"Xóa Bỏ Biên Chế Suốt Đời: Cán Bộ Làm Việc Cầm Chừng Sẽ Không Còn Được Đánh Giá Hoàn Thành Nhiệm Vụ!" #XóaBỏTưDuyBiênChếSuốtĐời #GiữGhếNhờNgạch

Chiều 14/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Quan tâm tới quy định đánh giá công chức, đại biểu Đặng Bích Ngọc, đoàn Hòa Bình, cho rằng thực tế trong thời gian qua, việc đánh giá cán bộ, công chức vẫn được coi là khâu khó nhất để đánh giá đúng, trúng về chất lượng đội ngũ cán bộ.

KHÔNG CHẤP NHẬN CÁN BỘ LÀM VIỆC CẦM CHỪNG, ĐỊNH KỲ NÂNG LƯƠNG

Theo đại biểu Bích Ngọc, mặc dù đã có rất nhiều quy định chung về nội dung này, song thực tế triển khai vẫn tình trạng nể nang, ngại va chạm, tinh thần phê và tự phê của đội ngũ cán bộ, công chức đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.

Bà Ngọc nêu thực tế nhiều cán bộ làm việc cầm chừng, chất lượng, hiệu quả công việc thấp, thiếu sự rèn luyện, nâng cao chất lượng trong việc giải quyết công vụ nhưng cuối năm tập thể, người đứng đầu vẫn không dám đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Từ phân tích trên, đại biểu đoàn Hòa Bình cho rằng điều này gây khó khăn trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức. Bởi dự thảo Luật lần này quy định việc đánh giá phải căn cứ vào kết quả, sản phẩm theo yêu cầu vị trí việc làm… đảm bảo công khai, công tâm, dân chủ, khách quan, xuyên suốt, liên tục, đa chiều.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, đoàn Hòa Bình.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, đoàn Hòa Bình.

Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc quản lý, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức để làm cơ sở sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí việc làm đối với những người không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công vụ để xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời” và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Đại biểu Bích Ngọc đề nghị để đánh giá được kết quả sản phẩm của một cán bộ công chức được xuyên suốt, liên tục thì việc đánh giá phải được thực hiện liên tục theo quý, 6 tháng, 1 năm để tránh việc kiểm điểm trong 1 năm nhiều nhiệm vụ sẽ bị bỏ sót, lãng quên nhiệm vụ. Đồng thời bổ sung thêm cơ chế giám sát chéo, phản biện từ đồng nghiệp và người dân đảm bảo khách quan, toàn diện, hạn chế đánh giá cảm tính của người đứng đầu.

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, nhấn mạnh tư duy “không còn biên chế suốt đời” là điểm rất mới.

“Không thể chấp nhận được việc công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, làm việc cầm chừng mà vẫn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ”. Do đó, trong thời gian tới đây khi tuyển công chức, viên chức phải theo hợp đồng, đánh giá theo KPI để hạn chế việc không đạt chất lượng nhưng vẫn được làm việc, định kỳ được nâng lương, đại biểu đoàn Đồng Tháp phát biểu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp.

Về vị trí việc làm, đại biểu ủng hộ quy định theo dự thảo luật và góp ý thêm nên ưu tiên thi tuyển theo vị trí việc làm thay vì xét tuyển. “Xét tuyển có thể dẫn tới tình trạng nể nang còn thi tuyển thì không có chuyện đó”, ông Hoà nhấn mạnh.

Mặt khác, các chức danh quản lý Nhà nước, quản lý cấp chuyên môn như cấp phòng, cấp sở cũng nên thi tuyển theo vị trí việc làm với tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng.

Đối với đánh giá cán bộ, công chức viên chức, đại biểu đề cao quan điểm việc đánh giá công chức, viên chức sẽ thay đổi căn bản theo hướng định lượng dựa trên vị trí việc làm, chỉ số hiệu quả công việc KPI, tất cả được lượng hóa thay cho đánh giá chung chung.

Bên cạnh đó, việc đánh giá viên chức cũng phải thận trọng, khách quan như doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài Nhà nước đang thực hiện. Việc đánh giá theo KPI là cần thiết, quan trọng, không còn cảm tính, cả nể.

PHÁT HIỆN VÀ TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI KHU VỰC CÔNG, ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ THEO ĐẦU RA VÀ HIỆU QUẢ CÔNG VỤ

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn, thu hút người tài để tuyển dụng, làm việc cho Nhà nước nhưng việc tuyển dụng theo hình thức người tài còn hạn chế. Theo ông Hòa, chế độ, chính sách ưu đãi vượt trội cho đối tượng này là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra cần làm rõ thế nào là người tài. Mặc dù hiện nay đã có định nghĩa, đánh giá nhưng vẫn cần có tiêu chí cụ thể, rành mạch để dễ áp dụng, không tuyển nhầm.

Quan tâm chính sách phát hiện và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ được quy định tại dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, cho biết dự thảo quy định nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút trọng dụng đối với những người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương.

Đại biểu nhất trí cao việc sửa đổi nhấn mạnh vào chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài. Tuy nhiên, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, đại biểu cho rằng cần nhìn nhận rõ tài năng trong hoạt động công vụ, là một dạng tài năng rất đặc thù, không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức mà còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị.

“Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp hay qua các kỳ thi hình thức. Người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công”. Muốn thu hút và giữ chân người tài thì những ưu đãi không chỉ dừng ở mức độ tiền lương, điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng”, đại biểu nhấn mạnh.

Với quan điểm đó, đại biểu đoàn Hải Dương kiến nghị cần quy định rõ hơn một số cơ chế then chốt liên quan đến phát hiện và trọng dụng nhân tài ở trong khu vực công đó là thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và theo hiệu quả công vụ chứ không chỉ dựa vào hình thức hay quy trình. Cùng với đó cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt là ở những vị trí cần sáng tạo, đổi mới.

XÓA BỎ TÌNH TRẠNG “GIỮ GHẾ” NHỜ NGẠCH

Giải trình, tiếp thu một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chỉ rõ dự thảo luật đã xác lập một chế độ công vụ theo nguyên lý vị trí việc làm là trung tâm, là nền tảng cốt lõi để vận hành xuyên suốt toàn bộ máy hành chính, làm cơ sở cho xác định biên chế, phân bổ nhân lực; đồng thời là căn cứ duy nhất để tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và trả lương.

Theo Bộ trưởng, ngạch công chức chỉ là công cụ phụ trợ có tính kỹ thuật phân định thứ bậc, trình độ chuyên môn trong công vụ và được thu gọn, linh hoạt hóa, tích hợp vào hệ thống mô tả khung năng lực của vị trí việc làm.

“Đây là một nội dung mới so với luật hiện hành và cách đang làm. Ngạch công chức cũng không còn là mục tiêu như hiện nay. Cán bộ công chức muốn tồn tại thì phải đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm,  không phải vì có ngạch và xóa bỏ tình trạng “giữ ghế” nhờ ngạch”.

Theo Bộ trưởng, điều này nhằm tạo động lực để cán bộ công chức phấn đấu và thực thi công vụ trên cơ sở vị trí việc làm, theo hướng chuyên nghiệp.

Về đánh giá cán bộ công chức, viên chức, Bộ trưởng cho biết dự thảo luật được thiết kế theo hướng đổi mới về nội dung đánh giá, chuyển đánh giá định tính sang định lượng, có minh chứng, sản phẩm theo vị trí việc làm, chức trách được giao, và bằng sản phẩm đầu ra.

Về chính sách với người có tài năng trong hoạt động công vụ, Bộ trưởng cho biết đây là điểm mới trong luật để luật hóa nguyên tắc coi người có tài là một chủ thể đặc biệt trong thiết lập nền công vụ trọng giá trị và đổi mới.


Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.

Gửi phản hồi

[analytify-views]
💥 Không tìm thấy hàm Analytify!

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc