“Đầu nguồn” gồm 10 bài viết của những nhà cách mạng lão thành có thời gian dài làm việc bên Người: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (Những lần gặp Bác), Phó Chủ tịch Quốc hội – Thượng tướng Chu Văn Tấn (Một lòng theo Bác), Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (Mãi mãi nhớ ơn Người), Thiếu tướng Lê Quảng Ba (Bác Hồ về nước), Nhà ngoại giao Lê Tùng Sơn (Bác Hồ với kiều bào), Thứ trưởng Vũ Anh (Những ngày gần Bác)…

Nhà ngoại giao Cao Hồng Lãnh trong hồi ức “Mãi mãi đi theo con đường của Người” kể lại câu chuyện lãnh tụ Hồ Chí Minh gặp viên phi công người Mỹ tên là William Shaw bị pháo phòng không quân phát xít Nhật bắn, phải nhảy dù xuống Cao Bằng. William Shaw được người dân địa phương cứu giúp. Giữa nơi rừng núi, người dân tộc thiểu số không biết tiếng Anh, phi công rút giấy bạc biếu nhưng không ai nhận.
Đúng dịp ông Cao Hồng Lãnh xuống cơ quan báo Việt Nam độc lập ở Cao Bằng. Có một chút vốn tiếng Anh nên ông Lãnh đã trao đổi để phi công William Shaw yên tâm, đồng thời hứa sẽ cho anh ta gặp người thạo tiếng Anh. Điều này khiến cho phi công Mỹ hết sức háo hức, anh ta luôn luôn hỏi đã sắp gặp người thạo tiếng Anh chưa?
Đúng ngày hẹn, William Shaw gặp một người ngoài 50 tuổi, mặc quần áo cộc, khăn quàng, tay cầm gậy như người Nùng. Anh ta tưởng đây là người dân địa phương. Nhà ngoại giao Cao Hồng Lãnh kể:
“Bác bắt tay anh chào hỏi bằng tiếng Anh. Người phi công bất ngờ, sửng sốt, cảm động. Bác kéo người phi công ngồi bên cạnh nói chuyện niềm nở… Khi trở về, anh ta nói với tôi là không ngờ Ông Cụ lại nói tình hình thế giới nghe rõ quá, lại đối xử với tôi thân mật như cha tôi vậy…
Sau khi gặp Bác, người phi công rất phấn khởi. Mấy hôm sau càng phấn khởi hơn. Bác gọi chị em kiếm chỉ đỏ thêu chữ “greeting” (chào mừng) trên lụa nõn tặng cho William Shaw. Anh ta không ngờ giữa nơi rừng núi này lại có một ông cụ thạo tiếng Anh và lại đối đãi thân mật, lịch sự đến mức ấy. Hôm sắp ra đi, Bác gọi tôi đến, đưa cho tôi một bản tổ chức và hoạt động của Việt Minh do Bác viết bằng tiếng Anh để đưa cho William Shaw”.
Vụ trưởng Vụ Lễ tân (Bộ Ngoại giao) Vũ Đình Huỳnh – thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1945 – 1946 chia sẻ về việc tổ chức sinh nhật Bác lần đầu tiên (19/5/1946) trong hồi ký “Tháng Tám cờ bay” thật đặc biệt.
“Sáng 18 tháng 5, Bác bước vào phòng tôi, bảo:
– Này, chú thông báo cho các vị trong Chính phủ biết ngày mai sinh nhật tôi. Đừng quên gọi các cháu thiếu nhi đến chơi với tôi nhé!
Tôi sửng sốt nhìn Bác. Con người rất mực khiêm tốn, thế mà đùng đùng chỉ thị cho tôi tổ chức sinh nhật của chính mình? Tôi toan hỏi Bác, nhưng Bác đã quay ra. Dừng lại ở cửa, Bác dặn thêm:
– Báo cho các anh ở Trung ương và các đoàn thể biết luôn mai kỷ niệm sinh nhật tôi”.
Thư ký Vũ Đình Huỳnh liền gọi điện thoại (thời đó gọi là dây nói) đi các nơi bàn về việc tổ chức sinh nhật Chủ tịch Chính phủ. Những nơi cần báo mà không có điện thoại, ông cử người đi đến tận nơi thông báo. Nghe xong, mọi người đều cằn nhằn “nước đến chân mới nhảy”. Thậm chí, Tổng Bí thư Trường Chinh còn cho rằng ông Vũ Đình Huỳnh đã được biết sinh nhật Bác mà không nói trước.
“Hôm sau, cả Hà Nội sáng lên màu cờ, biểu ngữ nói lên ý chí giành độc lập và chúc mừng Bác – Ông Vũ Đình Huỳnh kể tiếp trong hồi ký – Nhìn ra ngoài đường, tôi thấy anh em thợ điện tíu tít bắc thang chăng đèn kết hoa. Lễ mừng sinh nhật Bác được tổ chức vào tối hôm đó, tại Bắc Bộ Phủ. Không khí ngày hội chảy tràn trên phố phường, tới tận hang cùng ngõ hẻm. Từng đoàn người tuần hành trên các đường trung tâm hô vang khẩu hiệu chúc thọ Bác và các khẩu hiệu cách mạng khác. Các cháu thiếu nhi ăn mặc quần áo đẹp, gõ trống ếch ca hát quanh Bắc Bộ Phủ”.
Thật ra không phải Bác Hồ tổ chức sinh nhật cho mình. Tối hôm đó, ông Vũ Đình Huỳnh đón tiếp Cao uỷ từ Hải Phòng lên và Đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội, ông Sainteny sang. Lúc này, quan hệ Việt – Pháp đang căng thẳng, nếu họ đến mà không có sự đón tiếp nồng nhiệt thì chẳng ra sao, mà nếu phải đón tiếp họ tưng bừng thì thể hiện Chính phủ Việt Nam lép vế. Vậy nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến cuộc thăm viếng xã giao thành cuộc chúc mừng sinh nhật của mình.
“Điều mà tôi tin là đối với Bác, ngày sinh của mình cũng phải là một ngày phục vụ lợi ích của cách mạng” – người thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.