họp trực tuyến thảo luận về các mục tiêu, chỉ tiêu và khâu đột phá nhiệm kỳ 2025 – 2030 để đưa vào Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Góp ý tại cuộc họp, ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ dẫn một số thông tin thống kê về quy mô dân số, diện tích, quy mô GRDP, GRDP bình quân, thu ngân sách, chi ngân sách… về thứ hạng của TP Cần Thơ so với 34 tỉnh, thành. Qua đó, ông gợi ý có thể mạnh dạn đưa mục tiêu đến 2030, sau khi hợp nhất, TP Cần Thơ nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành hay không. Cùng đó, đưa mục tiêu phấn đấu của TP Cần Thơ trong nhóm 6 TP trực thuộc trung ương…
Liên quan đến 18 chỉ tiêu trong dự thảo, Chủ tịch TP Cần Thơ thống nhất về con số đồng thời cho rằng, động lực tăng trưởng mới hai con số thì phải có hai Nghị quyết 57 (về khoa học công nghệ) và Nghị quyết 68 (về kinh tế tư nhân) nhưng trong 18 chỉ tiêu “chưa thấy bóng dáng hai nghị quyết này”.
Ngoài ra, ông Trương Cảnh Tuyên cũng góp ý đối với một số chỉ tiêu cụ thể trong dự thảo.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng góp ý, nên nghiên cứu các nghị quyết của trung ương về phát triển vùng ĐBSCL để bổ sung vào các mục tiêu của TP Cần Thơ đúng với chủ trương của trung ương.
Đồng thời đưa thêm mục tiêu phát triển cảng biển ở Sóc Trăng; lồng ghép việc phát triển khoa học công nghệ, phát triển đô thị thông minh và kinh tế tư nhân.
Góp ý với các chỉ tiêu, Chủ tịch Sóc Trăng cho rằng nên tránh việc đưa chỉ tiêu không gắn với mục tiêu; nên chọn các chỉ tiêu cốt lõi, không chia nhỏ, đưa ra quá nhiều chỉ tiêu…

Cũng theo ông Trần Văn Lâu, khâu đột phá được xác định là then chốt được lựa chọn để tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để thực hiện trước… Do đó, ông đề nghị xác định 4 khâu đột phá, một là về hạ tầng giao thông, trong đó cố gắng đột phá làm được cảng biển Trần Đề sẽ vực dậy cả ĐBSCL; hai là về nguồn nhân lực chất lượng cao; ba là thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; bốn là cơ chế chính sách và cải cách hành chính. Ngoài ra có thể lồng ghép trong khâu đột phá về hợp tác kinh tế quốc tế.
Theo ông Trần Văn Huyến, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, có bốn chỉ số lớn quan trọng cần quan tâm là tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, chỉ số cải cách hành chính mà trọng yếu là chỉ số PCI.
Theo đó, Chủ tịch Hậu Giang cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 10%/năm là chỉ số an toàn theo chỉ đạo của Chính phủ, đây là mức sàn thấp nhất, “trong khi TP Cần Thơ trực thuộc trung ương, chưa thể hiện khát vọng vươn lên của một TP trung tâm”. Cạnh đó, ông cho rằng “quan điểm, mục tiêu chưa mạnh mẽ lắm” và đề xuất nên bứt phá hơn.
Ông Huyến cũng dẫn thêm một số chỉ tiêu đến năm 2030 trong dự thảo còn thấp, “chưa thể hiện khát vọng”, đó là thu nhập bình quân đầu người dự kiến 7.242 USD, tổng thu ngân sách khoảng 37.000 tỉ.
Chủ tịch Hậu Giang phân tích dựa trên các quy hoạch của ba địa phương và thực tế thì thấy rằng TP Cần Thơ trong tương lai sẽ trở thành trung tâm logistic, có nhiều tiềm năng, lợi thế, có cảng biển, sân bay, đường cao tốc, khu công nghiệp… mà chỉ đưa ra các chỉ tiêu như vậy thì “chắc chắn chưa thể hiện rõ khát vọng”.

Về các đột phá chiến lược, ông Huyến nói đồng ý với dự thảo và ý kiến của Chủ tịch Sóc Trăng, đồng thời góp ý quan tâm thêm về chất lượng nguồn nhân lực; hạ tầng kỹ thuật; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và hội nhập quốc tế.
“Là TP trực thuộc trung ương thì cần có sự đào tạo mạnh mẽ hơn, chất lượng hơn, không chỉ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu mà bao gồm các thành phần, và cả người lao động” – Chủ tịch Hậu Giang góp ý.
Thống nhất 18 chỉ tiêu, 4 khâu đột phá
Sau phần góp ý của lãnh đạo và đại diện sở, ngành của ba địa phương, Chủ tịch TP Cần Thơ kết luận, về mục tiêu, ba địa phương thống nhất, cập nhật mục tiêu cô đọng nhất có thể, chắt lọc từ các nghị quyết của trung ương, quy hoạch địa phương và quy hoạch vùng cùng với hai Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68.
Về chỉ tiêu, thống nhất 18 chỉ tiêu nhưng có thay đổi, trong đó về kinh tế bổ sung thêm chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp, nâng cao chỉ số thứ hạng về công tác cải cách hành chính; Gộp hoặc bổ sung một số chỉ tiêu…; tính toán lại về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho phù hợp thực tế…
Cạnh đó, ba địa phương thống nhất bốn khâu đột phá gồm nguồn nhân lực; hạ tầng; tập trung phát triển kinh tế tư nhân gắn với hợp tác quốc tế; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh.
Qua đó, giao Sở Tài chính, Cục Thống kê ba địa phương phối hợp cung cấp số liệu để tính toán ra các con số phù hợp, khả thi.

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.