Áp lực quốc tế đè nặng, Israel đối mặt với làn sóng chỉ trích vì chiến sự Dải Gaza

Áp_lực_quốc_tế #Chiến_sự_Dải_Gaza #Israel #Khủng_hoảng_nhân_đạo #Phương_Tây_lên_án

Các quốc gia phương Tây, bao gồm Anh, EU và Pháp, đang gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế lên Israel, phản đối mạnh mẽ chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Liệu Tel Aviv có thay đổi chiến lược trước sức ép ngày càng lớn?

Trước tình hình chiến sự Dải Gaza leo thang và khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng, các quốc gia phương Tây đồng loạt gia tăng áp lực lên Israel bằng những biện pháp ngoại giao và kinh tế mạnh.

Châu Âu gia tăng áp lực

Ngày 20-5, Anh cùng EU đồng loạt có những động thái mạnh, phản đối chiến dịch quân sự mà Tel Aviv đang tiến hành tại Dải Gaza. Theo đài CNN, loạt hành động mới từ London và Brussels đánh dấu bước chuyển rõ rệt trong thái độ của các đồng minh phương Tây đối với chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Phát biểu trước quốc hội Anh, Ngoại trưởng David Lammy tuyên bố London đã đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại với Israel, đồng thời lên án chiến dịch tấn công Dải Gaza là “vô đạo đức”. “Chúng tôi ủng hộ quyền tự vệ của Israel, nhưng những gì đang diễn ra tại Gaza đã bước sang một giai đoạn đen tối mới” – ông Lammy nói.

chiến sự Dải Gaza
Các chiến xa của Israel tập kết gần biên giới với Dải Gaza hồi tháng 3. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Lammy đặc biệt nhấn mạnh đến các hành động cưỡng ép di dời người dân Gaza của chính phủ Israel. “Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đang đẩy người dân Gaza vào một góc nhỏ ở phía nam dải đất, chỉ cấp cho họ lượng viện trợ tối thiểu. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động chống lại những kẻ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” – ông Lammy lưu ý.

Cùng với tuyên bố cứng rắn, Anh áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với 3 cá nhân và 4 tổ chức liên quan đến bạo lực của người định cư Israel và việc mở rộng các khu định cư trái phép ở Bờ Tây. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Anh cũng đã triệu tập Đại sứ Israel tại London – bà Tzipura Hotovely – để bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về cuộc tấn công Gaza và chính sách định cư gây tranh cãi.

Không dừng lại ở đó, EU cũng thể hiện lập trường ngày càng gay gắt. Trong cùng ngày, Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU – bà Kaja Kallas cho biết 17/27 nước thành viên EU đã bỏ phiếu ủng hộ việc xem xét lại Hiệp định Liên kết EU-Israel, viện dẫn hành động phong tỏa viện trợ nhân đạo của Israel vào Gaza là “không thể chấp nhận được”.

“Tình hình tại Dải Gaza đang vô cùng thảm khốc. Viện trợ được cho phép vào chỉ là muối bỏ bể. Chúng ta cần hành động khẩn cấp, viện trợ phải được chuyển đến không bị cản trở và với quy mô lớn” – bà Kallas trao đổi với báo giới.

Cùng quan điểm, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot xác nhận Paris đang thúc đẩy EU xem xét lại toàn bộ quan hệ thương mại với Israel và kêu gọi áp lệnh trừng phạt đối với các bộ trưởng trong chính phủ Netanyahu nếu Tel Aviv tiếp tục các hành vi bị cộng đồng quốc tế lên án.

Trước đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Mark Carney ra tuyên bố chung, cảnh báo sẽ có hành động cứng rắn nếu Israel không chấm dứt cuộc tấn công quân sự tại Dải Gaza, theo hãng tin AFP.

“Chúng tôi sẽ không đứng nhìn khi chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu theo đuổi những hành động vô cùng tồi tệ này. Nếu Israel không ngừng cuộc tấn công quân sự tại Dải Gaza và dỡ bỏ các hạn chế về viện trợ nhân đạo, chúng tôi sẽ có những hành động cứng rắn hơn nữa để đáp trả” – theo tuyên bố chung.

Phản ứng trước sự việc, Bộ Ngoại giao Israel ngày 20-5 gọi các lệnh trừng phạt của Anh đối với người định cư Israel là “khó hiểu, không có cơ sở và đặc biệt đáng tiếc” và nói rằng “sức ép từ bên ngoài sẽ không khiến Israel thay đổi con đường đấu tranh vì sự tồn tại và an ninh của mình”.

Israel cũng đã chỉ trích những tuyên bố của bà Kallas, cho rằng điều đó thể hiện “sự hiểu lầm về thực tế phức tạp mà Israel đang đối mặt”. Bộ Ngoại giao Israel cáo buộc EU “phớt lờ” sáng kiến do Mỹ hậu thuẫn nhằm gửi viện trợ vào Dải Gaza, cũng như quyết định của Israel trong việc cho phép một phần viện trợ được đưa vào vùng lãnh thổ này.

Loạt động thái cứng rắn từ phương Tây, đặc biệt việc ngưng đàm phán thương mại và áp đặt trừng phạt cụ thể, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa Israel với các đồng minh truyền thống. Giữa lúc chiến sự ở Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức ép ngoại giao và kinh tế có thể là những đòn bẩy quyết định nhằm buộc Tel Aviv phải thay đổi chiến lược.

Tình hình nhân đạo ngày càng đáng lo

Các động thái của châu Âu xuất phát từ mối lo ngại nhân đạo tại Gaza sau khi Israel gần đây tiến hành các cuộc tấn công và huy động lực lượng để chiếm giữ những khu vực chiến lược ở dải đất này trong động thái mở màn cho chiến dịch Gideon’s Chariots (Cỗ xe ngựa của Gideon).

chiến sự Dải Gaza.jpg
Một cậu bé Palestine mất nhà đợi phần được phát đồ ăn tại điểm phát từ thiện ở TP Jabalia, phía bắc Dải Gaza. Ảnh: AFP

Ngày 18-5, quân đội Israel tuyên bố toàn bộ TP Khan Younis ở miền Nam là “vùng chiến sự”. Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich – một trong những lãnh đạo chủ chốt của đảng cực hữu trong chính phủ liên minh Israel – thậm chí kêu gọi quân đội “xóa sổ hoàn toàn những gì còn lại ở Gaza và ở lại cho đến khi Hamas bị tiêu diệt”.

Kể từ ngày đó, hơn 200 người đã thiệt mạng trong làn sóng không kích dữ dội không ngơi nghỉ từ phía Israel. Các bệnh viện lớn, bao gồm Bệnh viện Indonesia tại miền bắc Gaza, buộc phải ngừng hoạt động sau khi hứng chịu hỏa lực, khiến hàng nghìn người bị thương và bệnh nhân đối mặt nguy cơ tử vong cao do không được cứu chữa kịp thời.

Tình hình nhân đạo tại Dải Gaza đang ngày một nghiêm trọng cũng đã khiến các nước phương Tây nhận thấy cần lên tiếng. GS Robert Patman – chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Otago (New Zealand) – cho rằng làn sóng chỉ trích gần đây từ Anh, Pháp và Canada là một phản ứng tất yếu trước phản ứng mạnh mẽ từ người dân.

“Trong các nền dân chủ tự do, chính phủ không thể phớt lờ tiếng nói của công chúng trước một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra” – ông Patman chia sẻ với hãng tin Al Jazeera.

Ông Patman cũng cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tỏ ra mất kiên nhẫn với chính quyền Netanyahu có thể là một yếu tố thúc đẩy châu Âu lên tiếng.

Ông Andreas Krieg – giảng viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu An ninh thuộc ĐH King’s College London – cho rằng việc các nước như Anh, Pháp và Canada dám nêu quan điểm mạnh mẽ có thể mở ra cánh cửa cho nhiều quốc gia phương Tây khác lên tiếng.

“Tuy chưa đủ để tạo tác động tức thời trên thực địa, nhưng việc mở rộng không gian thảo luận toàn cầu sẽ khuyến khích thêm các chính phủ khác hành động” – ông Krieg nhận định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn là yếu tố chủ chốt định hình hành vi của Israel, với vai trò là đối tác cung cấp hỗ trợ quốc phòng và là chỗ dựa ngoại giao trong các tổ chức quốc tế. “Hiện đang có một sự xói mòn đáng kể trong sự đồng thuận quốc tế về cách nhìn nhận vai trò của Israel” – ông Krieg cảnh báo.

Ông Krieg cho rằng tổn thất lớn nhất mà Israel phải đối mặt không nằm ở chiến sự, mà là ở hình ảnh quốc tế đang ngày càng sụp đổ.

“Cuộc xung đột hiện tại có thể qua đi, nhưng tổn hại về danh tiếng sẽ để lại dư âm lâu dài,. Trong tương lai, sẽ ngày càng khó để cộng đồng quốc tế đồng thuận với lập luận rằng Israel là một ‘đồng minh chiến lược’ chỉ vì là ‘nền dân chủ duy nhất tại Trung Đông’” – ông Krieg nói thêm.

Rộ tin Israel có thể sắp tấn công cơ sở hạt nhân Iran

Đài CNN ngày 20-5 dẫn một số nguồn tin tình báo Mỹ rằng Israel có thể đang chuẩn bị tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Theo CNN, hành động này sẽ là thách thức đối với Tổng thống Trump và có nguy cơ làm bùng phát xung đột khu vực lớn hơn ở Trung Đông – điều Mỹ đang cố gắng tránh từ khi chiến sự ở Gaza leo thang từ 2023.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ chưa rõ Israel đã đưa ra quyết định cuối cùng hay chưa, và trong nội bộ chính phủ Mỹ cũng tồn tại nhiều bất đồng về khả năng này. Việc Israel có tấn công hay không phụ thuộc vào tiến triển đàm phán Mỹ-Iran.

Nguồn tin tình báo Mỹ cho biết khả năng tấn công tăng lên trong vài tháng qua, đặc biệt khi viễn cảnh một thỏa thuận không loại bỏ hoàn toàn uranium của Iran càng làm Israel lo ngại.

Ngoài ra, tình báo Mỹ cũng phát hiện hoạt động di chuyển đạn dược và tập trận không quân của Israel, song đây có thể là chiến thuật gây áp lực để Iran nhượng bộ trong đàm phán hạt nhân.

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Văn phòng Thủ tướng Israel và Đại sứ quán Israel tại Mỹ hiện chưa bình luận về thông tin này.

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News


Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.

Gửi phản hồi

[analytify-views]
💥 Không tìm thấy hàm Analytify!

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc