Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn về việc tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (viết tắt là dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013) đối với Trung ương các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành.

Việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 2013 diễn ra từ ngày 6-5, hoàn thành vào ngày 5-6
Cụ thể, từ ngày 6 đến 30-5, các cơ quan, tổ chức nêu trên tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013, bám sát các yêu cầu về đối tượng, hình thức lấy ý kiến, phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện theo Kế hoạch số 60 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013, trong đó tập trung góp ý vào các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9, Điều 10, khoản 1 Điều 84, Điều 110, khoản 2 Điều 111, khoản 2 Điều 112, khoản 1 Điều 114, khoản 2 Điều 115 Hiến pháp năm 2013, bám sát chủ trương và định hướng về phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Chậm nhất ngày 22-5, các đơn vị, tổ chức phải gửi báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (qua Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội) để tổng hợp chung.
Nội dung hướng dẫn cũng đề cập tới việc đếm các ý kiến khi tổng hợp. Các bên liên quan chỉ đếm các ý kiến từ các nguồn tổng hợp ý kiến bao gồm: Các ý kiến được thể hiện dưới hình thức văn bản (như thư, phiếu, báo cáo, văn bản góp ý và các dạng văn bản khác); các ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương các cấp.
Không đếm các ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm (biên bản hội nghị, hội thảo, tọa đàm là tài liệu tham khảo để cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương nghiên cứu và đưa ra quan điểm, ý kiến góp ý của mình).
Hướng dẫn cũng lưu ý không đếm ý kiến của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương (cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia góp ý bằng một trong các hình thức: Góp ý trên ứng dụng VNeID; góp ý trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội hoặc Cổng thông tin điện tử của Chính phủ; gửi văn bản góp ý đến hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức thành viên của Mặt trận).
Mỗi văn bản góp ý của tổ chức gửi trực tiếp đến cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương được tính là 1 ý kiến. Mỗi thư, văn bản góp ý của cá nhân được tính là 1 ý kiến. Trường hợp thư hoặc văn bản có nhiều người cùng đứng tên và ký tên thì đếm tổng số người góp ý đó (ví dụ có 3 người đứng tên và ký tên thì được tính là 3 ý kiến).
Nếu tổ chức phát phiếu lấy ý kiến thì mỗi phiếu được tính là 1 ý kiến. Báo cáo hoặc văn bản góp ý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, MTTQ các cấp thuộc cơ quan, tổ chức, Mặt trận địa phương:
Mỗi báo cáo, văn bản góp ý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, MTTQ các cấp thuộc cơ quan, tổ chức, Mặt trận địa phương, được tính là 1 ý kiến.
Mỗi cá nhân/tổ chức góp ý trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, địa phương, được tính là 1 ý kiến.
Trước đó, Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp đã công bố toàn văn dự thảo NQ sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến nhân dân kể từ ngày 6-5, hoàn thành vào ngày 5-6.
Việc tổ chức lấy ý kiến được yêu cầu phải tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Các ý kiến đóng góp phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc. Cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử QH, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.