(KTSG Online) – Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s Ratings vừa hạ bậc tín nhiệm nợ của Mỹ từ AAA xuống AA1 do lo ngại về khối nợ công ngày càng tăng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Động thái này có thể làm phức tạp thêm nỗ lực cắt giảm thuế trong nước của Tổng thống Donald Trump và gây biến động các thị trường toàn cầu.

Hôm 16-5, Moody’s thông báo hạ tín nhiệm nợ của Mỹ một bậc, từ AAA xuống AA sau khi hạ bậc triển vọng tín nhiệm của Mỹ vào năm 2023 do mức thâm hụt tài khóa ngày càng lớn và chi phí thanh toán lãi suất cao hơn. Moody’s lần đầu tiên trao mức xếp hạng cao nhất AAA cho Mỹ vào năm 1919.
“Các chính quyền và Quốc hội Mỹ liên tiếp đã không thống nhất được các biện pháp để đảo ngược xu hướng thâm hụt tài khóa hàng năm lớn và chi phí lãi suất ngày càng tăng”, Moody’s giải thích về quyết định hạ bậc tín nhiệm.
Thông báo này nhanh chóng vấp phải làn sóng chỉ trích từ các đồng minh của ông Trump và Nhà Trắng.
Stephen Moore, cựu cố vấn kinh tế cấp cao của ông Trump và là nhà kinh tế của Heritage Foundation gọi quyết định của Moody’s là “lố bịch”.
“Nếu trái phiếu chính phủ do Mỹ bảo lãnh không phải là tài sản được xếp hạng AAA thì còn tài sản nào xứng đáng với mức xếp hạng đó?”, ông nói với Reuters.
Trong một bài viết trên mạng xã hội, Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Steven Cheung chỉ trích đích danh Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, một đơn vị riêng biệt với Moody’s Ratings. Ông gọi Zandi là đối thủ chính trị của Tổng thống Trump.
“Không ai coi trọng các phân tích của ông ta, người bị chứng minh là sai lầm hết lần này đến lần khác”, Steven Cheung nói.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào ngày 20-1, ông Trump tuyên bố sẽ cân bằng ngân sách trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhiều lần nhấn mạnh là sẽ tập trung vào mục tiêu giảm chi phí vay của chính phủ Mỹ.
Thế nhưng, nỗ lực tăng doanh thu ngân sách và cắt giảm chi tiêu của chính quyền Donald Trump đến nay vẫn chưa thuyết phục được các nhà đầu tư.
Những nỗ lực cắt giảm chi tiêu liên bang thông qua Ban hiệu suất chính phủ (DOGE) dưới sự lãnh đạo của tỉ phú Elon Musk đã không đạt được mục tiêu ban đầu.
Trong khi đó, nỗ lực tăng doanh thu thông qua thuế quan làm dấy lên mối lo ngại về chiến tranh thương mại và suy thoái toàn cầu, làm xáo trộn thị trường.
Nếu không được kiểm soát, những lo ngại như vậy có thể gây ra sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu và cản trở khả năng theo đuổi chương trình nghị sự của chính quyền Donald Trump.
Quyết định hạ bậc tín nhiệm nợ của Mỹ đã đẩy tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sau khi thị trường đã đóng cửa. Các nhà phân tích dự báo, động thái của Moody’s Ratings có thể khiến nhà đầu tư giao dịch thận trọng khi thị trường mở cửa trở lại vào đầu tuần tới.
“Tin tức này xuất hiện vào thời điểm thị trường rất dễ bị tổn thương nên chúng ta có thể sẽ thấy nhà đầu tư phản ứng”, Jay Hatfield, CEO Infrastructure Capital Advisors nói.
Theo Darrell Duffie, giáo sư tài chính của Đại học Stanford, về cơ bản, quyết định hạ bậc tín nhiệm nợ của Mỹ bổ sung thêm bằng chứng cho thấy Mỹ gánh quá nhiều nợ. Quốc hội Mỹ cần phải siết chặt kỷ luật tài khóa bằng cách tăng doanh thu hoặc chi tiêu ít hơn.
Tổng thống Trump đang thúc đẩy các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua dự luật gia hạn chương trình cắt giảm thuế doanh nghiệp và thu nhập cá nhân vào năm 2017, vốn là thành tựu lập pháp mang tính biểu tượng trong nhiệm kỳ đầu tiền của ông.
Dự luật này sẽ khiến nợ chính phủ liên bang, hiện ở mức hơn 36 nghìn tỉ đô la Mỹ, tăng thêm hàng nghìn tỉ đô la nữa. Hôm 16-5, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cứng rắn tại Hạ viện Mỹ đã ngăn chặn dự luật vì cho rằng không kèm theo các biện pháp cắt giảm chi tiêu đầy đủ.
Moody’s Ratings nhận định, các đề xuất cắt giảm chi tiêu của chính phủ Mỹ hiện nay khó có thể giúp giảm thâm hụt tài khóa trong nhiều năm tới. Cơ quan này ước tính, nợ liên bang sẽ tăng lên khoảng 134% GDP vào năm 2035, so với 98% vào năm 2024.
Năm 2023, Fitch Ratings cũng hạ xếp hạng tín nhiệm nợ của Mỹ xuống một bậc (từ AAA xuống AA+) với lý do tình hình tài khóa dự kiến sẽ xấu đi và các cuộc đàm phán trần nợ công liên tục diễn ra gay gắt, đe dọa khả năng thanh toán các hóa đơn của chính phủ.
Fitch là hãng xếp hạng tín dụng quốc tế lớn thứ hai tước mức tín nhiệm AAA của Mỹ sau khi S&P Global Ratings hành động tương tự sau cuộc khủng hoảng trần nợ công của Mỹ vào năm 2011.
Nhà đầu tư sử dụng xếp hạng tín nhiệm nợ để đánh giá hồ sơ rủi ro của các công ty và chính phủ đang huy động vốn trên thị trường trái phiếu. Nhìn chung, mức xếp hạng tín nhiệm nợ càng thấp thì chi phí tvay càng cao.
“Việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ là sự tiếp diễn của xu hướng vô trách nhiệm về tài khóa kéo dài, cuối cùng sẽ dẫn đến chi phí vay cao hơn cho khu vực công và tư nhân tại Mỹ’, Spencer Hakimian, CEO Tolou Capital Management bình luận.
Andy Brenner, CEO NatAlliance Securities cho rằng, vấn đề lớn nhất đối với các thị trường hiện nay không phải là thuế quan, mà là các cuộc đàm phán về thâm hụt tài khóa tại Quốc hội Mỹ chưa có tiến triển.
Theo Reuters, Financial Times
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.