Trong văn bản, New Delhi thông báo với WTO về ý định hủy bỏ việc nhượng bộ và các nghĩa vụ khác theo quy định của tổ chức này để tăng thuế quan với hàng hóa Mỹ, đáp trả việc Washington áp đặt thuế với nhôm và thép Ấn Độ.
“Việc hủy bỏ sự nhượng bộ hoặc nghĩa vụ khác được thực hiện dưới dạng tăng thuế quan với một số mặt hàng có nguồn gốc từ Mỹ”, hãng tin Reuters dẫn văn bản đề ngày 12/5/2025 cho biết. Văn bản không đề cập cụ thể loại sản phẩm này sẽ bị tăng thuế quan.
Tháng 3/2025, Mỹ áp thuế quan 25% với nhôm và thép nhập khẩu, kéo dài chính sách thuế được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Theo văn bản gửi lên WTO, Ấn Độ ước tính thuế quan này dẫn tới số tiền thuế 1,9 tỷ USD dối với khoảng 7,6 tỷ USD nhôm và thép từ Ấn Độ nhập khẩu vào Mỹ.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ áp đặt thuế quan với nhôm và thép nhập khẩu từ quốc gia Nam Á này. Năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump cũng áp đặt thuế quan bổ sung 25% với thép và 10% thuế giá trị với nhôm từ Ấn Độ. Năm 2019, New Delhi đáp trả bằng cách áp thuế quan bổ sung với 28 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Tuy nhiên, hai bên sau đó đã thống nhất chấm dứt căng thẳng thuế quan này dưới thời Tổng thống Jode Biden. 7 vụ tranh chấp thuế quan giữa Mỹ và Ấn Độ được đệ trình lên WTO đã được giải quyết thông qua đàm phán.
Ở thời điểm hiện tại, ngoài thuế quan với nhôm và thép, chính quyền Trump cũng có kế hoạch áp thuế đối ứng 26% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ vào Mỹ. Mức thuế này được tạm hoãn áp dụng trong vòng 90 ngày kể từ ngày 9/4 để đàm phán. Đến nay, hai bên vẫn đang cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận thương mại, trong đó Ấn Độ đề xuất giảm 2/3 chênh lệch thuế quan của nước này và Mỹ. Ấn Độ được cho là đang dùng lại “quân bài” trả đũa thuế quan trong bối cảnh các cuộc thảo luận về thuế quan song phương đang diễn ra.
Đầu tháng 4/2025, Ấn Độ đã yêu cầu tham vấn với Mỹ theo Hiệp định về biện pháp tự vệ (SG) của WTO sau khi ông Trump công bố thuế đối ứng. Tuy nhiên, Washignton nói rằng thuế quan mới của Mỹ được áp dụng vì lý do an ninh quốc gia và không được xem là một biện pháp tự vệ theo Hiệp định này của WTO.
“Mỹ chưa thông báo các biện pháp thuế quan của mình cho WTO, nhưng về bản chất đây là các biện pháp tự vệ”, Ấn Độ viết trong thông báo với WTO và nhấn mạnh rằng các biện pháp của Mỹ không phù hợp với Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994 (GATT 1994) và SG.
Sau khi ông Trump công bố thuế đối ứng, New Delhi phát tín hiệu rằng Ấn Độ sẽ không thực hiện các biện pháp trả đũa, mà thay vào đó lựa chọn ưu tiên đàm phán để đạt được thỏa thuận thương mại song phương. Hai bên đặt mục tiêu đạt một thỏa thuận như vậy vào mùa thu này.
Hành động mới nhất của Ấn Độ tại WTO diễn ra đúng thời điểm nhạy cảm giữa lúc đàm phán thương mại đang diễn ra.
“New Delhi và Washington đang xúc tiến một thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn và hành động đáp trả này của Ấn Độ có thể phủ bóng đen lên các cuộc đàm phán”, ông Ajay Srivastava, nhà sáng lập tổ chức nghiên cứu Global Trade Research Initiative có trụ sở tại New Delhi, nhận xét với hãng tin Bloomberg.
Về phần mình, ông Trump gọi Ấn Độ là nơi có thuế quan thuộc hàng cao nhất thế giới và từng gọi quốc gia này là “nước lạm dụng thuế quan”.
Ấn Độ cũng đã áp thuế quan với thép nhập khẩu. Tháng trước, nước này áp đặt mức thuế quan tạm thời 12% để kiềm chế thép nhập khẩu giá rẻ, chủ yếu từ Trung Quốc. Cùng với đó, New Delhi cũng đang cố gắng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho mặt hàng thép của mình thông qua đàm phán thương mại với các nước đối tác. Gần đây, nước này ký kết hiệp định thương mại với Anh. Theo đó, khi hiệp định có hiệu lực, Anh sẽ loại bỏ toàn bộ thuế quan với 99,1% hàng nhập khẩu từ Ấn Độ.
Theo các nhà phân tích, dù thuế quan Mỹ với nhôm và thép sẽ tác động tới ngành công nghiệp này của Ấn Độ nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn bởi quốc gia Nam Á có thị trường xuất khẩu đa dạng. Dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế Ấn Độ cho thấy Mỹ chỉ chiếm khoảng 3% kim ngạch xuất khẩu thép của Ấn Độ. Còn theo báo cáo của công ty Geojit Investments, mức độ tiếp xúc với thị trường Mỹ của các công ty kim loại lớn Ấn Độ như JSW Steel, Jindal Stainless, Vedanta và Tata Steel chỉ là khoảng 2-10%.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.