Là doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi từ mô hình lâm trường năm 2011, công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Phù Yên gặp khá nhiều khó khăn, hạn chế về tài chính, kỹ thuật, nhân lực…, bởi sản phẩm thu từ rừng có giá trị thấp, chi phí trồng rừng và khai thác rừng lại cao.

Ông Kim Văn Tĩnh, Giám đốc công ty cho biết, công ty đang quản lý gần 8.100ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó khoảng 7.200ha đất và rừng phòng hộ, còn lại là đất và rừng sản xuất. Nhiệm vụ chủ yếu là trồng rừng, bảo vệ rừng, kinh doanh, khai thác chế biến lâm sản, và một số nhiệm vụ khác về lâm sinh.
Hai nguồn thu cơ bản gồm phí dịch vụ môi trường rừng và thu từ đầu tư trồng rừng, khai thác sản phẩm nông lâm nghiệp trên diện tích rừng được giao quản lý.
Thế nhưng hàng năm, nguồn thu từ phí dịch vụ môi trường rừng còn khiêm tốn. Theo quy định, diện tích rừng thuộc lưu vực nào thì được hưởng mức phí theo lưu vực đó.
2/3 diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất do công ty quản lý là rừng tự nhiên thuộc về lưu vực sông Hồng, không được nhận đồng nào từ phí dịch vụ môi trường rừng do lưu vực này không có thủy điện.
Còn 1/3 diện tích thuộc lưu vực sông Đà, đơn giá chi trả cũng rất thấp, chỉ khoảng 200 nghìn đồng/ha, vì chỉ được duy nhất thủy điện Hòa Bình chi trả phí dịch vụ môi trường rừng. Trong khi đó, nhiều khu vực trên thượng nguồn, có nhiều thủy điện khai thác, chi trả cộng dồn lên tới khoảng 1 triệu đồng/ha.

Nguồn thu từ đầu tư trồng rừng cũng chưa đủ bù chi. Đối với rừng sản xuất, công ty sẵn sàng bỏ vốn đầu tư chăm sóc, hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh, sau này sẽ có nguồn thu từ khai thác gỗ. Nhưng với rừng phòng hộ, công ty không được phép khai thác mặc dù vẫn đầu tư kinh phí và nhân lực để chăm sóc, bảo vệ.
“Về nguyên tắc, nhà nước giao rừng thì công ty chủ rừng phải có trách nhiệm bảo vệ, không có nguồn kinh phí hỗ trợ thì phải tự bố trí kinh phí. Trồng rừng phải 5-7 năm sau, thậm chí 8-10 năm sau mới có thành quả. Công ty phải linh hoạt nhận thêm nhiều công việc khác để nuôi bộ máy trong thời gian chờ đợi tới ngày ‘hái quả’, chẳng hạn như thiết kế trồng rừng, lập quy hoạch rừng, thực hiện một số dự án lâm sinh cho huyện… Lương của anh em hiện chỉ ở mức 1,8 triệu đồng/tháng”, ông Tĩnh chia sẻ tâm tư.
Bớt nỗi lo nhờ có “bạn đồng hành”
Năm 2021, nhờ sự đề xuất, giới thiệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cùng Chi cục Kiểm lâm, nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La, công ty lâm nghiệp Phù Yên được chọn tham gia dự án Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM2) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, với vai trò đơn vị chủ rừng.

Theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2016 và Nghị định số 156 thi hành hướng dẫn Luật Lâm nghiệp, công ty phải lập phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Phương án gồm rất nhiều hạng mục, không chỉ xây dựng đánh giá rừng mà còn cả đánh giá độ đa dạng sinh học, bảo tồn động thực vật, các nguồn gen, các kế hoạch sản xuất, diễn biến rừng…
Để thực hiện những nội dung này, cần các chuyên gia chuyên sâu về từng lĩnh vực. Chẳng hạn, muốn theo dõi độ đa dạng sinh học, các loài động vật…, chuyên gia tư vấn phải nằm trong rừng hàng chục ngày, sử dụng các thiết bị theo dõi hình ảnh, lưới, võng để đo thì mới có số liệu để tổng hợp, đưa vào phương án cụ thể.
“Đơn giá xây dựng phương án ước tính trên dưới 1 tỷ đồng. Nếu không có sự hỗ trợ của dự án SNRM2, công ty không thể làm được”, ông Tĩnh thẳng thắn nhìn nhận.
Sau khi lập xong phương án, dự án SNRM2 đồng hành hỗ trợ công ty trang thiết bị, công cụ, dụng cụ phòng cháy chữa cháy; thiết bị GPS, ống nhòm… để theo dõi diễn biến rừng, cập nhật diễn biến rừng hàng năm và một số trang thiết bị bảo hộ lao động phục vụ lực lượng bảo vệ tuần tra, canh gác rừng…
Đến năm 2023-2024, dự án SNRM2 tiếp tục hỗ trợ công ty triển khai một số mô hình như trồng 5ha cây sa nhân dưới tán rừng, trồng 7,5ha rừng phòng hộ và 5ha rừng sản xuất với loại cây bạch đàn cấy mô (cây gỗ lớn, không kén đất, giá trị kinh tế cao).
Trong giai đoạn cây bạch đàn chưa khép tán, công ty để cho các hộ dân xung quanh diện tích rừng tranh thủ trồng một số loài cây nông nghiệp như ngô, lạc… bên dưới, vừa đỡ công làm cỏ, vừa tạo thêm thu nhập cho bà con.
“Tới giờ, rừng phòng hộ đã được 1 năm tuổi, sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây sống tương đối cao so với quy định. Chúng tôi dự định sắp tới mỗi năm sẽ trồng thêm 30-50ha rừng sản xuất”, ông Tĩnh thông tin thêm.

“Với mô hình trồng cây sa nhân, chúng tôi hy vọng thời gian tới công ty lâm nghiệp Phù Yên có thể tạo thêm nguồn thu để bù đắp phần nào khoản chi lương cho cán bộ nhân viên, chi cho các hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ. Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp công ty nâng cao năng lực kỹ thuật để đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn”, ông Baku Takahashi, Cố vấn trưởng dự án SNRM2 cho hay.
Ông Trần Dũng Tiến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La đánh giá cao kết quả dự án SRM2 đem lại cho địa phương.
Cái được lớn nhất, theo ông, là hình thành mô hình 3 bên nhà tài trợ – chủ rừng – người dân cùng tham gia công tác trồng rừng, cùng tham gia quản lý bảo vệ rừng và thụ hưởng các thành quả từ quá trình hợp tác đó. Thứ hai là góp phần làm thay đổi nhận thức của chủ rừng và người dân tham gia dự án trong việc trồng rừng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng.

Chuyển từ rừng trồng kinh tế ngắn ngày sang rừng gỗ lớn dài ngày là giải pháp nhằm nâng cao giá trị rừng trồng và thu nhập cho người dân, phù hợp với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường cũng như phát triển rừng bền vững…

Quảng Bình chọn hướng phát triển rừng theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị gia tăng theo chủ trương của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đỉnh núi ở Sơn La được nhiều du khách lựa chọn chinh phục vào mùa đông nhờ cung leo vừa sức, khung cảnh ấn tượng với rừng nguyên sinh đầy ma mị và dễ săn mây, dải ngân hà.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.