Đại học RMIT Việt Nam vừa công bố thành lập Trung tâm nghiên cứu công nghệ mới trong kinh doanh (CBET), khẳng định cam kết mạnh mẽ của trường trong việc tham gia thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam và khu vực ASEAN.

Chia sẻ rõ hơn về lý do thành lập CBET, đại diện Đại học RMIT Việt Nam cho hay, khi nền kinh tế số đang tái định hình bối cảnh toàn cầu, các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo – AI, blockchain, điện toán lượng tử và thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường – VR/AR đang chuyển đổi doanh nghiệp, chính phủ và toàn xã hội.
Những công nghệ mới kể trên không chỉ mở ra các cơ hội chưa từng có cho tăng trưởng và đổi mới sáng tạo, mà còn đang đặt ra yêu cầu chuyển đổi căn bản trên mọi lĩnh vực.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rút ngắn các giai đoạn phát triển nhờ khai thác hiệu quả những công nghệ mới. Để chớp lấy thời cơ này, đất nước cần nền tảng vững chắc để kết nối nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và công nghệ với giới học thuật, doanh nghiệp và chính sách công.
“Chính nhu cầu cấp thiết này đã thôi thúc Đại học RMIT Việt Nam thành lập Trung tâm nghiên cứu công nghệ mới trong kinh doanh. CBET sẽ đóng vai trò như chất xúc tác cho tương lai số toàn diện, bền vững và đổi mới của Việt Nam, vượt xa khuôn khổ truyền thống của một trung tâm nghiên cứu”, Giáo sư Robert McClelland, Trưởng khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Phó giáo sư Phạm Công Hiệp, Phó trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và đổi mới, đồng Chủ nhiệm CBET, khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, trong thời gian tới, RMIT Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác trong khu vực và hỗ trợ định hình các chính sách kinh tế số quốc gia, qua đó góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đang lên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cụ thể, 5 lĩnh vực CBET ưu tiên tập trung nghiên cứu, gồm có: kinh tế số và thị trường mới nổi, quản lý logistics và chuỗi cung ứng, công nghệ tài chính và tiền mã hóa, an ninh mạng, và quản trị chuyển đổi thông minh. Các nhóm nghiên cứu tập hợp những học giả quốc tế và chuyên gia trong ngành, đảm bảo hợp tác liên ngành gắn chặt với nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Với định hướng đó, sắp tới, CBET sẽ triển khai các dự án chiến lược giao thoa giữa AI, blockchain, điện toán lượng tử và các công nghệ mới nổi khác với nền kinh tế số và lĩnh vực kinh doanh.
CBET cũng dự kiến giới thiệu chương trình thực tập tiến sĩ phối hợp với các đối tác trong ngành, đồng thời tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số dành cho thế hệ lãnh đạo tương lai.
Với mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao trong những thập kỷ tới, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới và tăng cường hiệu quả thể chế.
Đồng hành cùng hành trình trên, CBET sẽ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, phát triển năng lực số, tư vấn chính sách và tạo ra các giải pháp công nghệ phù hợp với nhu cầu kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.