Diện tích và sản lượng tăng vọt, nhưng chất lượng chưa đồng đều
Theo thống kê, từ năm 2015 đến năm 2024, diện tích trồng sầu riêng của cả nước đã tăng hơn gấp năm lần, từ 32.000ha lên hơn 178.000ha, với tốc độ tăng trung bình 16.300ha mỗi năm. Các địa phương có diện tích lớn nhất bao gồm Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Nai và Đắk Nông.
Riêng tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 38.800ha sầu riêng, chiếm 21,7% tổng diện tích toàn quốc. Tốc độ tăng sản lượng lên tới 126.000 tấn/năm, dự kiến năm 2024 sản lượng sầu riêng toàn tỉnh vượt 1,5 triệu tấn.
Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Thiên Văn, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, cho rằng cần sớm xây dựng đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu quốc gia, lấy Đắk Lắk làm điểm. Việc phát triển bài bản sẽ giúp nâng cao giá trị, tạo bước chuyển trong nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.
![]() |
Ông Nguyễn Thiên Văn, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, cho rằng cần sớm xây dựng đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu quốc gia, lấy Đắk Lắk làm điểm. |
Tuy nhiên, tốc độ mở rộng diện tích trồng nhanh chóng cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy. Tại hội nghị, ông Văn thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế trong phát triển ngành hàng này, đặc biệt là tỷ lệ vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu vẫn còn thấp; ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ lỏng lẻo; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ.
Ngoài ra, phần lớn sản phẩm vẫn được tiêu thụ ở dạng thô, chưa qua chế biến sâu, nên giá trị gia tăng thấp. Một số vi phạm trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói hay mất an toàn thực phẩm đã làm ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Từ thực tiễn này, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục đối với cây sầu riêng, đồng thời đề xuất thành lập các trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và cơ sở chiếu xạ tại địa phương để nâng cao năng lực giám sát và kiểm soát chất lượng.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc là thị trường chính, chiếm tới 97,2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024.
Việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch với Trung Quốc từ tháng 7/2022 được xem là bước ngoặt lớn, giúp sầu riêng Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn này. Chỉ sau hai năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt mốc 3 tỷ USD, đưa sầu riêng trở thành một trong những sản phẩm chiến lược trong cơ cấu nông sản xuất khẩu.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc gần như tuyệt đối vào thị trường Trung Quốc đang trở thành rủi ro lớn. Năm 2025, dù Việt Nam vẫn là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc, nhưng sản lượng và kim ngạch đã giảm lần lượt 71,3% và 74%. Thị phần cũng giảm mạnh từ 42,1% xuống còn 28,2%.
Lý giải nguyên nhân, ông Đạt cho biết phía Trung Quốc đã siết chặt các yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu sầu riêng nhập khẩu phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được phê duyệt, không nhiễm sinh vật gây hại, đồng thời bảo đảm không vượt ngưỡng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi sinh vật và các chất cấm.
Hướng tới phát triển bền vững ngành hàng chiến lược
Ngành sầu riêng Việt Nam đang chịu sức ép lớn về kiểm soát chất lượng trong bối cảnh tăng trưởng nhanh và năng lực kỹ thuật còn hạn chế. Việc chưa đồng bộ hóa hệ thống kiểm tra, giám sát từ vùng trồng đến đóng gói, vận chuyển khiến sản phẩm khó đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt từ thị trường quốc tế.
Để khắc phục, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai nhiều giải pháp như tăng cường kiểm tra việc sử dụng vật tư nông nghiệp, xây dựng mô hình kiểm soát cadmium trong canh tác, rà soát và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đồng thời, phối hợp với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, xử lý cảnh báo và khôi phục mã số đã bị tạm dừng.
Về định hướng lâu dài, ông Đạt đề xuất cơ cấu lại ngành hàng theo hướng phát triển các sản phẩm chế biến sâu, tăng tỷ trọng sầu riêng đông lạnh, mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài Trung Quốc, xây dựng thương hiệu quốc gia và nâng cấp hệ thống logistics.
![]() |
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định: “Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong thập kỷ qua”. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra những “mâu thuẫn lớn” mà ngành đang phải đối mặt, đó là sự lệch pha giữa tốc độ mở rộng diện tích với năng lực kiểm soát chất lượng, giữa kỳ vọng thị trường và khả năng tổ chức chuỗi cung ứng hiệu quả.
Bộ trưởng cảnh báo, nếu không sớm tái cơ cấu và nâng cao năng lực kiểm soát toàn chuỗi, ngành hàng sầu riêng có nguy cơ mất thị phần, đánh mất lòng tin của khách hàng quốc tế và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam nói chung.
Trước thực trạng đó, ông đề nghị các địa phương và doanh nghiệp cần tập trung vào ba nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và cơ sở pháp lý phục vụ kiểm soát chất lượng toàn chuỗi. Thứ hai, đầu tư nâng cao năng lực kiểm nghiệm-kiểm dịch-truy xuất nguồn gốc đạt chuẩn quốc tế. Thứ ba, phát triển hệ sinh thái logistics và chế biến sâu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.
![[Video] Thêm 960 mã số sầu riêng được phép xuất khẩu sang Trung Quốc](https://image.nhandan.vn/200x130/Uploaded/2025/exlpvekyzhlpeyyfr/2025_05_22/avatar-of-video-674703-8638-6543-7454-4905.png.webp)
[Video] Thêm 960 mã số sầu riêng được phép xuất khẩu sang Trung Quốc
Ngoài ra, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia xuất khẩu sầu riêng thành công như Thái Lan, Malaysia, những nước đã xây dựng mô hình quản lý vùng trồng hiệu quả, kết nối chuỗi logistics đồng bộ và có chiến lược phát triển thương hiệu bài bản.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của dự thảo Thông tư về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, công cụ quan trọng giúp minh bạch chuỗi cung ứng, tạo nền tảng cho xuất khẩu chính ngạch, từ đó nâng cao vị thế sầu riêng Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.