Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp của Hội đồng Kinh tế và Tài chính EU tại Brussels, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu và Ủy viên Kinh tế Châu Âu, Valdis Dombrovskis cho biết, Ủy ban Châu Âu cam kết áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, đồng thời xác nhận rằng, việc xây dựng gói trừng phạt thứ 18 sẽ bắt đầu sau khi gói trừng phạt thứ 17 được thông qua.

Ông Dombrovskis khẳng định, EU sẵn sàng tiếp tục gây sức ép với Nga thông qua các lệnh trừng phạt bổ sung để làm suy yếu nền kinh tế của nước này. Về các lĩnh vực có khả năng tăng cường trừng phạt, ông Dombrovskis lưu ý, nguồn thu chính của Nga là xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, do đó lệnh trừng phạt mới có thể sẽ tiếp tục nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Trước đó, EU đã cấm nhập khẩu than của Nga và phối hợp với các đối tác G7 để áp đặt mức giá trần đối với dầu của Nga. Hiện nay, EU đang thực hiện chiến lược giảm phụ thuộc và loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga. Tuy nhiên, ông Dombrovskis thừa nhận rằng, việc EU giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga đồng nghĩa với việc Khối này phải tìm các thị trường khác thay thế và do đó giá năng lượng có thể sẽ cao hơn.
Đồng quan điểm với Ủy viên Kinh tế Châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Andrzej Domański cũng cho rằng, triển vọng kinh tế của Nga phụ thuộc lớn vào việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, đồng thời tái khẳng định cam kết của Ba Lan trong việc tăng cường sức ép lên Nga bằng cách đưa ra các lệnh trừng phạt mới.
Trước đó, các Bộ trưởng Ngoại giao EU đã thảo luận về gói trừng phạt thứ 17 với Nga, dự kiến bao gồm các biện pháp nhắm vào tổ hợp công nghiệp-quân sự, “hạm đội bóng tối” vận chuyển hàng hóa và các mạng lưới hỗ trợ có liên quan của Nga. EU sẽ chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 17 tại cuộc họp ở Brussels, dự kiến diễn ra vào ngày 20/5 tới.
Kể từ sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, EU đã triển khai 16 gói trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có các biện pháp nhắm tới năng lượng của nước này. Tuy nhiên, các gói trừng phạt được cho là chưa đạt hiệu quả mong muốn. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2024 Nga đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP). Theo giới phân tích, chính sách cấm vận và áp giá trần của EU chỉ khiến dòng chảy năng lượng Nga đổi hướng, chuyển từ phương Tây sang phương Đông, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến EU hơn là ảnh hưởng tới Nga.

VOV.VN – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce vừa cho hay, Mỹ sẽ không xóa bỏ bất cứ lệnh trừng phạt nào hiện hành nhằm vào Nga. Bà cũng cho biết, Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố sẵn lòng áp loạt lệnh trừng phạt thứ 2 lên Nga.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.