Áp lực cao, lương thấp nhiều giáo viên không trụ nổi với nghề
Trong các bậc học, giáo viên mầm non được xem là những người chịu áp lực công việc lớn nhất, với cường độ lao động cao, đòi hỏi sức khỏe, tâm lý và sự kiên trì đặc biệt. Vì thế, đề xuất cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở tuổi 55 là một đề xuất hợp lý và giàu tính nhân văn, được nhiều giáo viên trong ngành ủng hộ.
Theo cô Nguyễn Thị Hà, dạy ở trường mầm hoa Hồng (xã Ia KDăm, huyện La Pa, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: Công việc của giáo viên mầm non không thể tính theo số tiết dạy như các cấp học khác. Công việc của chúng tôi bắt đầu từ 6h30 sáng và kết thúc sau 5h chiều, không có tiết nghỉ, không có giờ giải lao. Giờ nào việc nấy” từ hỗ trợ trẻ ăn, ngủ, vệ sinh đến vui chơi, học tập mọi hoạt động đều cần đến sự có mặt và theo sát của giáo viên.
“Việc tăng lương và giảm tuổi nghỉ hưu không chỉ là sự động viên tinh thần, mà còn là điều kiện sống còn để giữ giáo viên ở lại với nghề. Không ai bỏ nghề giáo vì không yêu trẻ, mà là vì họ không thể tiếp tục gánh gồng trên đôi vai đã quá mỏi mệt. Đặng Thị Coi, giáo viên Trường Mầm non Lý Quốc.
“Tôi nghĩ việc giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non và xếp lương giáo viên cao nhất là hoàn toàn xứng đáng. Sau tuổi 50, nhiều cô bắt đầu có vấn đề sức khỏe. Trong khi trẻ lại ngày càng hiếu động, yêu cầu về kỹ năng giáo dục sớm ngày càng cao thì việc duy trì một nhịp độ làm việc như vậy là rất vất vả, áp lực”, cô bày tỏ.
Ở một góc khác, cô Đặng Thị Coi, giáo viên Trường Mầm non Lý Quốc (Hạ Lang, Cao Bằng), với 17 năm gắn bó cùng nghề, chia sẻ những khó khăn “gấp đôi” khi vừa là giáo viên mầm non, vừa công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. “Để đến được lớp, tôi nhiều khi phải đi bộ hơn 7km qua những con đường gập ghềnh, đặc biệt vào mùa mưa, đường trơn trượt rất nguy hiểm. Học sinh ở đây gần như 100% là con hộ nghèo, lại chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên giao tiếp gặp rất nhiều trở ngại”.

Không chỉ gặp khó khăn trong di chuyển, cô còn phải tự học tiếng Mông để có thể giao tiếp với học sinh và phụ huynh. Việc vận động học sinh đến lớp, đến từng nhà để thuyết phục cha mẹ, trở thành một phần thiết yếu trong công việc của cô.
Dù đã có mức lương 16 triệu đồng/tháng nhờ vào phụ cấp vùng khó khăn nhưng cô Coi cho biết: “Chi phí sinh hoạt ở miền núi cao, thực phẩm, thuốc men đều đắt đỏ. Tiền nhà, tiền điện, chi phí đi lại… khiến mức thu nhập đó vẫn không đủ để yên tâm sống và làm việc lâu dài”.
Sự cống hiến cần được ghi nhận bằng chính sách thực chất
Không chỉ giáo viên mầm non, mà đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn mà đồng lương hiện tại chưa thể bù đắp.
Một giáo viên dạy môn lịch sử của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi phải dậy từ 4h30 sáng, vượt gần 40km đến trường và chiều lại quay về, tổng cộng 80km đường rừng núi, nắng bụi mưa bùn. Vợ tôi là giáo viên mầm non, cả hai vợ chồng đều không có thu nhập nào khác ngoài lương, nên dù đã công tác gần 20 năm, chúng tôi vẫn phải vay ngân hàng để nuôi con, mua nhà và giờ vẫn chưa trả hết nợ…”.
Theo thầy giáo này, để chính sách lương thực sự hiệu quả thì nên có chế độ đặc thù riêng cho giáo viên vùng khó khăn. Ngoài tăng lương, cần thêm phụ cấp hỗ trợ đi lại, nhà ở, con cái học hành và nhất là duy trì các chính sách đã từng có như Nghị định 19/2013/NĐ-CP chính sách với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trường chuyên biệt, vùng khó khăn – vốn chỉ áp dụng trong 5 năm đầu.
Nhiều giáo viên cũng cho rằng, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời và thực chất, việc thiếu giáo viên đặc biệt là mầm non và tiểu học sẽ ngày càng trầm trọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Không chỉ ở vùng xa, ngay tại các đô thị, chính sách cải cách lương cũng được nhiều giáo viên kỳ vọng, bởi thực tế, nhiều thầy cô trẻ ở thành phố vẫn phải làm thêm hoặc dựa vào thu nhập của người thân để trụ lại với nghề.
Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Đình Giót (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: “Nếu thật sự giáo viên được xếp lương ở bậc cao nhất, đó là niềm hạnh phúc lớn với toàn ngành giáo dục. Các trường sẽ đỡ “đau đầu” vì tình trạng thiếu giáo viên và họ sẽ yên tâm sống với nghề. Lương thấp, sống ở thành phố đắt đỏ, nhiều giáo viên không phải đi làm thêm, chạy xe, bán hàng online, thậm chí là đi vay ngân hàng tiêu dùng nếu chẳng may con ốm, chồng thất nghiệp… Nghề giáo giờ mồ hôi ráo là hết tiền”.
Từ thực tế trên, cô Kim Ngọc thẳng thắn cho rằng, cải cách lương không chỉ là để tăng thu nhập mà là để giáo viên có giá trị trong xã hội, có thể sống bằng nghề. Khi ấy, họ mới toàn tâm toàn ý với học sinh, với đổi mới và với chất lượng giáo dục.
Đáng mừng là, trong dự thảo “Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập” Bộ GD-ĐT vừa lấy ý kiến đóng góp có nêu giáo viên mầm non được tăng phụ cấp từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi và lên 80% ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm phản ánh đúng mức độ phức tạp và áp lực công việc.
Những chia sẻ từ giáo viên cả thành thị lẫn vùng sâu vùng xa đều cho thấy một thực tế rõ ràng là, chính sách lương hiện tại không còn phù hợp. Trong khi giáo dục đang đứng trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, việc chậm cải cách thu nhập có thể làm “chảy máu” lực lượng giáo viên tâm huyết – đặc biệt là ở cấp mầm non và tiểu học.
Đổi mới lương giáo viên không chỉ là khoản chi mà là khoản đầu tư. Một khi giáo viên được đảm bảo về tài chính, chế độ làm việc, và có vị thế xứng đáng, họ sẽ toàn tâm toàn ý với nghề. Khi ấy, học sinh sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Ở thời điểm giáo dục đang phải đối mặt với áp lực đổi mới chương trình – sách giáo khoa tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều địa phương, cùng với những khó khăn về đời sống của đội ngũ giáo viên thì việc cải cách tiền lương, chế độ đãi ngộ không còn là kỳ vọng, mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết.

VOV.VN – Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề khi thảo luận dự án Luật Nhà giáo và đề nghị quy định thể hiện rõ hơn, tránh quy định chung chung để rồi “lương xếp cao nhất” vẫn là khẩu hiệu.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.