Chỉ cần cú click chuột, người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt mua thuốc ho, vitamin, sữa hoặc các sản phẩm chăm sóc sức khỏe mang đến tận nhà. Song chính sự dễ dàng này cũng đặt ra nhiều hệ lụy rủi ro tiềm ẩn, tiền mất tật mang.
Những vụ thuốc giả, sữa giả rúng động bị phát hiện mới đây là hồi chuông cảnh báo cho thói quen mua sắm y tế thiếu kiểm chứng trên mạng. Trong vụ đường dây thuốc giả quy mô cực lớn bị phanh phui mới đây, có nhiều loại giả y hệt nhãn mác thuốc thật. Chưa kể hàng loạt loại thuốc không có trong danh mục lưu hành nhưng vẫn bày bán tràn lan trên mạng.
Một nữ nhân viên văn phòng chia sẻ thường xuyên mua thực phẩm chức năng và thuốc ho online vì giá rẻ, giao hàng nhanh. Sau vụ bát nháo nói trên dù có chút do dự nhưng vẫn không bỏ thói quen mua hàng online với suy nghĩ “đọc kỹ, chọn shop uy tín, kiểm tra nhãn mác là yên tâm”.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, chính cảm giác an toàn này lại tiềm ẩn lợi bất cập hại. Hàng giả ngày nay không chỉ nhái bao bì mà còn được quảng cáo dưới danh nghĩa chuyên gia, bác sĩ, thậm chí cắt ghép hình ảnh chứng chỉ, bệnh viện để tăng độ tin cậy. Nhiều sản phẩm tự xưng là thuốc điều trị nhưng thực chất chỉ là thực phẩm chức năng, chưa được kiểm định, chưa kể chứa chất cấm gây hại nếu sử dụng lâu dài. Người tiêu dùng nếu không tỉnh táo rất dễ bị đánh lừa bởi những lời quảng cáo “có cánh” như “giảm cân cấp tốc”, “tăng đề kháng trong 3 ngày”, “điều trị khỏi hẳn” – những cụm từ tuyệt đối không được phép sử dụng trong truyền thông y tế.
Bên cạnh thuốc và thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cũng cần đặc biệt cảnh giác với các sản phẩm sữa, nhất là loại được quảng cáo là sữa “xách tay” hay các sản phẩm sữa được bổ sung các thành phần đặc biệt. Nhiều sản phẩm sữa hiện nay được gắn mác bổ sung thảo dược quý, hạt dinh dưỡng đắt tiền nhằm đánh vào tâm lý chuộng hàng cao cấp, bồi bổ. Đây chỉ là chiêu trò marketing, thành phần thực tế thì không đáng kể, không đủ hàm lượng như quảng cáo, thậm chí chỉ là hương liệu.
Để tránh mua phải thuốc, thực phẩm chức năng giả hoặc kém chất lượng, người dân cần ghi nhớ một số nguyên tắc: Chỉ mua thuốc qua các website, ứng dụng hoặc sàn thương mại điện tử đã được Bộ Y tế cho phép đặt hàng, tuyệt đối không mua qua các link lạ, tài khoản cá nhân, hội nhóm tự phát trên mạng. Với thuốc, người dân có thể tra cứu tên thuốc, số đăng ký, thành phần, nhà sản xuất và mẫu nhãn tại địa chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index. Với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có thể tra cứu thông tin sản phẩm đã công bố tại https://vfa.gov.vn hoặc https://dichvucong.moh.gov.vn.
Ngoài ra, khi nhận sản phẩm, cần kiểm tra kỹ nhãn mác: Tên, thành phần, công dụng, cảnh báo, ngày sản xuất, hạn dùng, địa chỉ nhà sản xuất phải rõ ràng và không có dấu hiệu tẩy xóa. Trường hợp có nghi ngờ, người mua nên liên hệ nhà thuốc uy tín hoặc cơ quan y tế để được xác minh. Mua sắm online không sai nhưng sai lầm là mua mà không tìm hiểu. Giữa ma trận bán đồ trên mạng, sự thông thái và cảnh giác là “lá chắn” duy nhất giúp người dân tự bảo vệ mình và gia đình tránh được vấn nạn rước họa vào thân.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.