TPO – Làn sóng chống tham nhũng tiếp tục lan rộng trong giới văn nghệ Trung Quốc, khi liên tiếp nhiều nghệ sĩ cấp quốc gia và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật bị bắt giữ, điều tra vì cáo buộc tham ô, nhận hối lộ. Giới chuyên gia nhận định đây là lĩnh vực nhạy cảm, khép kín, dễ phát sinh lợi ích nhóm và tham nhũng tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nghệ thuật và đời sống tinh thần xã hội.
Làn sóng chống tham nhũng lan tới giới văn nghệ
Theo thông báo từ cơ quan chức năng Trung Quốc ngày 21/5, Trần Lệ Vân – nghệ sĩ cấp quốc gia, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nghệ thuật Ninh Hạ – đã bị bắt giữ với cáo buộc tham ô và nhận hối lộ. Trước đó chỉ vài ngày, cấp trên của bà là ông Phạm Tấn Quốc, nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn này, cũng đã bị bắt với cáo buộc tương tự.
Trần Lệ Vân sinh tháng 5/1968 tại Ngân Xuyên, Ninh Hạ. Bà là nghệ sĩ cấp quốc gia, từng đảm nhiệm nhiều vị trí như Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Ninh Hạ, Bí thư Chi bộ kiêm Viện trưởng Viện Ca vũ kịch thuộc Tập đoàn Nghệ thuật Ninh Hạ. Bà bị điều tra từ ngày 6/12/2024.
![]() |
Nghệ sĩ Trần Lệ Vân, cựu lãnh đạo Tập đoàn Nghệ thuật Ninh Hạ, Trung Quốc bị bắt vì cáo buộc tham ô, nhận hối lộ. |
Theo Ntdtv, trong những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ mang danh hiệu “nghệ sĩ cấp quốc gia” của Trung Quốc đã bị điều tra vì liên quan đến sai phạm.
Trong đó có ông Vương Hồng Tinh, Phó Viện trưởng Học viện Nghệ thuật Vân Nam, ca sĩ opera nổi tiếng, bị điều tra từ tháng 3/2017. Năm 2022, ông Trần Triệu Thuận, Bí thư Chi bộ kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Hoàng Mai hí (một loại hí kịch địa phương – PV) tại An Khánh, An Huy, cũng bị xử lý kỷ luật.
Ngoài ra, trường hợp của ông Tô Hiếu Lâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Cam Túc, nguyên Tham mưu trưởng Chính phủ tỉnh, cũng gây nhiều chú ý. Tháng 8/2023, ông bị khai trừ khỏi Đảng vì kết bè kết phái và xây dựng thế lực cá nhân. Trước thời điểm này, việc ông bị điều tra chưa từng được công bố công khai.
Legal Daily cho hay kể từ sau đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc, hàng loạt cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực văn nghệ đã bị điều tra, như ông Phạm Tấn Quốc – nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Nghệ thuật Ninh Hạ, ông Đổng Thân Học – nguyên Bí thư Đảng ủy Học viện Âm nhạc Thẩm Dương…
Ông Trang Đức Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách công Đại học Bắc Kinh, nhận định việc cùng lúc công bố ba trường hợp lãnh đạo giới văn nghệ bị điều tra là điều gây chấn động. Điều này cho thấy Trung Quốc đang quyết liệt xử lý vấn nạn tham nhũng trong giới nghệ thuật, nhằm loại bỏ “khối u ác tính” và làm sạch môi trường phát triển của văn nghệ.
Giới chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng bắt tay xử lý nạn tham nhũng trong giới văn nghệ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc lĩnh vực này sẽ đối diện với chế độ giám sát và kỷ luật nghiêm ngặt hơn.
Tham nhũng trong giới văn nghệ mang tính chất đặc thù
Ông Tô Hiếu Lâm, sinh năm 1958, từng là nghệ sĩ cấp quốc gia, ca sĩ nam giọng nam cao, nổi tiếng với nhiều tác phẩm như kịch thi ca Tây xuất dương quan, vũ kịch Giấc mộng Đôn Hoàng…
Sau khi nghỉ hưu tháng 4/2021, ông Tô Hiếu Lâm bị khai trừ Đảng vào tháng 8/2023. Theo thông báo khi đó, ông bị cáo buộc “vô kỷ luật, phản bội sứ mệnh ban đầu”, vi phạm nghiêm trọng quy định về tổ chức, giúp đỡ người thân và mối quan hệ đặc biệt trong tuyển dụng, lợi dụng chức vụ để trục lợi…
![]() |
Ca sĩ Tô Hiếu Lâm – Phó Chủ tịch Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Cam Túc – bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vì kết bè kết phái và xây dựng thế lực cá nhân. |
Qua tổng hợp thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, có thể thấy tham nhũng trong văn nghệ có nhiều điểm tương đồng với các lĩnh vực khác. Ví dụ, ông Đổng Thân Học bị cáo buộc vi phạm nguyên tắc tổ chức, thao túng nhân sự, ông Vương Tú Minh bị tố lợi dụng chức vụ để can thiệp các dự án xây dựng, nhận hối lộ lớn…
Ông Trang Đức Thủy chỉ gia tham nhũng trong giới văn nghệ có những đặc thù riêng, điển hình là lợi dụng tài nguyên, quyền lực văn nghệ hoặc hệ thống thi cử, chứng chỉ nghệ thuật để trục lợi.
Chuyên gia chỉ ra hai nguyên nhân khiến tham nhũng trong giới văn nghệ dễ xảy ra và nguy hiểm hơn lĩnh vực khác: “Thứ nhất, môi trường nghệ thuật khá khép kín, nguồn lực tập trung vào một số ít người nên dễ tạo nhóm lợi ích. Thứ hai, quyền lực trong nghệ thuật vốn là quyền công nhưng lại thiếu cơ chế giám sát hiệu quả. Tham nhũng trong lĩnh vực này đặc biệt nguy hại vì làm lệch chuẩn giá trị và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần xã hội”, ông nhận định.
Một chuyên gia khác cho biết các hình thức tham nhũng trong văn nghệ rất khó nhận biết. Công chúng chủ yếu tiếp cận giới văn nghệ thông qua các sản phẩm nghệ thuật được trình diễn, ít ai biết rõ cơ chế vận hành phía sau. Các hiện tượng tiêu cực thường bị ngụy trang bằng khái niệm “luật ngầm”.
“Hệ thống quản lý cũng tồn tại nhiều lỗ hổng. Các cá nhân có quyền lực cao trong ngành nghệ thuật thường dễ lợi dụng vị thế và uy tín để trục lợi”, chuyên gia nói.




Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.