(PLO)- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, đặc biệt cấp thiết đối với ngành Nông nghiệp và Môi trường.
Sáng nay (10-5), Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết Nghị quyết 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Bởi theo ông, chúng ta đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn như biến đổi khí hậu gay gắt hơn, tài nguyên suy giảm nhanh hơn, áp lực tăng trưởng xanh, phát thải thấp cao hơn.

Trong khi đó, những mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, vốn dựa vào lao động thủ công, đầu vào vật tư lớn đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
“Muốn thay đổi cục diện, muốn nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, muốn bảo vệ môi trường sống cho hôm nay và các thế hệ sau, chúng ta bắt buộc phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển” – Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Tiếp tục chia sẻ, tư lệnh ngành Nông nghiệp và Môi trường cho hay thời gian qua, ngành đã có nhiều nỗ lực, nhiều sáng kiến ứng dụng công nghệ. Từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh, đến giám sát môi trường bằng cảm biến, xây dựng bản đồ số, cơ sở dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng…

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận dù đây là những chuyển biến tích cực của ngành, nhưng để xác định “đột phá phát triển” như yêu cầu của Nghị quyết số 57 thì vẫn còn “rất nhiều việc phải làm”.
TS.Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết Nghị quyết 57 phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, đặt khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước.
Theo TS.Dũng, không có tổ chức hay quốc gia nào đạt được vị thế bền vững nếu không sở hữu nền khoa học công nghệ hiện đại. Nghị quyết 57 đã thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là cuộc cách mạng, trong đó nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, còn nhà khoa học là lực lượng chủ lực.
Đặc biệt, ông cho rằng việc từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ mở đường cho nhiều mô hình đổi mới hiệu quả.
“Mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh khoa học công nghệ hàng đầu là hoàn toàn khả thi nếu tận dụng tốt các cơ hội hiện có” – TS.Dũng nhận định.
Cùng quan điểm, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh trong bối cảnh ngành nông nghiệp đứng trước yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ để đáp ứng các xu thế mới của phát triển bền vững, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế… thì việc phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cam kết địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các sáng kiến, kết quả nghiên cứu, giải pháp đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đưa vào ứng dụng thực tiễn.
Từ đó, góp phần nâng cao năng lực nội sinh, sức cạnh tranh, đưa nông nghiệp Bắc Ninh phát triển hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết văn bản hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng ký một loạt văn bản hợp tác với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Đơn cử, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN ký với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc hợp tác phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững; phát triển ngành tôm giống chất lượng cao; ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ngành thủy sản…


Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.