(PLO)- Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, dữ liệu cá nhân không phải hàng hoá, việc cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác…
Sáng 24-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là dự luật được Bộ Công an chủ trì soạn thảo với nhiều quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền riêng tư trong thời đại số.
Kiểm soát chặt sản phẩm công nghệ tự thu thập dữ liệu
Góp ý dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) bày tỏ lo ngại về tình trạng người dân còn hạn chế nhận thức trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân khi sử dụng các thiết bị công nghệ như camera an ninh, thiết bị Internet vạn vật (IoT)…
“Hiện nay, nhiều sản phẩm công nghệ trôi nổi có khả năng tự động thu thập dữ liệu cá nhân ngoài sự kiểm soát của người dùng, hoặc yêu cầu truy cập không cần thiết. Dữ liệu sau đó có thể được lưu trữ, xử lý bởi các máy chủ đặt ở nước ngoài. Đây là điều người dùng khó kiểm soát”, bà Phước cảnh báo.

Đại biểu kiến nghị cần nâng cao nhận thức cộng đồng và siết chặt quản lý với các thiết bị, ứng dụng có khả năng thu thập dữ liệu, nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân.
Bà cũng dẫn số liệu từ cơ quan chức năng cho thấy hệ thống bảo mật của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện còn yếu, không đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu. Việc áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật gặp khó do thiếu nguồn lực. Do đó, đại biểu đề xuất Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo nhằm nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu trong doanh nghiệp.

Ở góc độ khác, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho rằng cần thiết phải phân loại dữ liệu cá nhân thành hai nhóm: dữ liệu cơ bản và dữ liệu nhạy cảm, trong đó nhóm nhạy cảm phải có cơ chế bảo vệ chặt chẽ hơn.
“Dữ liệu trong lĩnh vực y tế, tài chính, bảo hiểm, thông tin tín dụng… cần được xếp vào nhóm nhạy cảm để áp dụng cơ chế bảo vệ riêng biệt, phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, ông đề nghị chỉ nên quy định danh mục cụ thể đối với dữ liệu cá nhân nhạy cảm trong luật, tương tự cách làm của Nhật Bản, Trung Quốc. Phần còn lại có thể giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với thực tiễn.
Đề xuất cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa
Giải trình, làm rõ thêm ý kiến các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết, nhằm ứng phó với các nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng trong thời đại số. Theo đó, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại 1 kỳ họp.
Bộ trưởng Công an cho hay hiện đã có khoảng 150 nước trên thế giới có quy định về luật dữ liệu cá nhân. Trong bối cảnh chuyển đổi số sâu rộng, ảnh hưởng tới mỗi cá nhân trên không gian mạng, quyền nhân thân, quyền riêng tư và đối mặt nguy cơ xâm hại gia tăng sẽ đe dọa đến an ninh con người.
“Mục tiêu của luật phải điều chỉnh được các vấn đề xâm phạm dữ liệu cá nhân đang nhức nhối trong thực tiễn. Đồng thời cũng mang tính dự báo, bao quát các công nghệ mới để bảo vệ dữ liệu cá nhân toàn diện nhất”, ông nói.

Theo Bộ trưởng Công an, từ thực tiễn công tác đấu tranh với hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến dữ liệu cá nhân, trong đó có mua bán dữ liệu cá nhân.
Hiện nay, nhận thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhiều tổ chức, cá nhân còn hạn chế, tạo ra “vùng xám” trong bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền con người, quyền nhân thân riêng tư, không thể xem là hàng hóa, tài sản của của doanh nghiệp. Dữ liệu cá nhân là tài nguyên đặc biệt, yêu cầu khai thác phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất.
“Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác”, Bộ trưởng Công an nói và cho biết đây cũng là quan điểm phù hợp với thông lệ quốc tế, xác định ranh giới giữa sử dụng và định đoạt.
Theo ông, ưu tiên phát triển nhưng phải đi đôi với bảo vệ, thiết lập các cơ sở bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng không vi phạm các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bộ trưởng Công an cho hay trong các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với quy mô lớn mà Bộ Công an đấu tranh, triệt phá thời gian qua, yếu tố lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính khiến các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Trong đó, việc mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa diễn ra với số lượng dữ liệu rất lớn, bán nhiều lần cho nhiều đối tượng. Căn cứ vào đó, các đối tượng xây dựng kịch bản lừa đảo, tiếp cận nạn nhân chính xác dễ dàng.
Trong khi đó, nhiều tổ chức thiếu quy định, chính sách quản lý chưa chặt chẽ, phân quyền xử lý dữ liệu cá nhân khiến nhân viên lấy thông tin khách hàng với tính chính xác rất cao và cập nhật theo thời gian thực và bán cho các đối tượng lừa đảo.
“Đây cũng là vấn đề đã được nhiều đại biểu nêu về lừa đảo trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, điện lực, bảo hiểm và vận chuyển (ship) hàng. Chính phủ nhận thấy nếu không cấm buôn bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường và có chế tài xử lý nghiêm minh, sẽ phát sinh rất nhiều phương thức thủ đoạn để hình thành chợ đen về dữ liệu cá nhân gây hậu quả, thiệt hại rất lớn và nỗi bất an cho người dân”, Bộ trưởng Công an nêu.

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.