XỬ LÝ TÀI SẢN THI HÀNH ÁN:
(PLO)- Nên quy định chỉ thông báo công khai trên trang điện tử của cơ quan quản lý thi hành án Bộ Tư pháp để việc tống đạt thông báo thi hành án đỡ tốn thời gian.
Định giá tài sản phần dân sự trong vụ án hình sự có nhiều giai đoạn; từ thời điểm khởi tố, truy tố đến xét xử và thi hành án (THA) đều có quy định khác nhau.
Xác định giá khởi điểm để đưa tài sản ra bán đấu giá
Pháp lệnh 13/2004/UBTVQH11 ngày 14-1-2004 về THA dân sự (DS) có quy định về việc thẩm định giá tài sản kê biên trong THA được thực hiện bởi hội đồng định giá tài sản do chấp hành viên thành lập (Điều 43 về định giá tài sản kê biên). Tuy nhiên, Luật THADS năm 2008 ra đời đã bỏ quy định chấp hành viên thành lập hội đồng định giá.

Hiện nay, việc định giá tài sản kê biên trong THA được thực hiện theo quy định tại Điều 98, Điều 99 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014; 2022). Theo đó, có ba căn cứ pháp lý xác định giá khởi điểm để đưa tài sản ra bán đấu giá gồm:
– Giá khởi điểm do đương sự thỏa thuận tại buổi kê biên.
– Giá theo chứng thư thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá do chấp hành viên ký để thực hiện thẩm định giá tài sản theo quy định của pháp luật.
– Giá do chấp hành viên xác định giá.
Do vậy có thể khẳng định: Giá theo chứng thư thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá do chấp hành viên ký để thực hiện thẩm định giá tài sản theo quy định của pháp luật, được pháp luật xác định làm giá khởi điểm để đưa tài sản ra bán đấu giá.

Ngày 14-5 vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự – Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế”. Hội thảo có sự tham gia có nhiều lãnh đạo sở, ngành, cùng những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thi hành án.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã cùng nêu lên những vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản thi hành án với các vụ án hình sự kinh tế. Đồng thời, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình thi hành án được nhanh chóng, triệt để.
Nếu có tranh chấp, giải quyết sao cho hài hòa lợi ích ba bên?
Định giá tài sản kê biên nhằm mục đích xác định giá để bán đấu giá. Do đó, việc định giá có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xử lý tài sản.
Định giá đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật và định đúng giá tài sản giúp cho quá trình xử lý tài sản thuận lợi hơn, nhanh hơn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Trường hợp hội đồng định giá trong giai đoạn THA tham khảo kết quả của đơn vị thẩm định giá tư; mà kết quả này bị khiếu nại hoặc khởi kiện thì lúc này việc giải quyết tranh chấp sao cho hài hòa lợi ích giữa ba bên là người phải THA, cơ quan THA và người mua tài sản là rất quan trọng.
Luật hiện hành không có quy định cụ thể về thẩm quyền và quy trình trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo trong trường hợp đương sự có khiếu nại về giá của chứng thư thẩm định giá. Do vậy, khi có khiếu nại liên quan đến các vấn đề trên, cơ quan THA sẽ hướng dẫn đương sự liên hệ với tổ chức thẩm định giá…

Tuy nhiên, theo tôi, chấp hành viên cần giải thích rõ quy định của pháp luật về thẩm định giá, bán đấu giá để họ thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều 98 (Định giá tài sản kê biên), Điều 99 (Định giá lại tài sản kê biên), Điều 101 (Bán đấu giá tài sản kê biên), Điều 103… Luật THADS hiện hành.
Khi biết về quyền được thỏa thuận giá tài sản, quyền được yêu cầu thẩm định giá lại, biết về thời hạn bán đấu giá và thời hạn chuộc lại tài sản theo quy định thì các bên sẽ tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Nên quy định tài sản chung vợ chồng thì mặc nhiên chia đôi
Tôi có 2 đề xuất, kiến nghị sau:
Thứ nhất, theo Điều 140 Luật Thi hành án dân sự hiện hành, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình…
Do việc thẩm định giá không phải là hành vi của Thủ trưởng, phó thủ trưởng, chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự, nên việc khiếu nại về vấn đề này không thuộc trường hợp cơ quan thi hành án thụ lý giải quyết.
Do đó, luật mới cần quy định rõ về thẩm quyền và trình tự thủ tục giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến chứng thư thẩm định giá và kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án.
Thứ hai, đối với việc xử lý tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thì cần quy định cơ chế đặc thù cho loại việc này. Chẳng hạn:
Về thông báo về thi hành án, nên quy định chỉ thông báo công khai trên trang điện tử của cơ quan quản lý thi hành án Bộ Tư pháp mà không cần thực hiện các thủ tục thông báo khác vì trường hợp này có rất nhiều đương sự và hầu như các đương sự đều đang chấp hành hình phạt tù ở các trại giam khắp cả nước nên việc tống đạt như hiện nay rất tốn thời gian;
Về phân chia tài sản chung, nên quy định mặc nhiên tài sản chung vợ chồng thì mỗi người được một nửa, như vậy sẽ rút ngắn thời gian được ưu tiên mua trong thời hạn là 15 ngày đối với động sản (luật hiện hành quy định 1 tháng) và 30 ngày đối với bất động sản (luật hiện hành quy định 3 tháng)…

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.