Sáng 8-5, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 chính thức bế mạc ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM. Dự sự kiện quan trọng này có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung…
Kim chỉ nam
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã trình bày báo cáo tổng kết Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.
Theo đó, Đại lễ Vesak 2025 không chỉ là lễ hội tôn giáo quốc tế mà còn là thông điệp về “hòa bình bắt đầu từ chuyển hóa nội tâm”, từ bi và trí tuệ. Thượng tọa Thích Nhật Từ thông tin Đại lễ thành công trên cả 4 phương diện trọng tâm: tâm linh, văn hóa, học thuật và cầu nguyện hòa bình thế giới. Qua đó, khẳng định hiệu quả phối hợp giữa Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (ICDV) và các cấp lãnh đạo Việt Nam, tạo “di sản sống” về hòa bình và trí tuệ cho thế hệ mai sau.
Hòa thượng, GS-TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch ICDV, nhận xét Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 diễn ra thành công tốt đẹp, mang đến ấn tượng tốt đối với các đại biểu, quan khách quốc tế. Sự kiện này còn thể hiện được thiện chí, tinh thần nghiêm túc trong việc đăng cai tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm nay một lần nữa khẳng định trong giáo lý của Phật giáo, đoàn kết và bao dung là hai yếu tố cốt lõi thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và hướng đến hạnh phúc an lạc chung của cộng đồng, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc.
“Đoàn kết và bao dung không chỉ là học thuyết đạo đức Phật giáo mà còn là kim chỉ nam cho những suy nghĩ, lời nói và hành động của con người để xây dựng xã hội an hòa, ít xung đột, tràn ngập thương yêu” – Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nhấn mạnh.

Các đại biểu dự lễ bế mạc Vesak Liên hợp quốc 2025. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông điệp mạnh mẽ
Tại lễ bế mạc, ICDV đã công bố Tuyên bố chung. Đây là hồi đáp của Phật giáo đối với các thách thức cấp bách của thế giới, dựa trên các nguyên tắc bất bạo động, bao dung vì nhân phẩm con người.
Theo Tuyên bố chung, những đại biểu tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tái khẳng định cam kết không lay chuyển trong việc vận dụng trí tuệ Phật giáo, trách nhiệm đạo đức và hành động tập thể để mang lại hòa bình thế giới, bảo vệ phẩm giá con người và duy trì sự an lạc cho hành tinh.
Thông qua Tuyên bố chung, các đại biểu kêu gọi mọi quốc gia ưu tiên các chính sách hòa bình, phát triển bền vững về môi trường và công bằng kinh tế, thay vì chạy đua quân sự và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức.
Các đại biểu đồng thời kêu gọi những tổ chức toàn cầu áp dụng nguyên lý đạo đức Phật giáo trong quản trị, ngoại giao và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế công nhận trí tuệ Phật giáo như nguồn tài nguyên thiết yếu trong giải quyết xung đột và đạo đức toàn cầu.
Tuyên bố chung kêu gọi cộng đồng Phật giáo quốc tế tham gia các nỗ lực hợp tác nhằm định hình lãnh đạo đạo đức, công bằng kinh tế và chữa lành môi trường…

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được đánh giá thành công tốt đẹp. Ảnh: ĐĂNG HUY
Nhịp cầu gắn kết
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm nay được tổ chức hết sức trọng thể, tôn nghiêm và là dịp để Phật tử khắp thế giới cùng nhau kết nối tâm linh, hun đúc tinh thần đoàn kết và phát huy các giá trị cao đẹp của Phật giáo.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, những ngày qua, tinh hoa tư tưởng, trí tuệ và lòng từ bi của Phật giáo lan tỏa sâu rộng, trở thành nhịp cầu gắn kết các dân tộc, tôn giáo và các nền văn hóa với nhau. Thành công của Đại lễ tiếp tục khẳng định trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước những vấn đề mang tính toàn cầu. Đây là nguồn cảm hứng lớn lao, đánh thức niềm tin và khơi dậy năng lượng thiện lành trong mỗi con người.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 còn khẳng định các giá trị cốt lõi của Phật giáo như lòng từ bi, chánh niệm và đạo đức; có khả năng chỉ rõ con đường hiệu quả, bền vững để giải quyết những vấn đề, thách thức toàn cầu hiện nay. Sự kiện này còn là lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế để kiến tạo một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững vì lợi ích chung của toàn nhân loại.
Thành công của Đại lễ khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của đất nước, con người Việt Nam. Đó là truyền thống văn hóa hòa hiếu, từ bi, hướng thiện, yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam; chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng và sự thực thi hiệu quả trên thực tế; kết quả chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
“Qua sự kiện này đã khẳng định vị thế, uy tín quốc tế và trách nhiệm chủ động của Việt Nam trong việc tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu” – ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Chủ tịch ICDV cho rằng dù thời gian diễn ra Đại lễ Vesak khá ngắn, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những góc nhìn, hiểu biết… làm sáng lên tinh thần cốt lõi trong giáo lý của Đức Phật nhằm hướng nhân loại đến hạnh phúc, an lạc và hòa bình.
Dấu ấn đẹp
10 giờ sáng 8-5 tại chùa Thanh Tâm, huyện Bình Chánh, TP HCM, dù nghi thức chiêm bái xá lợi Đức Phật đã kết thúc để bảo vật được tôn trí tại Tây Ninh nhưng vẫn có rất đông người dân, Phật tử tới chùa. Nhiều người cho biết không đặt nặng việc phải tận mắt nhìn thấy xá lợi, chỉ cảm nhận ở gần nguồn năng lượng thiêng liêng từ Đức Phật đã là điều vô cùng ý nghĩa. Trước, trong và sau lễ chiêm bái, Ban Tổ chức Đại lễ Vesak tại chùa đã chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện phục vụ người dân…
Theo UBND huyện Bình Chánh, Đại lễ Vesak 2025 không chỉ tôn vinh giá trị nhân văn và hòa bình mà còn là dịp thể hiện văn hóa, con người và sự phát triển của địa phương. Với sự chuẩn bị cẩn thận và lòng tự hào dân tộc, Bình Chánh khẳng định là điểm đến an toàn, thân thiện, để lại dấu ấn đẹp trong lòng người dân cũng như du khách.
Ái My
Lan tỏa hình ảnh đất nước
Chiều 8-5, hơn 1.200 đại biểu đến từ hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 800 đại biểu trong nước thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), GHPGVN tỉnh Tây Ninh và các lãnh đạo tỉnh, ngành đã thực hiện nghi thức cung rước xá lợi Đức Phật từ TP HCM và tham dự các nghi thức trang trọng tại núi Bà Đen.
Sau nghi lễ tôn trí xá lợi Đức Phật, lễ trồng 108 cây bồ đề được cử hành tại Thế giới Bồ Đề Viên trên đỉnh núi Bà Đen bởi các cao tăng và lãnh đạo các phái đoàn Phật giáo trên thế giới. Tiếp đó, các đại biểu tham dự nghi lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình thế giới tại quảng trường Tây Bổ Đà Sơn – nơi các cao tăng và các chư tôn giáo phẩm từ khắp toàn cầu cùng thắp lên những ngọn nến biểu trưng cho ánh sáng trí tuệ, từ bi và cầu nguyện về một thế giới hòa bình, an lạc.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ tôn trí xá lợi Đức Phật. Ảnh: SỸ HƯNG
Tại sự kiện này, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh những hoạt động thiết thực tại núi Bà Đen thể hiện lòng thành kính của các Phật tử đối với Đức Phật, góp phần lan tỏa thông điệp về lòng từ bi, đoàn kết, tình thương và khát vọng hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại. Sự kiện này giúp đưa núi Bà Đen thành điểm đến hành hương của thế giới và góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
S.Hưng
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.