Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), người tiêu dùng ngày càng có xu hướng dựa vào nhận xét, đánh giá từ bạn bè, người thân hoặc những người họ tin tưởng khi lựa chọn thương hiệu, sản phẩm hay dịch vụ.
Lần đầu tiên xử phạt người có ảnh hưởng quảng cáo sai sự thật
Đáng chú ý, trên môi trường mạng xã hội, người dùng cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các bài viết, lời giới thiệu từ những người có ảnh hưởng.
Họ thường tạo cảm giác thân quen qua việc chia sẻ về đời sống cá nhân, các sự kiện thường ngày, khiến người theo dõi cảm thấy gần gũi và tin tưởng.
Tuy nhiên, niềm tin này rất dễ bị lợi dụng. Nhiều người có ảnh hưởng đã lồng ghép nội dung quảng cáo sản phẩm, dịch vụ vào bài viết, chia sẻ của mình mà không nêu rõ đó là nội dung quảng cáo.
Điều này có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, nhất là khi họ tin tưởng vào lời khuyên từ người có ảnh hưởng mà không nhận ra mục đích thương mại thực sự đằng sau.
Thực trạng này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt thòi do phải cạnh tranh với những chiêu trò quảng cáo không minh bạch.
Trước đó, tháng 4-2025, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã ban hành hai Quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến một vụ việc cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm dinh dưỡng. Tổng số tiền xử phạt là 105 triệu đồng.
Cụ thể, tổ chức kinh doanh bị phạt 80 triệu đồng do vi phạm cung cấp thông tin không chính xác cho người tiêu dùng; không thông báo trước cho người tiêu dùng về việc đã tài trợ cho người có ảnh hưởng để người này sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ.
Một cá nhân người có ảnh hưởng cũng bị xử phạt 25 triệu đồng do vi phạm quy định không thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xử phạt cá nhân vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kể từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và các Nghị định xử phạt liên quan có hiệu lực.
Trước đó, mạng xã hội đã ghi nhận tình trạng nhiều người nổi tiếng, người có ảnh hưởng (như MC truyền hình, hoa hậu, diễn viên…) quảng cáo các sản phẩm, bao gồm cả những sản phẩm liên quan đến sức khỏe như sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…
Đến thời điểm hiện tại, một số vụ việc đã được xử lý bằng hình thức xử phạt hành chính. Trong khi đó, Bộ Công an cho biết người nổi tiếng, bác sĩ quảng cáo sai sự thật sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.

Sử dụng AI để phát hiện bài quảng cáo sai sự thật
Xác định xu hướng sử dụng nền tảng kỹ thuật số ngày càng tăng tại Việt Nam, thời gian tới, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành nghề tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đối tượng trọng tâm gồm các tổ chức, cá nhân kinh doanh có hợp tác với người có ảnh hưởng trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.
Theo đó, khi người có ảnh hưởng tham gia cung cấp thông tin cho người tiêu dùng với tư cách là cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thì phải tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Trường hợp người có ảnh hưởng tự thực hiện thử nghiệm sản phẩm và đưa ra đánh giá, nhận định cá nhân, nếu những nội dung này không chính xác, thiếu cơ sở hoặc gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, thì hành vi đó có thể bị xem là cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ và có thể bị xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, nhằm tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng, thời gian tới cơ quan này sẽ triển khai một số biện pháp gồm việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động phát hiện các bài quảng cáo trá hình dựa trên phân tích từ ngữ, hình ảnh, hành vi người dùng.
Bên cạnh đó, sẽ thiết lập đường dây nóng hoặc ứng dụng để người tiêu dùng phản ánh về các bài đăng thiếu minh bạch.
Đồng thời, khuyến khích người tiêu dùng nâng cao cảnh giác, chủ động kiểm tra thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ và nội dung bài đăng trước khi đưa ra quyết định mua hàng theo lời giới thiệu của người có ảnh hưởng.
Uỷ ban cũng sẽ tăng cường phối hợp với các nền tảng mạng xã hội và nền tảng kỹ thuật số khác để áp dụng các công cụ gắn nhãn minh bạch (ví dụ nhãn “hợp tác có trả phí”); và quản lý hiệu quả hơn các nội dung vi phạm.
Đặc biệt, tăng cường trách nhiệm của các nền tảng trong việc chủ động kiểm soát nội dung quảng cáo trá hình.
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, việc người có ảnh hưởng tham gia quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trên mạng xã hội là một xu hướng phổ biến. Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, các cơ quan quản lý cần tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Song song đó, theo kinh nghiệm quốc tế sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, các nền tảng kỹ thuật số và chính cộng đồng người tiêu dùng là yếu tố then chốt để kiểm soát hiệu quả hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng.

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.