Khách lợi đủ đường
Sau Covid-19, chị Trần Thu Hương (làm nghề kế toán bán thời gian tại Hà Nội) chuyển sang làm tự do với vai trò cộng tác viên thuế cho nhiều doanh nghiệp. Chị Hương thường xuyên biến quán cà phê thành không gian làm việc.
Chị chia sẻ, làm việc tại nhà đôi khi có thể gây cảm giác tù túng, bị cô lập, dễ mất tập trung bởi những việc vặt trong gia đình. Quán cà phê mang đến không gian mới mẻ, kích thích sự sáng tạo và giảm bớt đơn điệu, có thể đến bất cứ lúc nào và không bị ràng buộc bởi hợp đồng thuê văn phòng.
Với chị Hương, ổ điện là yếu tố cần thiết khi chọn quán cà phê. Theo chị, trong thời đại số, laptop, máy tính bảng và điện thoại di động là những công cụ làm việc và giải trí không thể thiếu. Khi khách hàng có thể dễ dàng sạc các thiết bị này, họ sẽ cảm thấy thoải mái và có thể kéo dài thời gian ở lại quán.
“Tôi thường xuyên ngồi quán cà phê để làm việc và rất cần ổ điện. Nếu các ổ điện bị bịt kín, dĩ nhiên không đủ điều kiện để tôi quay lại”, chị Hương nói.
Theo một báo cáo của Mibrand Việt Nam, nhóm người có thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng có tần suất đi cà phê cao nhất, thường từ 1-3 lần/tuần; tiếp theo là nhóm thu nhập 10-20 triệu đồng/tháng. Phần lớn khách hàng trong hai nhóm này là nhân viên văn phòng, người làm việc tự do và sinh viên.

Ông Phí Lân Khoa, nhà sáng lập Tiny Cafe, cho biết quán cà phê không chỉ là nơi gặp gỡ mà còn trở thành không gian làm việc, học tập. Với sự phát triển của kỹ thuật số, nhiều người làm việc từ xa chọn quán cà phê thay vì thuê văn phòng, tận dụng không gian sáng tạo với chi phí hợp lý.
Họ đang tiết kiệm theo cách khác: không thuê văn phòng, không tốn chi phí điện nước tại nhà, mà sử dụng quán cà phê như một lựa chọn linh hoạt và hiệu quả.
Một quán cà phê được yêu thích không chỉ nhờ đồ uống ngon hay không gian đẹp, mà còn vì đáp ứng tốt nhu cầu thực tế: chỉ với 30.000-40.000 đồng cho một món đồ uống, khách có thể ngồi cả ngày; chỗ ngồi tiện nghi (bàn rộng, ổ điện, wifi mạnh, không gian thư thái), dịch vụ thân thiện; thương hiệu phù hợp với khách hàng.
Và quan trọng nhất là sự tin cậy – chỉ khi chất lượng sản phẩm, dịch vụ duy trì ổn định và ngày càng tốt hơn, khách hàng mới sẵn sàng gắn bó lâu dài.
Áp lực lớn với chủ quán
Đang làm chủ một quán cà phê ở Hà Nội, chị Nguyễn Phương Thuý cho hay việc khách hàng ngồi lâu hàng giờ với chỉ một cốc cà phê khiến chỉ số doanh thu/m2 và doanh thu/giờ giảm sút.
Quán phải chịu các chi phí cố định và biến đổi liên quan đến việc duy trì không gian và dịch vụ. Đó là tiền điện (chiếu sáng, điều hòa, wifi, ổ cắm cho laptop), tiền nước, chi phí nhân viên phục vụ, dọn dẹp, và khấu hao tài sản. Khi doanh thu trên mỗi lượt khách thấp nhưng thời gian lưu trú lại dài, tỷ suất lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng tối ưu chi phí ngắn hạn mà bỏ qua trải nghiệm, doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro mất khách hàng trung thành và đánh mất lợi thế cạnh tranh.
Liên quan tới câu hỏi có nên bịt ổ điện để khách hàng không ngồi lâu, chị Thuý bày tỏ: “Hãy thử hình dung một khách hàng đang cần hoàn thành gấp công việc nhưng laptop lại báo pin yếu, mà quán lại không có ổ điện trống hoặc bị bịt kín. Họ sẽ cảm thấy thất vọng và khó có khả năng quay lại”.
Theo chị Thuý, những người làm công việc tự do, sinh viên, hay bất kỳ ai cần một nơi yên tĩnh để làm việc bên ngoài văn phòng là một phân khúc khách hàng tiềm năng, thường có xu hướng ngồi lâu và có thể gọi thêm đồ uống/đồ ăn trong suốt thời gian làm việc.
Điều này không chỉ bù đắp cho việc “chiếm chỗ” mà còn giúp tăng doanh thu tổng thể cho quán. Khi khách hàng cảm thấy làm việc hiệu quả và thoải mái, họ sẽ có xu hướng quay lại quán thường xuyên hơn.
Ở góc độ khác, ông Vũ Việt Hưng (chủ một cửa hàng cà phê nhượng quyền ở Thanh Xuân, Hà Nội), cho rằng, khi nhìn vào một quán cà phê có nhiều người ngồi lâu, làm việc hoặc trò chuyện, khách vãng lai sẽ có cảm giác quán đó được yêu thích, có không gian thoải mái và dịch vụ tốt.
“Khách mới sẽ nghĩ ‘nếu họ có thể ngồi lâu như vậy, chắc chắn quán này phải dễ chịu và có những tiện ích cần thiết”, ông Hưng nói.
Tâm lý đám đông khiến họ tin rằng nếu nhiều người chọn ở lại lâu, thì quán đó chắc chắn phải có gì đó đặc biệt. Điều này tạo ra một ấn tượng tích cực ban đầu, khuyến khích họ bước vào và trải nghiệm.
Theo ông Hưng, trong thị trường cà phê đầy cạnh tranh, việc cung cấp wifi và ổ điện miễn phí đã trở thành một tiêu chuẩn cơ bản. Nếu quán bạn bịt ổ điện, khách hàng sẽ dễ dàng chuyển sang các quán khác có dịch vụ tốt hơn. Bạn sẽ mất đi một lượng lớn khách hàng tiềm năng.
Đưa ra giải pháp, chị Thuý nói rằng: “Thay vì để khách hàng chiếm dụng các bàn lớn hoặc vị trí chung, quán của mình tạo ra một góc riêng biệt với đầy đủ tiện nghi như ổ điện và không gian đủ rộng cho laptop giúp khách hàng cảm thấy thoải mái và tập trung hơn khi làm việc. Điều này cũng giúp quán duy trì sự gọn gàng và tránh cảm giác lộn xộn do khách hàng trải rộng đồ đạc”, chị tư vấn.
Ngoài ra, ông Hưng lưu ý, cần đầu tư vào chất lượng dịch vụ và sản phẩm, tăng giá trị trải nghiệm để giữ chân khách hàng thân thiết. Khi đồ uống ngon, không gian thoải mái, dịch vụ tốt, khách hàng sẽ cảm thấy xứng đáng chi trả nhiều hơn và ít khi có ý định “ngồi lì” chỉ với một món đồ uống.


Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.