Thiếu tài sản bảo đảm “ngáng chân” cơ hội kinh doanh
Là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, anh Nguyễn Hoàng (Công ty Xây dựng Việt Thuỷ – Hà Nội) cho biết từ ngày thành lập tới nay, vốn ngân hàng luôn ngoài tầm với đối với Việt Thuỷ.
“Chúng tôi là doanh nghiệp siêu nhỏ, ngay cả trụ sở văn phòng cũng đang phải thuê, tài sản chủ yếu là máy móc, thiết bị văn phòng và xe ôtô, ngoài ra chỉ có hồ sơ năng lực thể hiện trên giá trị các hợp đồng. Những gì chúng tôi có không đủ để làm tài sản bảo đảm khi vay vốn, chứ đừng nói đến vay với lãi suất thấp. Vì thế, từ nhiều năm nay, vốn vay ngân hàng của chúng tôi rất ít, còn lại phải huy động thêm từ anh em bạn bè người thân. Nhưng trong một số trường hợp, số vốn này cũng không đủ, nên chúng tôi không đủ điều kiện thực hiện dự án”, anh Hoàng chia sẻ.
Theo tính toán của anh Hoàng, do không có tài sản bảo đảm, nếu được vay vốn ngân hàng, thì cũng phải vay với lãi suất 12%/năm và hạn mức cũng rất thấp, còn nếu có tài sản bảo đảm, anh có thể vay vốn ngân hàng với mức ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức 6,5%/năm.

“Tính ra, nếu có tài sản bảo đảm, tôi có thể vay vốn với lãi suất chỉ bằng 1/2 hiện tại, đồng nghĩa với chi phí vốn của chúng tôi cũng sẽ giảm một nửa. Đây chính là lợi nhuận thực tế: đối với doanh nghiệp là cơ hội phát triển, cơ hội tăng thu nhập cho nhân viên, còn đối với ngân sách, lợi nhuận lớn hơn, thì chúng tôi cũng sẽ đóng thuế nhiều hơn – lợi cả đôi đường. Tuy nhiên, biết thế nhưng lực bất tòng tâm nên doanh nghiệp đành “mãi không chịu lớn”, anh Hoàng tính toán.
Thực tế, câu chuyện của Việt Thuỷ cũng là thực trạng của hàng nghìn, hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó tiếp cận vốn ngân hàng vì thiếu tài sản bảo đảm. Tại Hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp, câu chuyện khó vay vốn vì thiếu tài sản bảo đảm được rất nhiều doanh nghiệp phản ánh.
Ông Trịnh Xuân Anh, GĐ Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Kông Yang (huyện Kông Chro) cho biết: “Hợp tác xã đi vào hoạt động từ năm 2021 với 40 thành viên, chủ yếu là trồng cây ăn quả với hơn 76ha. Sản phẩm của Hợp tác xã không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước Trung Đông và Trung Quốc. Để phục vụ sản xuất kinh doanh, chúng tôi rất cần có nguồn vốn. Nhưng cũng như nhiều hợp tác xã khác, chúng tôi chưa thể tiếp cận được các nguồn vốn vay, nhất là các nguồn vay ưu đãi, do không có tài sản thế chấp”.
Không phải chỉ doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ, hợp tác xã, mà ngay cả doanh nghiệp với doanh thu hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ cũng “kêu ca” không vay được vốn vì thiếu tài sản đảm bảo. Ông Ngô Văn Khánh, TGĐ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang cho biết, ngân hàng luôn đòi hỏi tài sản thế chấp; dù công ty đã có bề dày lịch sử, doanh số xuất khẩu lên tới 50 triệu USD, nhưng vẫn khó vay tín chấp.
Tương tự, bà Đinh Thị Thu Hà – TGĐ Công ty CP Giải pháp công nghệ CNC cho biết, các dự án tiêu biểu của doanh nghiệp có tổng mức đầu tư gần 1.800 nghìn tỷ, trong đó vốn vay là 1.000 tỷ đồng, chiếm 55%. Hiện, tất cả các dự án đều được triển khai và đi vào hoạt động kinh doanh hiệu quả cao, tỷ lệ lấp đầy đạt tới 80%, đem lại doanh thu và dòng tiền tốt cho công ty. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cũng gặp phải một số vấn đề và thách thức liên quan đến việc tiếp cận vốn, trong đó có khó khăn vì thiếu tài sản bảo đảm.
Hay đến từ TP Hồ Chí Minh, đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng cho biết đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Do thời gian qua, các dự án bất động sản – xây dựng ở thành phố trong trạng thái “bất động”, nên để duy trì hoạt động, các doanh nghiệp nhỏ đều phải cầm cố tài sản bảo đảm nhằm có nguồn tài chính chi trả lương, vốn lưu động.
Thế nên, đến thời điểm này, doanh nghiệp muốn đầu tư mở rộng sản xuất nhưng không còn tài sản bảo đảm để vay vốn. Được biết, theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) năm 2024, có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Còn tại khảo sát mới công bố 2/2025, HUBA cũng công bố con số có tới 37% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang rơi vào tình trạng thiếu vốn kinh doanh. Trong khi đó, từ góc độ ngân hàng, đại diện VPBank thông tin có đến 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, mà lý do khiến các doanh nghiệp không được vay vốn là vì thiếu tài sản thế chấp.
Ngân hàng “đốt đuốc tìm khách”
Câu chuyện thiếu tài sản bảo đảm dẫn tới không thể vay vốn của doanh nghiệp không mới, và chính ngân hàng cũng “đau đầu” vì vấn đề này. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, năm 2025, sẽ có 2,5 triệu tỷ đồng phải được bơm ra nền kinh tế. Đây là áp lực lớn đối với ngân hàng, nên từ phía các nhà băng, họ cũng phải tìm mọi cách để “đốt đuốc tìm khách hàng”. Thế nhưng, việc cho vay vốn cũng không hề dễ.
Lãnh đạo các ngân hàng cho hay, các ngân hàng đang cạnh tranh giảm lãi suất cho vay rất thấp đối với các khoản vay mới để thu hút khách hàng tốt, thậm chí cho vay để trả nợ các ngân hàng khác. Việc các ngân hàng liên tục hạ lãi suất, tung ra các gói tín dụng hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng cũng chỉ mong tìm được khách hàng tốt có thể vay vốn. Thế nhưng, thiếu tài sản bảo đảm đang là vấn đề khó của ngân hàng.
“Tài sản bảo đảm là “lá chắn” của ngân hàng khi cho vay vốn. Các doanh nghiệp cần nhìn nhận ở góc độ ngân hàng khi cho vay, đặc biệt là cán bộ thẩm định, bởi những ràng buộc pháp lý, quy trình, trách nhiệm. Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có kế hoạch kinh doanh cụ thể, rõ ràng, không tính toán được đầu ra – đầu vào khiến ngân hàng gặp rủi ro cao nếu cho vay. Việc không có tài sản đảm bảo càng thu hẹp khả năng vay vốn của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đặt vấn đề.
Từ góc độ ngân hàng, ông Lý Anh Đào (Giám đốc SHB Gia Lai) cho biết, bên cạnh việc không có tài sản thế chấp thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng hầu hết là doanh nghiệp mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế, các tổ chức tín dụng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Thực tế, kể cả khi cho vay có tài sản bảo đảm nhưng chưa chắc đã là “đảm bảo”, vì hoạt động cho vay luôn tiền ẩn rủi ro, khách hàng vay vốn vì nhiều lý do không trả được nợ dẫn đến ngân hàng phải gồng mình vừa bù đắp cho khoản vay mà khách hàng không trả được theo hợp đồng tín dụng đã ký, vừa phải trả lãi tiền huy động từ tổ chức và người dân, dẫn đến hoạt động của ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Cho vay vừa bảo toàn được nguồn vốn, vừa bảo vệ được nghề nghiệp luôn là yếu tố sống còn không chỉ với ngân hàng mà còn đối với cán bộ tín dụng tại ngân hàng. Khi khách hàng đã không còn khả năng trả nợ thì mọi việc thu nợ đều trông chờ vào tài sản bảo đảm của khách hàng. Lúc này có thể nói tài sản bảo đảm được coi là cứu tinh duy nhất cho khoản vay có nguy cơ mất vốn của khách hàng tại ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tài sản bảo đảm nào đã được thế chấp tại ngân hàng cũng có thể xử lý được theo đúng quy định. Vì thế, nói tài sản bảo đảm cũng chưa chắc đã đảm bảo là vì thế”, chị Trang Hà, Agribank Đống Đa chia sẻ.
Thông cảm với áp lực của các cán bộ thẩm định của ngân hàng trong quá trình xác định tính khả thi của khả năng vay – trả của doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và cho biết hiện một số ngân hàng đã linh hoạt đưa ra các gói vay không tài sản đảm bảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay vẫn còn “dè dặt”, sợ trách nhiệm.
“Ngân hàng cần cởi bỏ sự cứng nhắc, nên linh hoạt trong khâu thẩm định hơn đối với các hình thức cho vay, chủ động hợp tác với doanh nghiệp để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn”, ông Nam nêu.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.