Dân số là “kim chỉ nam” đề xuất số lượng đại biểu HĐND cấp xã: Công bằng và hiệu quả!

ĐềXuấtĐạiBiểu #HĐNDCấpXã #PhânCấpQuyềnLực #ChínhQuyềnGầnDân

Chính quyền cấp xã phải gần dân, sát dân

Tham gia thảo luận ở tổ chiều 7/5, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (bỏ cấp huyện).

Đại biểu Quốc hội: Căn cứ vào số dân để đề xuất số lượng đại biểu HĐND cấp xã phù hợp ảnh 1

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên). (Ảnh: BÙI GIANG)

Liên quan tới quy định Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, đại biểu đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật vì chính quyền cấp xã phải gần dân, sát dân nên UBND cấp xã cần trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

“Nếu thực hiện phân cấp cho cơ quan chuyên môn thì các cơ quan chuyên môn mới là chủ thể chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Việc này có thể lại tạo ra cấp trung gian trong giải quyết công việc tại cấp chính quyền cơ sở”, đại biểu Yên nêu quan điểm.

Đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung quy định trong trường hợp sau khi cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện phân cấp nhưng xét thấy chủ thể được phân cấp không bảo đảm năng lực thực hiện thì có thể tạm thời thu hồi lại thẩm quyền đã phân cấp để trực tiếp thực hiện.

Đối với nhiệm vụ đã được ủy quyền cho chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu cơ chế linh hoạt nhằm tạo điều kiện cho chính quyền địa phương cấp xã có thể đề xuất với cấp có thẩm quyền nếu thấy không đủ năng lực, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Về lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã, theo đại biểu Yên, trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, các đơn vị hành chính cấp xã được mở rộng hơn về quy mô so với trước, việc bổ sung quy định cho phép HĐND cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức danh do HĐND bầu là phù hợp để tăng cường vai trò giám sát của cơ quan này.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo ở cấp xã.

Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn cũng không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã. Vì vậy, vấn đề này cần được báo cáo để cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đại biểu Quốc hội: Căn cứ vào số dân để đề xuất số lượng đại biểu HĐND cấp xã phù hợp ảnh 2

Quang cảnh một phiên thảo luận tổ chiều 7/5. (Ảnh: BÙI GIANG)

Về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tính toán, thuyết minh cụ thể hơn về lý do, cơ sở của việc đề xuất số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã như trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, việc đề xuất số lượng đại biểu HĐND cũng cần bảo đảm tương quan giữa các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp và các đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu đoàn Điện Biên đề nghị nên căn cứ vào số dân để đề xuất số lượng đại biểu HĐND cấp xã phù hợp với thực tiễn của từng địa phương và bảo đảm sự công bằng.

Thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh trong bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của cấp xã

Tại khoản 4, Điều 11 của dự thảo luật, một quy định mới được bổ sung, cho phép Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) cho rằng quy định này phù hợp, bởi khi không còn chính quyền cấp huyện, phần lớn nhiệm vụ và quyền hạn của cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã. Với mô hình tổ chức mới, cấp xã được tăng thẩm quyền và bộ máy để đảm đương các nhiệm vụ, đặc biệt là giải quyết các vấn đề trực tiếp liên quan đến người dân và cơ sở.

Trong khi đó, cấp tỉnh tập trung quản lý các vấn đề vĩ mô, điều phối, phân bổ nguồn lực, hỗ trợ, giám sát, và thúc đẩy cấp xã thực hiện nhiệm vụ, chỉ can thiệp trực tiếp vào các vấn đề liên quan đến nhiều đơn vị hành chính cấp xã hoặc yêu cầu chuyên môn cao.

Đại biểu Quốc hội: Căn cứ vào số dân để đề xuất số lượng đại biểu HĐND cấp xã phù hợp ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội). (Ảnh: BÙI GIANG)

Tuy nhiên, theo đại biểu Thủy, quy định “trong trường hợp cần thiết” còn chung chung, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc theo dõi, đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ của cấp xã. “Với mô hình chính quyền cấp xã mới, nhiệm vụ tăng lên đáng kể, trong khi bộ máy còn mới và năng lực, trình độ giữa các địa phương chưa đồng đều. Một số nơi có thể thực hiện tốt, nhưng một số nơi khác gặp khó khăn. Trong giai đoạn kiện toàn, củng cố, và nâng cao năng lực cho cấp xã, cần có cơ chế tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu quan điểm.

Theo đó, cấp tỉnh có thể cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ, cung cấp hướng dẫn cụ thể, hoặc tiếp nhận nhiệm vụ nếu cấp xã không đủ khả năng. Điều này bảo đảm quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công được thông suốt, liên tục, và ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động của người dân và xã hội. Đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định để làm rõ hơn trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc giám sát và hỗ trợ cấp xã.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cũng đồng tình việc dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong trực tiếp chỉ đạo, điều hành giải quyết vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn trong trường hợp cần thiết, nhất là khi UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm tính linh động trong giải quyết vấn đề phát sinh khi bộ máy chính quyền mới được đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể hơn nữa về “trường hợp cần thiết”, tránh tình trạng tùy nghi khi áp dụng, cũng để thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh trong bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của cấp xã.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cũng cho rằng cần làm rõ vấn đề này để tránh tình trạng lạm quyền, can thiệp không cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cấp nào làm cấp đó chịu trách nhiệm tránh tình trạng “phân cấp, phân quyền nhưng vẫn phải đi xin ý kiến”.


Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.

Gửi phản hồi

[analytify-views]
💥 Không tìm thấy hàm Analytify!

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc